Vào một ngày nọ đầu tháng 11, nhà nhà trông ra khung cảnh bên ngoài, sớm tinh mơ Bắc Kinh đã phủ lớp tuyết mỏng. Từng bông tuyết lãng đãng bay trên nền trời xám xịt, nó đáp xuống nhưng không tan ngay, mà cố níu lại ở đỉnh đầu hoặc cánh tay trong giây lát.
Trong vườn hoa của Viện bảo tàng văn hóa Bắc Hải có hai người vừa thưởng thức trà vừa trò chuyện.
“Ô? Giáo sư Trình tới muộn cơ ạ?” Thực tập sinh Tiểu Hà ngó cái bàn trống phía sau, cất tiếng hỏi: “Trước nay đúng 7 giờ là giáo sư Trình có mặt tại văn phòng, thế mà nay tận 10 giờ rồi vẫn chưa thấy bóng dáng thầy đâu, làm cháu thấy hơi là lạ đó.”
Lão Trì đáp: “Quái thật, lẽ nào là vậy, ban nãy chạm mặt chú ấy ở khuôn viên bác còn hỏi han mấy câu, chú ấy bảo rằng xin nghỉ ốm.” Bác ngẩng mặt dõi bầu trời: “Cháu xem kìa, tuyết rơi rồi.” Dứt lời, lão Trì đóng mạnh cửa sổ: “Sao chỗ này lại mở hé thế nhỉ? Bảo sao gió lạnh thốc vù vù.”
“Ôi nghỉ ốm ư, giáo sư Trình có sao không ạ?”
“Cảm mạo thôi, chẳng phải gần đây chú ấy lu bu việc gì đó sao, chắc hẳn dầm mưa dãi nắng nhiều sinh bệnh.”
“Ồ!” Tiểu Hà vỡ vạc ra, thế rồi buôn chuyện: “Năm nay giáo sư Trình cũng phải tứ tuần rồi bác ha? Lúc nào giáo sư cũng kiên trì rèn luyện; ăn uống, làm việc và nghỉ ngơi điều độ, dẻo dai hơn cả thanh niên trai tráng mới 20 tuổi đầu là cháu đây, vả lại cháu cũng chưa bao giờ thấy giáo sư bị đau đầu các thứ.”
Lão Trì gật gù: “Kém bác 2 tuổi, năm nay chú ấy 42. Ai bảo không có đâu nào, chăm sóc sức khỏe tốt đến mấy cũng có lúc ốm chứ.”
“Bác thốt câu này cũng như không hà.”
“Ha ha, cũng phải.”
“Mà bác ơi, bác với giáo sư quen biết nhau lâu, cho cháu hỏi chuyện này với.”
“Ừ, chuyện gì đấy?”
“Mới tuần trước cháu làm mối cho giáo sư… với cô của cháu.”
“Lão Trình không đi hử? Không đi là chuyện thường tình quá còn gì!”
“Có đi ạ, haiz… Giờ ngẫm lại mới thấy khả năng cao giáo sư nể mặt cháu.” Tiểu Hà ngập ngừng rồi lựa lời kể: “Nói chứ về điểm này giáo sư tốt quá, dù không muốn nhưng lúc ra về thầy ấy vẫn rất chu đáo, khiến người khác không chê vào đâu được. Về nhà cháu nghe cô bảo, từ ngoại hình, chiều cao đến cách cư xử, cả gia cảnh cô cũng ưng lắm. Đó là những gì cô cháu thuật lại, song hết hi vọng rồi, giáo sư hoàn toàn không có ý với cô.”
Tiểu Hà nhớ lại những lời cô mình nhận xét, đoạn cất lời: Phong độ, lịch lãm khôn ngần, hoàn mĩ như ma-nơ-canh mà lại xa cách nghìn trùng.
“Rồi cháu muốn hỏi gì?” Lão Trì bổ một câu dứt khoát.
“Xưa cháu nghe đồn thời trẻ giáo sư có một mối tình…? Về sau thầy ấy vẫn mãi…? Thế nên cháu lấy làm tò mò ạ.” Tiểu Hà hơi ấp úng.
“Ngẩng đầu lên.” Lão Trì hiểu cậu chàng muốn hỏi điều gì, bác tỏ thái độ thản nhiên, không chủ động nối tiếp đề tài, chỉ thổi phù tách trà.
“Thú thật là cháu hỏi hộ cô cháu. Cô cháu biết không còn hi vọng, nhưng mà cô ấy chưa từng có cảm giác rung động đến vậy, thành thử vẫn không cam lòng từ bỏ. Điều duy nhất cô băn khoăn ấy là, bình thường đàn ông độc thân những 20 năm, có mắc tật xấu gì chăng?”
Lão Trì liếc Tiểu Hà một cái, “Có tật xấu gì không hả? Chính miệng cháu khen đấy còn gì, bền bỉ hơn cả thanh niên mới hai mươi.”
“Ầy!” Tiểu Hà yên tâm: “Cháu cứ tưởng…”
“Thôi, thôi, chuyện này chấm dứt ở đây.” Lão Trì giơ tay ra hiệu: “Bác thay giáo sư Trình làm việc tốt, khuyên chân thành mấy đứa đừng mai mối cho người ta nữa. Mấy đứa toàn cậy giáo sư hiền lành, nếu mà là trước kia… Thật ra cứ mai mối nhiều, với lão Trình mà nói chẳng khác nào chuốc thêm phiền toái. Bác thấy chú ấy được đấy chứ. Ngày ngày dồn cả vào mấy thứ nghiên cứu, nào là văn vật với lịch sử này, cứ vậy trôi hết kiếp người, đâu nhất thiết phải tìm nửa kia mới là vẹn tròn. Hơn nữa…”
“?”
“Hơn nữa, đôi khi trong tim còn vấn vương một người, dù người ấy không còn đi chăng nữa thì cả đời vẫn mãi ngự trị nơi cõi lòng.” Lão Trì hướng mắt về xa xăm, trông khung cảnh tuyết rơi ngoài trời.
“Ôi trời bác, chẳng giống bác mọi khi hay nói tẹo nào. Văn chương khiếp.” Tiểu Hà cười khì, cầm bút viết lên giấy được hai nét, lại khơi chuyện: “Điều kiện của cô cháu thực sự không tồi, cũng bằng cấp phó giáo sư đại học đó. Ngoài ra chỉ mới 37 tuổi thôi, kém giáo sư 5 tuổi.”
Lão Trì hơi sững lại: “Chẳng qua cháu chưa thấy người yêu thời còn trẻ của giáo sư thôi… Bỏ đi, không nhắc tới nữa.”
…
Cánh cổng nhà số 23 hẻm Thiên Can khép chặt.
Một bác gái ở tổ dân phố đứng gọi ngoài cửa, nói có thông báo thi công gửi đến. Đầu Trình Cừ đau như búa bổ, anh chầm chậm đứng dậy vịn tường ra mở cửa.
Ngôi nhà tứ hợp viện nhỏ này của anh được thiết kế theo kiểu hành lang uốn khúc làm bằng kính, đứng bên cửa sổ có thể ngắm được cây mai ở trong vườn. Cành mai được uốn dáng, lớp này nâu, lớp kia trắng, cành nặng trĩu tuyết trắng xóa.
Dịch bệnh ập đến hoành hành.
Mới đây Trình Cừ đảm nhận việc trùng tu và hoàn thiện bức tường Cửu Long ở Bắc Hải, thường xuyên bận độc cái áo mỏng tanh đứng giám sát cả một buổi. Không những vậy, hôm qua còn phải hứng gió nguyên ngày trời, đoán chừng là anh bị trúng gió rồi.
*Bắc Hải hay còn gọi là biển Bắc, nơi có cảng biển nằm ở bờ phía Bắc của vịnh Bắc Bộ, thuộc tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.
Cửa mở, bác gái giật nảy mình trước sắc mặt của anh: “Tiểu Trình được nghỉ à, nom mặt mày cậu xanh xao thế, ốm hở?”
Trình Cừ che miệng, húng hắng ho, “Vâng, bị cảm ạ.”
“Ấy!” Bác gái lập tức lùi lại: “Khéo lại mắc virus corona! Tôi phải giữ khoảng cách với cậu, nhà tôi còn cháu nhỏ, đừng lây bệnh sang tôi nhé.”
“Chắc không phải, chỉ trúng gió rồi cảm lạnh thôi bác, chủ yếu là đau đầu.” Trình Cừ day day trán, chỗ đau như lan rộng thêm, y hệt có người cầm xẻng xúc từng lỗ ở đầu.
“Ôi chao, đến khổ, cậu đợi chút để tôi về lấy thuốc cho!”
“Không cần đâu ạ, cảm ơn bác, nhà tôi cũng có thuốc.” Trình Cừ chuyển chủ đề, giơ giấy thông báo lên và hỏi: “Tôi phải kí tên lên nó đúng không?” Dứt câu, anh mò vào túi áo sơ mi tìm cây bút. Mò một hồi phát hiện túi áo trống không, bấy giờ mới sực tỉnh mình đang mặc quần áo ở nhà, không phải quần áo đi làm thường ngày.
“Không phải ký, chỉ thông báo không thôi. Ở đầu phố mình đang sửa đường ống ngầm dẫn nước, trong giấy viết thời gian cắt điện nước đấy, cậu mở ra đọc kĩ nhé.”
“Vâng.” Trình Cừ cầm giấy thông báo và đóng cửa lại. Trên mặt giấy đóng con dấu hồng của tổ dân phố với vài hàng chữ, đọc tiêu đề thôi đầu đã đau nứt nên anh thẳng thừng ném nó sang một bên, không bận tâm đến.
Bệnh đến tựa kéo sợi, anh liêu xiêu bước về phòng ngủ, cứ mặc nguyên quần áo đó nằm phịch xuống giường.
Trình Cừ làm việc quần quật cả ngày lẫn đêm, cho dù được nghỉ phép ở nhà, anh cũng xách cặp da đến thư viện vùi đầu với tư liệu lịch sử. Bỗng dưng bị ốm thế này, sách không đọc nổi nữa, anh rót nước uống thuốc trị cảm kèm theo cả thuốc ngủ rồi chìm vào mê man.
…
Mãi đến giữa trưa tuyết mới ngừng, hai người đứng ngoài văn phòng hít thở không khí.
Tiểu Hà cầm cái chổi quét đống tuyết trước cửa, còn lão Trì thì đứng một bên hút thuốc. Bác ngước nhìn không trung, vẫn là sự ủ dột ấy, giống như bị chiếc lồng nặng trịch chụp xuống. Lão Trì cất lời: “Tuyết chưa hết đâu, còn rơi nữa đấy, chừng phải hai ngày nữa. Ngày mai cháu đừng lái xe, tuyết sẽ phủ đầy đường cao tốc cho xem.”
Tiểu Hà: “Cầu mong nó rơi sau 5 giờ, hôm nay cháu đi xe đạp điện đó, có tý điện thôi. Nếu tuyết còn rơi nữa thì chiều cháu phải dắt bộ về nhà mất, mai cháu ngồi tàu điện luôn.”
Lão Trì cười khà: “Đúng là học theo giáo sư Trình, người gì mà ở cách đây những hai con phố. Ngày nào cũng cuốc bộ đi làm.”
Tiểu Hà: “Nói học là học được ư? Nhà cháu ở đường vành đai 4, muốn bắt chước theo giáo sư phải có người cha sở hữu căn tứ hợp viện nằm ở vành đai 2 kia kìa.”
Lão Trì nghĩ bụng thấy cũng đúng: “Ha ha, hâm mộ quá nhỉ.”
“Bác từng ghé qua nhà chú ấy chơi, lần đó đến biếu ít trái nhà trồng nhân dịp lễ Tết. Ừm, chỗ đó đẹp cực, còn có vườn hoa nhỏ nằm riêng trong sân.”
Lão Trì tiếp câu: “Thật ra ban đầu mảnh sân không phải của nhà chú ấy. Cháu biết nhà chú ấy chưa? Ban đầu phía đông của cái sân thuộc về người khác, nhà chú ấy chỉ có hai căn ở phía nam và phía tây thôi. Hơn hai mươi năm trước, người ở phía đông chuyển nhà rồi bán đất, chú ấy bỏ tiền ra mua lại nó đó.”
“Cái nhà ấy chắc phải tiếc hùi hụi ấy chứ? Thời buổi này có tiền chục triệu cũng không mua nổi một căn đâu.”
“Con gái nhà kia mất, gia đình không muốn nán lại chi cho thêm đau buồn nên đã bán nó.” Lão Trì giải thích.
“Ồ… Giáo sư Trình gan dạ thật, vẫn ở lại chỗ đó được. Lúc trước cháu đến chơi còn nghĩ sao thầy ấy không cho thuê phòng phía đông mà lại khóa. Ai ngờ chỗ ấy trước kia có người chết.”
“Cô con gái đã mất của gia đình ấy chính là người thương của giáo sư.”
HẾT CHƯƠNG 1