Tôi Làm Bảo Mẫu Cho Chồng Tương Lai - Chương 29: Nắng vẫn còn đây, cớ sao bão giông lại đến vậy?
Chương trướcĐương nhiên, những lời oán hờn vu vơ của cô ấy không đủ mạnh mẽ đả động đến niềm tin vui của Tầm Phương và dì Thông. Ngày đó, căn nhà vốn không quá náo nhiệt trở nên tưng bừng như trẩy hội, mỗi người một công việc, tất bật cả sáng tối nhưng không ai than mệt nửa lời, ngược lại còn cảm thấy sức lực trong cơ thể là vô tận. Đừng nói việc nhà, dù bảo họ vác chiếc ô tô chạy hai mươi vòng sân có khi vẫn được.
Bữa cơm hôm đó có phần đặc biệt hơn mọi ngày, vì để chúc mừng người đàn ông duy nhất trong nhà sắp hồi phục, dì Thông cẩn thận lên thực đơn nấu một bàn đồ ăn ngon toàn món Dĩ Lâm thích.
Thanh Vân nửa đùa nửa thật: "Nhờ phúc của anh Lâm mà tụi em mới được ăn ngon một bữa, phải chi ngày nào cũng có các món này thì sướng biết mấy."
"Vậy à? Thế thì nộp một nửa tiền lương cho dì Thông đi, để dì mua nguyên liệu về nấu." Dĩ Lâm thản nhiên nói, nhắm vào điểm yếu của Thanh Vân ra đòn phản kích.
Dĩ nhiên, Thanh Vân chẳng dám hó hé thêm câu nào, cô bạn cắn đầu đũa đau khổ nhìn Tầm Phương, ánh mắt như muốn nói: "Anh ta bắt nạt mình kìa, trả thù cho mình đi!"
Tầm Phương bất lực nhún nhún vai, cô chịu thua. Làm sao có thể trả thù anh ta chứ? Kẻ nắm trong tay tiền lương nhiều tháng tới.
Trong lúc hai cô gái trẻ mải mê trao đổi ánh mắt, chợt Dĩ Lâm lên tiếng thu hút sự chú ý của ba người phụ nữ.
"Ngày mai con sẽ lên bệnh viện kiểm tra, dì cứ ở nhà đợi tin đi, Phương sẽ đi cùng con."
Dì Thông và Thanh Vân không hẹn cùng nhìn Tầm Phương, được hai cặp mắt sắc nhọn như dao chĩa về phía mình là cảm giác đời này cô không thể tìm thấy ở bất kỳ đâu. Tầm Phương nghi hoặc hỏi:
"Tại sao tôi lại đi với anh? Đổi người khác đi, Thanh Vân nè." Cô đánh lên bả vai bạn mình: "Cậu đi với anh ấy đi!"
Thanh Vân ngớ người, cánh gà trong miệng rơi xuống chén cơm. Tầm Phương quả nhiên là chiến hữu tốt nhất thế giới, cứ hễ là việc khó đều đùn đẩy cho bạn mình không chút áy náy. Lần trước là bảy mươi triệu, lần này là ông trời con Dĩ Lâm, chẳng biết lần sau nữa Tầm Phương sẽ mang quả bom nào tới cho cô đây?
Thanh Vân buông chén, lập tức từ chối: "Không, không, không. Ngày mai mình không đi được đâu. Hơn nữa, anh Lâm kêu cậu đi chứ đâu kêu mình. Đúng không hả anh Lâm?"
Thanh Vân chành môi cười, chớp chớp đôi mắt ngây thơ giả tạo dù biết anh chẳng nhìn thấy gì.
Dĩ Lâm hắng giọng: "Đúng vậy. Ngày mai Phương đi với tôi!"
Chiếu lệnh vua ban, thường dân nào có lá gan khinh thường? Được rồi! Đi thì đi. Cô không vào địa ngục thì ai vào địa ngục đây.
Tầm Phương gật gù, nuốt thức ăn xém nghẹn mấy lần. Trái lại, tâm tình Dĩ Lâm rất tốt, ăn nhiều hơn cô tận ba chén.
Sau bữa cơm tối đầy sóng gió, dì Thông chịu trách nhiệm rửa chén, Tầm Phương gọt trái cây, bầu không khí trong căn bếp khá im lìm, chỉ có tiếng chén dĩa va vào vang lên đều đều. Nhìn quả táo đỏ trong tay được nhìn cắt gọt đẹp đẽ, lòng cô sinh ra cảm giác lạ lẫm chưa từng xuất hiện, nó giống sợ hãi một điều gì đó, càng giống hơn cảm giác thất vọng, đau đớn. Cô giương mắt nhìn đồng hồ treo tường, đã bảy giờ tối, thời gian hôm nay trôi thật chậm, đến mức làm cô cảm thấy bức bách, ngột ngạt.
Nhận ra thái độ kỳ lạ của cô, dì Thông ân cần quan tâm: "Mệt hả con?"
"Dạ không." Tầm Phương giật mình, cúi đầu tiếp tục công việc, thi thoảng lén nhìn ra phòng khách như sợ quái vật sẽ xuất hiện từ nơi đó.
Cắt xong quả táo cuối cùng, cô đứng dậy vứt vỏ vào thùng rác, rồi bê dĩa trái cây lên lầu hai cho Dĩ Lâm. Khi ngang qua phòng khách, bước chân Tầm Phương bị tiếng chuông điện thoại kéo ngược về.
Tầm Phương siết chặt viền dĩa, đứng bất động một chỗ khá lâu. Bên phải là tiếng gọi với của dì Thông nhờ nghe điện thoại, bên trái là tiếng chuông ồn ào, cao vót đánh vào tai. Rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan làm Tầm Phương vô cùng khó xử, cô nhắm chặt mắt, đè xuống nỗi lo sợ trong lòng, xoay mũi chân chạy về phía tiếng chuông réo rắt kia, nhấc máy.
"Alo, là ai gọi đến đấy ạ?" Tầm Phương căng thẳng, trán lấm tấm mồ hôi.
Tiếng cười hiền từ vọng ra từ loa, ông ngoại Lâm đáp: "Là ông chứ còn ai. Lâm đang ở trong phòng đúng không con?"
Biết người gọi là ông cụ, Tầm Phương thả lỏng tâm trạng, cho rằng mình rảnh rỗi sinh nông nỗi, suy nghĩ vớ vẩn. Cô cười trừ, đáp lời ông.
"Dạ, chắc bây giờ anh ấy đang nghe audio đấy ông. Hôm nay anh ấy vui lắm, ngày mai bọn con sẽ đến bệnh viện kiểm tra. Khi nào thì ông về thế?"
Ông cụ im lặng không trả lời ngay, chỉ có tiếng hít thở nặng nề vọng ra từ loa điện thoại.
Ngày bé, mỗi khi cha và mẹ cãi nhau, cô đều nghe thấy tiếng thở nặng nề của ông, kìm nén tất cả bất mãn, ấm ức cùng căm giận xuống nơi sâu nhất của đáy lòng, dùng khoan dung, nhượng bộ, đối mặt với sai lầm. Hôm nay, chính hơi thở kia lần nữa rơi vào tai, khơi dậy một phần ký ức tưởng chừng đã lãng quên. Bất giác, Tầm Phương siết chặt ống nghe điện thoại, từng giây chờ đợi cơ hồ là từng mảng đá to đè nặng lên hai vai nhỏ bé.
Cô không nhớ từ đầu tiên ông ngoại Lâm nói là gì? Hình như ông nói xin lỗi! Xin sự cứu rỗi từ một người nào đó trong nhà, cũng xin một phép nhiệm màu đến với họ.
Chiếc dĩa trong tay Tầm Phương nghiêng về một phía, nửa phần trái cây rơi xuống nền nhà.
Tầm Phương lắp bắp hỏi lại: "Sao... sao lại thế được. Rõ ràng là... là sáng nay ông nói... con." Giọng Tầm Phương đứt quãng, đau xót nói không tròn câu.
Ông ngoại Lâm xót xa chẳng kém Tầm Phương là bao, ngoài thở dài tiếc nuối ra, ông còn dành đứa con gái hư hỏng của mình - mẹ Dĩ Lâm một cơn cuồng nộ như vũ bão.
Ông nói vào điện thoại: "Con khuyên nó giúp ông nhé!"
Sau đấy, tiếng tút tút sắc lạnh vang lên giữa căn phòng tĩnh lặng.