Đến lễ Giáng sinh, bụng vẫn chưa lộ ra ngoài, nhưng nàng đã cảm thấy thai máy nhẹ. Nàng không muốn chấp nhận nó, nàng có lý do để ghét bỏ nó, nhưng không thể làm được. Hài nhi cũng vô tội như nàng, mặc dù nó cũng nguyền rủa bố nó. Nàng nghĩ đến chuyện sẽ tiếp xúc với y, nói cho y biết chuyện đã xảy ra, buộc y phải có trách nhiệm, nhưng nàng nghĩ rằng căn cứ vào những gì nàng đã thấy vào tối đó, thế nào y cũng từ chối. Và ai biết y đã hiếp bao nhiêu phụ nữ trước đây, hay từ khi đó? Nàng chỉ là vật trôi nổi, trôi qua trước mắt y trong đại dương chiến tranh, y sẽ xua đuổi nàng giống như y đã làm vào tối đó, xua đuổi luôn cả con y cùng với nàng. Nàng hoàn toàn không biết trông nhờ vào ai. Nàng chỉ là người phụ nữ mang đứa con bất hợp pháp trong thời chiến, không ai nghĩ rằng nàng đã bị hiếp dâm.
Đến tháng giêng nàng vẫn còn làm việc. Nàng đã có thai sáu tháng, dùng áo tạp dề để che phần bụng. Bụng không phồng lên vì nàng vẫn còn buộc bụng thật chặt, phần thì vì lo âu và thức ăn nghèo nàn, nàng ăn rất ít. Nàng không tăng cân, nếu không muốn nói là giảm cân. Nàng rất đau khổ vì việc xảy ra từ tháng bảy. Và nàng không nói cho ai biết.
Vào cuối tháng ấy, vào một buổi chiều trời rất lạnh, nàng làm việc trong phòng mổ cho các thương binh, để tạm thay cho người làm việc ở đây, thì nàng bỗng nghe hai người thương binh nói chuyện với nhau. Cả hai đều là người Anh, một sĩ quan và một trung sĩ. Cả hai đều mất tứ chi trong một trận đánh ác liệt trong chiến hào. Khi nàng nghe nói đến Harry, nàng liền dừng lại để nghe cho rõ. Nàng không hiểu tại sao mình làm thế, vì có thể là chuyện của ai đấy, nhưng chỉ một lát sau, người sĩ quan nói rằng Harry Winshire chết đi là một thiệt thòi lớn cho họ. Họ nói họ rất thương tiếc y, vì y là người tốt. Nàng muốn hét vào mặt họ rằng y không phải là người tốt, mà y là con quái vật. Nàng lảo đảo chạy ra khỏi phòng, đứng run ngoài gió lạnh, há hốc miệng thở hổn hển như vừa bị ai bóp cổ. Không những chỉ vì y đã hiếp nàng, mà vì y đã chết. Con nàng sẽ không bao giờ có bố. Nàng nghĩ có lẽ như thế mà tốt, y chết thật đáng đời. Chuyện đã xảy ra cho nàng quá khủng khiếp, lại khiến nàng thấy choáng váng mặt mày, nàng lảo đảo bước đi như cây sậy trong gió, rồi bỗng ngã nhào xuống vũng bùn gần đấy. Hai cô y tá thấy nàng ngã bèn chạy đến, và đồng thời một bác sĩ trong nhà bước ra, bèn dừng lại và quì xuống bên cạnh nàng. Như mọi khi, người ta lo nàng bị thổ tả, nhưng khi sờ đến nàng, họ thấy nàng không sốt. Họ nghi nàng làm việc quá sức mà lại thiếu ăn, mất ngủ, điều kiện mà hầu hết mọi người đều gặp phải trong những năm qua.
Người bác sĩ giúp đưa nàng vào trong, khi họ để nàng lên xe cáng thì nàng tỉnh dậy. Nàng bị ướt mèm, nước mưa làm tóc nàng dính vào đầu, áo tạp dề dính sát vào người. Nàng xin lỗi rối rít vì đã gây phiền nhiễu cho họ, rồi gắng đứng dậy để bỏ đi. Nhưng khi nàng đứng lên, nàng lại xỉu và lần này ông bác sĩ đẩy xe cáng vào căn phòng nhỏ rồi đóng cửa lại. Ông ta không biết nàng rõ lắm, nhưng thường gặp nàng.
Ông ta hỏi nàng có phải bị bệnh kiết lỵ không, nàng đáp mình khỏe, sở dĩ ngã là vì mệt, vì làm việc từ sáng sớm và không ăn từ hôm trước. Nàng cố cười với ông ta, nhưng ông không yên tâm. Mặt nàng có màu giống màu áo tạp dề. Ông ta hỏi tên nàng và nàng nói tên mình cho ông ta biết.
- Cô Worthington này, tôi nghĩ là cô kiệt sức vì mệt mỏi do chiến tranh gây ra. Có lẽ cô nên đi đâu nghỉ ngơi vài ngày cho lại sức. - Trong nhiều tháng qua, không ai được nghỉ phép và nàng không muốn thế, nhưng nàng biết rằng thời gian nàng làm việc ở bệnh viện đã quá nhiều. Bụng nàng bây giờ đã khá to, càng lúc càng khó che giấu, mặc dù nàng đã buộc bụng rất chặt. - Sức khỏe cô có gì không ổn mà cô không nói cho tôi biết phải không? - Ông ta lo lắng hỏi. Họ không muốn nhân viên y tế của bệnh viện truyền những bệnh truyền nhiễm cho nhau, hay mắc phải bệnh, hay chết vì lao động quá sức và vì bệnh tật mà che dấu. Họ làm việc rất cần mẫn đến nỗi nhiều y tá và bác sĩ đã che giấu bệnh khi mắc phải. Ông ta sợ rằng nàng cũng lâm vào trường hợp như thế. Trông nàng bơ phờ kinh khủng.
Nàng lắc đầu, rồi ông ta thấy nước mắt chảy ra trên mặt nàng. - Không, tôi khỏe, - nàng đáp.
- Khỏe đến nỗi cô mới xỉu hai lần thôi, - ông ta nhẹ nhàng nói. Ông có cảm giác rằng có cái gì đấy mà nàng không muốn nói cho ông biết, trông nàng thiếu dinh dưỡng như nhiều người khác. Ông yêu cầu nàng nằm xuống để ông khám qua áo quần và khi nàng vừa nằm xuống, ông thấy bụng nàng phồng to, nàng nhìn ông chăm chăm. Ông nhẹ để tay lên bụng nàng, cảm thấy chỗ phồng đã được nàng che giấu rất lâu và ông hiểu chỗ phồng ấy là gì. Nàng không phải là người thiếu nữ đầu tiên bị lính hiếp trong thời chiến. Ông nhìn nàng, nàng khóc nức nở.
- Tôi nghĩ chuyện rắc rối là do ở đây, - ông nói. Nàng ngồi dậy, lấy khăn tay, hỷ mũi. Nàng có vẻ hết sức bối rối và rất khổ sở. - Khi nào cô sinh?
Nghe hỏi, nàng gần như nghẹn ngào, muốn nói cho ông nghe chuyện xảy ra như thế nào, nhưng không dám. Sự thật quá kinh khủng, chắc chắn ông và mọi người đều không tin lời nàng, họ sẽ chê trách nàng. Nàng nghĩ thế, vì nàng đã thấy những người khác trước đây đã bị như thế rồi. Phụ nữ thường nói họ bị hiếp dâm, trong khi họ tằng tịu với người khác ngoài giá thú. Làm sao ông ta tin nàng? Giống như trường hợp của Josiah, nàng giữ kín chuyện bí mật của chàng khi chàng bỏ nàng ra đi để bảo vệ thanh danh của chàng, bây giờ nàng cũng giữ kín chuyện của huân tước Winshire. Và người phải trả giá cho mọi chuyện đều là nàng. - Tháng tư, - nàng đáp, với vẻ chán chường thất vọng.
- Cô cố giữ kín chuyện này thế là quá lâu. - Ông ta nới lỏng áo tạp dề của nàng, tháo băng quấn quanh bụng, kéo áo khoác dài của nàng lên và hot hoảng khi thấy nàng băng bụng quá chặt, rõ ràng nàng đã băng như thế nhiều tháng nay. - Thật kỳ lạ là cô còn thở nổi. - Băng quấn chặt hơn cả Corset, thật là quá ác cho cả mẹ lẫn con.
- Tôi không thể làm gì hơn, - nàng đáp qua nước mắt.
- Cô phải nghỉ làm việc ngay, - ông ta nói, nàng thừa biết như thế. - Thế bố nó đâu? - Ông hỏi, giọng tử tế.
- Chết rồi, - nàng thì thào đáp. - Tôi mới phát hiện ra hôm nay. - Nàng không nói cho ông biết nàng ghét Harry và sung sướng khi biết y chết. Y chết là đáng đời. Nàng nghĩ, nếu nàng nói thế, chắc ông bác sĩ sẽ rất ngạc nhiên.
- Ra thế. Cô muốn về nhà không?
- Tôi không thể về được, - nàng đáp. - Ông ta không hiểu được lý do này. Nàng sẽ không được chào đón ở New York và Newport và bây giờ có thai, nàng sẽ mãi mãi không được mọi người ở đấy đón nhận.
- Cô phải tìm một chỗ để ở. Cô muốn tôi tìm giúp cho cô một gia đình để ở không? Có lẽ cô sẽ giúp họ chăm sóc con cái của họ. - Annabelle lắc đầu. Khi bụng bắt đầu lớn, nàng đã nghĩ đến chuyện đó. Nàng không thể trở về trường y, ít ra là bây giờ. Nhưng có một nơi nàng nghĩ đến là khu vực ở trên vùng Antibes gần ngôi nhà thờ cổ, nơi nàng thỉnh thoảng đến chơi mỗi khi nghỉ học ở trường y. Nếu nàng tìm được ngôi nhà nhỏ ở đấy, nàng có thể lánh mặt cho đến khi sinh nở xong, rồi hoặc là trở lại tiền tuyến hoặc trở lại trường y. Khó mà nghĩ đến chuyện trở lại tiền tuyến với đứa bé, vì nàng không biết để nó cho ai. Nàng suy nghĩ đến lời đề nghị của ông ta, nhưng nàng từ chối sự giúp đỡ của ông. Nàng muốn tự mình thu xếp lấy. Ông ta không biết rằng nàng có thể tự mình lo liệu về vấn đề tài chính, không biết nàng có thể thuê nhà hay mua nhà nếu nàng muốn.
- Cám ơn ông, tôi sẽ lo liệu lấy, - nàng buồn bã đáp. Ông giúp nàng bước xuống chiếc xe cáng.
- Đừng đợi quá lâu, - ông khuyên nàng. Ông hết sức kinh ngạc khi biết nàng che dấu việc mình có thai suốt sáu tháng trời.
- Tôi sẽ không đợi lâu đâu, - nàng hứa. - Cám ơn ông, nàng lại khóc. Ông vỗ nhẹ vai nàng để trấn an, rồi họ ra khỏi phòng. Hai cô y tá vẫn còn đứng ở bên ngoài để đợi xem nàng có khỏe không.
- Cô ta khỏe, - ông cười, nói với họ. - Các cô ở đây đều làm việc quá sức. Tôi nói cô ấy cần nghỉ ngơi một thời gian, kẻo sẽ bị mắc phải thổ tả rồi truyền bệnh cho người khác. - Ông cười với họ để cho họ yên tâm, rồi nhìn Annabelle với ánh mắt thông cảm và bỏ đi. Hai người phụ nữ kia đưa nàng về phòng và nàng nằm nghỉ suốt cả buổi chiều.
Nàng nằm suy nghĩ. Ông bác sĩ nói đúng. Nàng phải ra đi cho sớm trước khi mọi người biết chuyện này và khi ấy thế nào họ cũng khinh chê nàng, mặc dù nàng không có lỗi.
Annabelle tìm cách ở lại Villers Cotterêts cho đến ngày đầu tháng hai, rồi tuy lòng luyến tiếc, nàng nói phải ra đi. Nàng nói với người giám thị của nàng rằng nàng trở lại trường y ở Nice. Nhưng không ai có thể phàn nàn về việc này. Nàng đã ở đây được mười bốn tháng, bây giờ ra đi nàng cảm thấy mình như một kẻ phản bội, nhưng nàng không còn sự lựa chọn nào khác.
Hôm nàng từ giã bệnh viện, từ giã những người nàng đã cùng làm việc với mình, là một ngày thật buồn đối với nàng. Nàng đi xe lửa để đến Nice, phải mất hai ngày mới đến đấy, vì phải thay đổi tàu, phải chờ đợi lâu trong nhiều ga, để dành ưu tiên cho tàu chở hàng quân sự đi qua, chở nhu yếu phẩm, nhiên liệu ra tiền tuyến.
Điều đầu tiên nàng làm khi đến Nice, là vào tiệm kim hoàn nhỏ để mua một chiếc nhẫn cưới bằng vàng. Nàng đeo chiếc nhẫn vào ngón tay, người chủ tiệm kim hoàn chúc mừng nàng. Ông ta là một ông già dễ thương, ông nói ông hy vọng nàng sẽ được hạnh phúc. Nàng rời khỏi tiệm kim hoàn với nỗi đau nghẹn ngào. Nàng phải bịa ra câu chuyện rằng nàng là góa phụ, chồng nàng chết trận ở Ypres. Mọi người không có lý do gì mà không tin. Trông nàng nghiêm trang, đáng kính và bây giờ đất nước đầy dẫy các góa phụ, nhiều người sinh con sau ngày chồng chết. Annabelle là một trong vô số phụ nữ có chồng chết ngoài mặt trận.
Nàng đăng ký vào ở trong một khách sạn nhỏ ở Nice, mua nhiều áo dài đen có kích cỡ rộng và nàng ngạc nhiên thấy bụng mình to một cách kinh khủng khi không dùng băng để buộc lại. Không to lớn như bụng của Hortie, nhưng rõ ràng nàng đang mang thai và bây giờ không lý do gì phải giấu giếm hết. Với chiếc nhẫn cưới trên tay, với áo dài đen của góa phụ, trông nàng như bao phụ nữ khả kính khác và nỗi buồn trong mắt nàng rất thành thật, mọi người đều thấy thế.
Nàng muốn đến thăm bác sĩ Graumont, nhưng cảm thấy không thể đến được. Sau này nàng sẽ đến với đứa bé, nói với ông ta rằng người chồng của nàng đã chết trận. Nhưng bây giờ còn mới mẻ quá. Và nàng chưa nghĩ ra cách để nói tại sao nàng không đổi tên khi lấy chồng. Nàng sẽ nghĩ ra cách nói sau này. Còn bây giờ, nàng cần phải tìm ra một chỗ ở. Một hôm, nàng quay lại vùng Antibes, đến nơi có ngôi nhà thờ cổ nàng thích. Đây là giáo đường của dân đi biển, có thể thấy toàn bộ hải cảng và dãy núi Maritime Alps. Nàng rời khỏi nhà thờ khi đã hỏi người gác gian trong vùng có nơi nào cho thuê nhà không. Người đàn bà gác gian lắc đầu, rồi nghiêng đầu một bên, vẻ suy nghĩ.
- Tôi nghĩ là chắc không có, - bà ta đáp, giọng miền Nam nặng trịch. Tiếng Pháp của nàng bây giờ rất giỏi, đến nỗi không ai không nghĩ nàng là người Paris hay ở một tỉnh nào ở phía bắc nước Pháp. - Trước chiến tranh, ở đây có một gia đình sống. Nhưng bây giờ họ đã chuyển hết về Lyon, vì cả hai người con trai của họ đều chết hết. Từ khi ấy họ không ở đây nữa, tôi chắc họ không về đây lại. Các cậu con trai của họ rất thích sống ở đây, nên họ không nỡ lòng bán cái nhà. - Bà ta nói cho Annabelle biết ngôi nhà ở đâu. Ngôi nhà chỉ cách nhà thờ một đoạn đi bộ ngắn, đây là ngôi biệt thự nhỏ trông như ngôi nhà nghỉ hè. Khi Annabelle đến ngôi nhà, một ông già đang làm vườn, thấy nàng ông ta gật đầu chào. Nàng hỏi ông ta ngôi nhà có cho thuê không. Ông ta nói không biết, nhưng hứa sẽ viết thư hỏi chủ xem sao. Ông ta nói tất cả đồ đạc, bàn ghế trong nhà đều còn y nguyên, ông ta hỏi không biết như thế có phiền phức gì cho nàng không. Nàng trả lời không và đúng ra nàng thích như thế nữa.
Ông ta thấy nàng đang có thai, khi ấy nàng có thai đã bảy tháng rồi, nàng nói mình là góa phụ. Nàng nói nàng rất cám ơn nếu thuê được ngôi nhà lâu chừng nào tùy họ, có lẽ lâu cho đến cuối năm. Nàng hy vọng sẽ đi học lại vào mùa thu, hay chậm lắm là tháng giêng. Đến tháng Chín, đứa bé sẽ được năm tháng, nàng có thể trở lại trường y, nếu nàng thu xếp được việc thuê người giữ con. Thậm chí nàng có thể ở tại nhà này để đi học, nếu nàng tìm ra được xe để đến trường. Nàng để lại cho ông già tên của khách sạn, người quản gia nói ông ta sẽ tiếp xúc với nàng khi ông ta có tin của chủ nhà, bằng cách này hay cách khác. Nàng hy vọng ông ta sẽ thương hại nàng, khuyên chủ cho nàng thuê nhà.
Trên đường về khách sạn ở Nice, nàng tự nhủ, nếu không có nhà nàng có thể ở tại khách sạn, mặc dù nơi đây không thuận tiện khi có con, nhưng nó sạch và gọn gàng. Có ngôi nhà thì tốt hơn, nhưng nếu không tìm ra, nàng có thể ở đây được.
Nhiều tuần lễ tiếp theo, nàng đi dạo hàng ngày ở Nice. Nàng đi trên bãi biển, ăn ngon miệng và ngủ nhiều. Nàng tìm một bác sĩ địa phương thông qua bệnh viện, đi khám, nói với ông câu chuyện do nàng bịa ra rằng nàng là góa phụ. Ông ta tỏ ra thương cảm, rất tốt và nàng muốn sinh ở nhà. Nàng không muốn gặp phải các bác sĩ nàng quen ở bệnh viện, có mối liên hệ với trường y. Nàng không nói cho ông bác sĩ biết lý do, nhưng ông bằng lòng cho nàng sinh tại nhà.
Vào tháng ba, một hôm nàng đi dạo trở về thì nhận được tin nhắn của Gaston, người giữ nhà ở Antibes. Ông ta yêu cầu nàng đến gặp và nàng vội vàng đến. Ông ta có tin hay cho nàng. Vợ chồng chủ nhà thương tình nàng, bằng lòng cho nàng thuê. Cuối cùng họ có thể bán ngôi nhà cho nàng, nhưng họ chưa quyết định. Theo ông ta nghĩ thì họ còn có quá nhiều kỷ niệm về các con họ ở đấy, nên họ rất buồn khi quay lại đây. Bây giờ, họ bằng lòng cho nàng thuê sáu tháng, rồi sau đó sẽ quyết định. Ông già đề nghị đưa nàng đi xem nhà, nàng rất sung sướng. Phòng chủ nhà rất vừa vặn, sáng sủa, hai phòng ngủ nhỏ nằm gần nhau. Ba phòng ngủ cùng dùng chung một phòng tắm, nhưng nàng không bận tâm đến việc này. Phòng tắm cũ, lát gạch, có bồn tắm lớn, điều này kiến nàng thích thú. Ở tầng dưới có phòng khách, phòng ăn và phòng tắm nắng lợp kính nhỏ, mở cửa ra hàng hiên. Phòng có diện tích rất tuyệt cho nàng và em bé, và có lẽ thêm một cô gái giúp nàng chăm sóc em bé sau này. Còn bây giờ, nàng chỉ muốn ở một mình.
Nàng viết thư bằng lòng với chủ nhà và nói ngân hàng của nàng sẽ lo chuyện chuyển tiền sang cho họ. Gaston rất vui, ông chúc mừng nàng, nói rằng ngôi nhà có người ở lại rất tuyệt, vợ ông rất sung sướng được đến làm vệ sinh cho nàng và giúp nàng giữ em bé khi nàng sinh nở. Nàng cám ơn ông ta và ra về. Chiều hôm đó, nàng đến ngân hàng ở Nice. Nàng giới thiệu mình với người quản lý, nhờ ông ta đánh điện tín về ngân hàng của nàng ở Mỹ, báo cho họ biết nàng đang ở đâu. Họ muốn biết gửi tiền cho nàng ở đâu, vì khi nàng rời khỏi Villers Cotterêts, nàng đã đóng tài khoản ở đấy. Họ không biết tại sao nàng ở Nice và không biết chuyện gì đã xảy ra cho nàng ở đấy và nàng không thể tự hỏi Hortie đã có bao nhiêu đứa con từ ngày nàng ra đi. Nàng vẫn nhớ người bạn cũ. Mặc dù Hortie đã đối xử thậm tệ với nàng, nhưng nàng vẫn không giận cô ta. Chuyện này không ngăn Annabelle nghĩ đến bạn, lo cho bạn, mặc dù họ không còn chơi với nhau nữa. Ngày nào đó, khi nàng trở về nhà, chắc sẽ có rất nhiều thay đổi.
Annabelle dọn đến ngôi nhà trên mũi Antibes vào ngày 4 tháng 4. Vị bác sĩ nói nàng sắp sinh, mặc dù ông không biết khi nào. Bụng Annabelle đã lớn, ngày nào nàng cũng thủng thỉnh đi bộ trên ngọn đồi, đến ngôi nhà thờ nàng thích và ngắm cảnh. Florine, vợ Gaston, đến làm vệ sinh nhà và thỉnh thoảng nấu ăn cho nàng. Annabelle thức đêm để đọc sách y học. Nàng vẫn còn những cảm xúc pha tạp về đứa bé. Nàng có thai trong hoàn cảnh bị bạo hành, đau khổ, mỗi lần nhớ đến chuyện ấy, thật khó mà không nghĩ đến chuyện nàng bị hãm hiếp. Nhưng số phận đã ghép họ lại với nhau. Nàng đã nghĩ đến chuyện tiếp xúc với gia đình huân tước để báo cho họ biết. Nhưng nàng không có quyền gì hết, nếu họ bướng bỉnh và ngoan cố như con trai họ, nàng sẽ không biết làm gì với họ. Nàng và đứa bé phải sống với nhau thôi, chứ không cần đến ai hết.
Đến tuần thứ ba của tháng tư, Annabelle đi bộ một đoạn dài, nàng dừng lại ở nhà thờ như mọi khi, nặng nề ngồi xuống ghế dài để ngắm cảnh. Nàng đã thắp cây nến cho mẹ và cầu nguyện cho Josiah. Từ hơn hai năm nay, nàng không nghe tin gì về chàng, không biết chàng và Henry ở đâu, không biết họ còn ở Mexico hay đã trở về New York. Chàng để cho nàng được tự do nên không liên lạc với nàng. Chàng muốn nàng có cuộc sống mới, nhưng chàng không ngờ nàng đã gặp số phận ngặt nghèo như thế này.
Chiều hôm đó nàng về nhà dưới ánh mặt trời chiếu qua lá cây lỗ chỗ xuống mặt đường. Vừa đi nàng vừa nghĩ đến Josiah, Hortie, mẹ, bố và Robert. Nàng cảm thấy như thể họ đang ở gần bên cạnh nàng, và khi về đến nhà, nàng liền vào phòng nằm. Florine đã về nhà, Annabelle liền thiu thiu ngủ. Nàng hết sức ngạc nhiên khi đến quá nửa đêm thì bị thức giấc. Lưng nàng bị co rút khiến nàng thức dậy, rồi bỗng nàng thấy đau ở bụng dưới, nàng biết ngay chuyện gì sắp xảy ra. Không có người đi mời bác sĩ, nàng lại không có điện thoại, nhưng nàng không sợ, vì nàng đang nằm ở đây. Nàng biết đây chỉ là cơn đau báo hiệu sự sinh nở sắp diễn ra và nàng có thể sinh một mình. Nhưng vì đêm còn dài, những cơn đau lại dữ dội, nàng không biết mình có chịu đựng nổi hay không. Nàng nghĩ hoàn cảnh có vẻ quá tàn ác với nàng, nàng gặp cảnh trớ trêu khi mang thai đứa bé, bây giờ lại phải chịu đau đớn khi sinh nó, đứa con không có cha và người cha nàng không muốn. Bao nhiêu năm lấy chồng, nàng ước ao có con với Josiah thì không có, bây giờ lại có con trong hoàn cảnh như thế này.
Những cơn co thắt làm nàng đau đớn đến quặn thắt, nàng phải nắm chặt vải trải giường. Nàng thấy mặt trời ló dạng lúc bình minh và khi ấy nàng ra rất nhiều máu. Sự đau đớn rất kinh khủng, nàng nghĩ mình như đang bị chết đuối và sắp chết đến nơi. Cơn đau khiến nàng nghĩ đến những chuyện khủng khiếp mà Hortie đã nói cho nàng nghe và chuyện cô ta đã chịu đựng trong những lần sinh khó khăn. Khi nàng bắt đầu hoảng sợ, thì Florine xuất hiện ở ngưỡng cửa phòng nàng. Bà ta đã nghe nàng rên từ dưới nhà, bà bèn chạy lên lầu. Annabelle đang nằm trên giường, mắt dại đi, không nói năng gì được vì đã đau đớn suốt đêm. Nàng chuyển dạ suốt tám giờ liền.
Florine bước vội vào phòng, nhẹ nâng chân trên người nàng lên, rồi trải những tấm vải trải giường cũ dưới người nàng. Những tấm vải này đã được để sẵn một bên, phòng khi nàng sinh. Bà an ủi Annabelle, khuyên lơn an ủi nàng, nói cho nàng biết chuyện này sẽ diễn ra tốt đẹp thôi. Bà nhìn kỹ và nói bà đã thấy cái đầu của đứa bé.
- Tôi không quan tâm, - Annabelle khổ sở nói. - Tôi muốn nó ra cho rồi. - Nói chưa hết câu nàng đã hét thật lớn, hài nhi có vẻ chuyển tới một lát rồi thụt lùi. Florine chạy xuống lầu tìm Gaston, bảo ông ta đi tìm nhanh bác sĩ. Nhưng những điều bà ta thấy, không có gì làm cho bà lo sợ, chuyện sinh đẻ sẽ suôn sẻ thôi. Bà đã chứng kiến người ta sinh nhiều rồi, nhiều khi phải mất một thời gian lâu mới sinh xong. Chưa có dấu hiệu gì cho thấy nàng sắp sinh, cái đầu của hài nhi bà chỉ thấy lớn bằng đồng xu nhỏ.
Annabelle nằm khóc, trong khi Florine lấy khăn có tẩm nước hoa oải hương để lau trán cho nàng, nhưng cuối cùng Annabelle không muốn để cho bà làm thế. Nàng không muốn ai đụng đến nàng, nàng khóc vì đau đớn. Rất lâu sau ông bác sĩ mới đến. Ông ta bận đỡ cho một trường hợp sinh đôi. Đến hai giờ chiều ông ta mới đến giúp Annabelle và vẫn không có gì tiến triển, mặc dù những cơn đau càng lúc càng khủng khiếp hơn.
Sau khi rửa tay, bác sĩ khám cho nàng và ông ta có vẻ rất hài lòng.
- Mọi chuyện sẽ diễn ra tốt đẹp thôi, - ông ta nói, khuyến khích nàng vì nàng vẫn la hét vì đau đớn. - Tôi tin chúng ta sẽ có hài nhi vào giờ ăn tối. - Nàng nhìn ông bác sĩ, vẻ hoảng sợ, nàng nghĩ chắc mình không thể chịu đựng đau đớn thêm được nữa. Cuối cùng, khi nàng khóc nức nở một cách khổ sở, ông ta yêu cầu Florine giúp nàng ngồi dựa người trên gối, rồi căng chặt hai bàn chân nàng. Annabelle quyết liệt chống đối mỗi hành vi của Florine và gọi mẹ. Ông bác sĩ nghiêm khắc nói nàng phải làm theo lời ông ta. Bây giờ đầu đứa bé đã thấy lớn hơn, bác sĩ biểu nàng cố rặn. Nàng rặn mãi và cuối cùng phải dựa lưng ra gối, nàng quá mệt không thể rặn thêm được nữa, nhưng ông ta bảo nàng phải gắng rặn mạnh hơn trước, không được nghỉ. Mặt nàng đỏ nhừ, rồi bỗng nhiên đầu đứa bé lòi ra, với cái mặt bé tí tẹo nhăn nhó. Annabelle hét lớn, nàng nhìn xuống bụng, thấy em bé hiện ra.
Nàng cố hết sức để rặn và cuối cùng, trong phòng vang lên tiếng khóc nho nhỏ, dài, rồi khuôn mặt tí hon với đôi mắt sáng nhìn họ. Annabelle vừa cười vừa khóc, còn Florine reo lên mừng rỡ. Em bé nằm tay chân chèo queo giữa đám dây chằng, ông bác sĩ cắt cuống rốn và Florine bọc em bé trong tấm vải, đưa cho mẹ nó. Nó là bé gái.
- Ôi... bé đẹp quá!... - Annabelle thốt lên, nước mắt giàn giụa chảy xuống hai má. Em bé đẹp thật, nét mặt thanh tú, tứ chi đều đặn, hai bàn tay và hai bàn chân nhỏ nhắn. Ông bác sĩ nói đúng, nàng sinh bé sau sáu giờ và ông ta nói sinh con đầu lòng như thế là nhanh. Trong khi bác sĩ hoàn tất công việc của mình, Annabelle không ngớt nhìn bé, nói chuyện với bé. Florine muốn rửa ráy cho Annabell sau, bây giờ bà đắp chăn cho nàng. Annabelle dịu dàng bế em bé vào ngực, bản năng làm mẹ khiến nàng trở nên dịu dàng. Vị thiên thần nhỏ nằm trong lòng nàng là người thân duy nhất của nàng, bé rất đáng công chịu đựng bao đau khổ của nàng, cho nên bây giờ nó rất có ý nghĩa với nàng.
- Cô sẽ đặt tên cho bé là gì? - Ông bác sĩ hỏi nàng, ông cười với hai mẹ con và ông rất buồn vì nàng là góa phụ, nhưng ít ra nàng có em bé.
- Consuelo, - Annabelle đáp nho nhỏ, - lấy tên của mẹ tôi đặt cho nó. - Nói xong, nàng cúi xuống hôn lên đầu con gái mình.