Khi còn nhỏ Ngọc Mai cứ nghĩ chắc do vì Baba nhận nuôi thêm cô nên vướng bận, cứ canh cánh buồn trong lòng vì không ai chịu lấy ông là do mình. Đến khi lớn hơn cô được biết là Baba của mình là do bị ế quá, lo được lo mất. Cũng tìm hiểu vài người, vắt trên vai vài mối tình chớm nở đâu được vài tuần.
Nhưng cuối cùng cũng không đi đến đâu, vì ông luôn gặp được người không thương ông chỉ thương tiệm thuốc của ông nên ông thù đời không tìm nữa, ở vậy chờ thời đợi gặp được đúng người thương ông. Thời chờ hoài không đến, ông chờ đến tóc không mọc nổi cọng nào mà thời của ông vẫn bặt tăm.
Ông Ba nói là cửa lòng đã khép, tuyên bố ở vậy đến già. Ừa thì cũng già rồi mà. Thường mọi người nghe xong, cũng chỉ biết buồn cho ông ở trong lòng. Tuy đường tình duyên ông Ba lận đận nhưng lại được ông thần tài và ông tổ thương, tiệm thuốc và tiếng tăm càng ngày càng có tiếng, làm ăn rất khấm khá, nói hổng phải quở mọi người bệnh, nhưng được cái ông Ba khám và bốc thuốc mát tay lắm, không nuôi bệnh nuôi thuốc.
Từ bé đến lớn Ngọc Mai đều gọi ông Ba là Baba. Ngọc Mai đang là sinh viên năm ba Trường Đại học Y Dược. Ngoài thời gian học, cô phụ giúp Baba trông coi cửa hàng thuốc đông y. Mấy năm gần đây, hiện tượng YouTube nổi lên khá nhiều, Ngọc Mai cũng ấp ủ muốn phát triển kênh riêng về niềm đam mê, nghiên cứu các món ăn ngon kết hợp thuốc đông y để chữa bệnh. Gom hết số tiền ít ỏi được Baba trả phí phụ giúp trông coi tiệm, cộng thêm tiền lì xì để dành Ngọc Mai mua các thiết bị secondhand* ở chợ Nhật Tảo thế là hành nghề.
Ngọc Mai thành công xúi giục ông Ba và các bác, các chú ở trong phố đông y khi khám bệnh thì cho cô quay lại. Tuy Ngọc Mai là ma mới nhưng lại nổi lên như hiện tượng mạng. Nội dung vlog* mô tả sinh động về các cách bắt mạch trị bệnh, hay các dược thiện nâng cao thể trạng, phòng bệnh kết hợp ăn uống người thật việc thật, thế là nổi tiếng rần rần.
Nếu ai đó hỏi Ngọc Mai, Baba cô là người thế nào? Thì xin thưa, theo cảm nhận của Ngọc Mai thì tính tình Baba rất khó định hình. Với tính cách hiếm có khó tìm này thì thôi khỏi bàn, bàn mãi không kết được. Vì lúc hiền, lúc dữ, lúc cộc lốc, lúc dễ thương, lúc tốt tính, lúc xấu tính thay đổi theo cơn gió ngược xuôi suốt dòng đời của cô. Nói chung không ổn định.
Càng lớn tuổi càng trẻ con. Hờn ngày ba bữa, không hờn đủ không ăn cơm, nhưng được cái bản lĩnh thì không tồi, các món ăn Ngọc Mai úp (upload*) trên mạng ngoài thụ giáo ở trường ra thì phần nhiều là từ Baba dạy cô.
Clip nào của cô cũng có Baba thò một ngón tay vào. Không chỉnh thì sửa, không sửa thì ý kiến, không vừa ý ông là ông không cho úp, trốn làm một mình là thấy cái cảnh hờn.
Từ lúc nổi tiếng trên mạng, có tiền quảng cáo thế là Ngọc Mai chia ba phần. Phần bỏ hòm công đức cho chùa nuôi cô từ nhỏ, phần cho Baba, phần giữ làm vốn mua đạo cụ cho cô tác nghiệp. Baba không lấy thì ngại gì, mua thuốc quẳng vào tiệm thế là xong, xử sao thì kệ cô không quan tâm.
Vì là người năng động, nên quỹ thời gian của Ngọc Mai lúc nào cũng được sử dụng tối đa. Cứ một năm hai lần, Ngọc Mai sẽ cố gắng sắp xếp trong quỹ thời gian eo hẹp của mình, để được đi cứu trợ với Baba và các chú bác trong khu phố.
Mọi người cũng không nhớ nỗi, bắt nguồn từ lúc nào, và do ai là người đầu tiên đứng ra khởi xướng. Cứ định kỳ mỗi năm hai lần, khu phố thuốc đông y được các ông chủ tiệm thuốc, và phòng khám lớn nhỏ, sẽ góp tiền cùng nhau đứng ra tổ chức thuê xe đi về trong ngày, nơi xa hơn thì vài ngày, thậm chí đến hơn cả tuần, để về các thôn xóm nghèo khắp đất nước, bốc thuốc chữa bệnh miễn phí.
Tuy đây không phải là lần đầu tiên Ngọc Mai đi cứu trợ, nhưng lần nào cũng như lần đầu, hồi hộp cả đêm không ngủ cứ lân lân thao thức sửa soạn đồ đạc, đem ra bỏ vào, kiểm tới kiểm lui, xem đủ không?
Dù cứu trợ khá vất vả, nhưng đối với người ưa thích du lịch và đang làm vlog như Ngọc Mai thì khoái chí khỏi nói. Vì lần nào cứu trợ xong, cô cũng sẽ có thêm một vài clip xịn sò. Thậm chí, nếu đi cứu trợ chuyến dài ngày, thì thế nào cũng sẽ có thêm một, hoặc hai ngày được đi tham quan đây đó trước khi về.
Thường thì có kèo đi nào ông Ba cũng kéo Ngọc Mai đi cùng, từ nhỏ đến lớn đều thế, dù là sinh viên đang đi học, quỹ thời gian không có nhiều ông Ba vẫn hú về đi chung, chuyến dài quá bận học không đi được mới hủy.
Bây giờ đang hè, đúng dịp Ngọc Mai được Baba kéo đi. Hôm nay là ngày xả hơi, sau khi đã cứu trợ xong ở các xóm nghèo vùng biển Kiên Giang. Mọi người đang tập hợp cùng nhau, để tham quan quần đảo Bà Lụa trước khi quay về lại thành phố Sài Gòn.
Đây là thời khắc Ngọc Mai mong mỏi nhất, hỏi sao mà cô không sốt ruột chứ! Đã hẹn lúc tám giờ là tập hợp lên tàu đi ra đảo, chơi tầm đến ba hoặc bốn giờ chiều thì sẽ quay lại, ngủ thêm một đêm sáng hôm sau về Sài Gòn.
Sau khi ăn sáng xong, ông Ba nổi chứng! Chê nón hôm nay hơi rộng đòi quay về phòng đổi nón khác, Ngọc Mai đã bôi kem chống nắng, đi nhà vệ sinh đủ các kiểu, nhờ nhà hàng nấu dùm nước châm trà để bình giữ nhiệt cho ông, một bình cà phê sữa đá cho bản thân xong tám kiếp. Mọi thứ sẵn sàng rồi mà ông Ba vẫn chưa xuất hiện.
Ngọc Mai cảm thấy Baba mình có bệnh, bệnh đã vào giai đoạn thời kì cuối, bệnh đó gọi là bệnh điệu, ông Ba từng hùng hồn tuyên bố là vì bởi đầu không còn cọng tóc nào nên càng phải điệu. Ai cũng có quyền điệu, thế tại sao không để ông được điệu?
Điệu có nhiều cách điệu, bản thân ông chỉ thích điệu với các loại nón, đầu không nón không được, giống như nấu cơm thiếu gạo, uống trà thiếu nước.
Ngọc Mai thấy Baba mình nói có lý quá, xin chịu! Nhưng ngặt nỗi ông Ba có mỗi một cái đầu nhưng lại có hơn trăm cái nón, nón đội theo mùa, nón đội theo xì tai (style*), nón đội theo trang phục, phải hợp từng phong cách, từng đôi giày.
Đôi khi ông Ba cảm thấy rất buồn bực! Vì sao không ai chịu "nâng cấp" trình độ thời trang của bản thân, để có thể cảm thụ mà không lạc điệu với ông nhỉ? Ông thấy thật bơ vơ quá!
Trong phòng ngủ của ông Ba, có lắp hẳn một kệ nón cao từ trên tầng nhà thiết kế dài xuống đất. Mỗi sáng ngủ dậy, việc đầu tiên trong ngày của ông là đến giá để nón. Nghĩ đến việc hôm nay mình sẽ mặc bộ cánh gì, rồi sau đó ướm thử đủ nón, ngó đủ vốn, cố gắng chọn cái hợp nhất mới chịu đội.
Mặc dù ông Ba đã khống chế, nhưng thời gian chọn lựa nón lại rất hên xui. Muốn nhanh hay chậm đôi khi còn tùy thuộc vào trạng thái có thấy ổn hay không khi phối với vài bộ đồ.
Vì điều này mà hầu như Ngọc Mai lúc nào cũng nói: "Baba là điệu nhất, Baba mà đứng thứ nhì thì sẽ không có ai đứng thứ nhất." Thật là tổn thương tâm hồn yếu đuối của ông mà.
Ngọc Mai réo từ sáng đến giờ lần thứ tư mà Baba cô cứ hô là "xong rồi" mà vẫn chưa thấy người đâu. Ngọc Mai thấy nóng cả người, cô buồn bực xoay người bỏ đi luôn một hơi ra trước cửa khách sạn.
*Secondhand: Một mặt hàng cũ hoặc đã qua sử dụng là một tài sản cá nhân đang được mua hoặc chuyển giao cho một người dùng cuối hoặc sau đó. Một hàng hóa đã qua sử dụng cũng có thể chỉ đơn giản có nghĩa là nó không còn trong tình trạng tương tự như nó đã được khi chuyển giao cho chủ sở hữu hiện tại. Nguồn Wikipedia
*Vlog: Một video blog hay video log, thường được nói gọn thành vlog, là một dạng của blog trong đó phương tiện truyền tải là qua video, và là một dạng của truyền hình chiếu mạng. Các vlog thường kết hợp video nhúng (hoặc một liên kết video) với các văn bản hình ảnh và siêu dữ liệu khác hỗ trợ cùng. Một tập vlog có thể được quay một lần hoặc cắt thành nhiều phần. Vlog là thể loại phổ biến trên nền tảng chia sẻ video Youtube. Nguồn vi.wikipedia.org
*Upload: đưa dữ liệu (văn bản, âm thanh, hình ảnh, v.v...) từ một máy tính hay thiết bị điện tử lên một hệ thống lưu trữ từ xa (như website, máy chủ, hoặc các hệ thông tương tự khác). Nguồn tratu.soha.vn
*Style: có thể được hiểu là văn phong, phong cách, hơi hướng nghệ thuật.... hoặc là ngòi viết, cột so bóng....Nhưng khi được sử dụng trong những trường hợp thông thường, Style được hiểu thuần là một phong cách sống, phong cách thời trang (trong ngành thời trang) hoặc là phong cách bố trí, sắp đặt (trong thiết kế xây dựng, kiến trúc). Nguồn yeah1.com