Kim triều đại bộ phận được điều hành bởi Kiến Châu Nữ Chân, vốn từ xưa nay đều không có quan hệ tốt đẹp gì với người Dã Nhân. Vào thời vua Hi Tông, vua sai mang tăng lữ và đạo sĩ vượt sông lên miền Đông Bắc truyền đạo, A Cáp Xuất cũng cự tuyệt. Xung đột giữa Kim triều và Hung Nô, suốt mười năm qua A Cáp Xuất chưa một lần gửi viện binh. Xuất tin rằng Hồ Lý Cải xứ Đông Bắc lạnh lẽo xa xôi, tài nguyên khan hiếm, quân Hung Nô tất chẳng thèm nhòm ngó, nên không việc gì phải giúp đỡ triều đình cũng là lẽ đó. Kể cả khi quân Hung Nô đánh đến Thiết Lĩnh, bắt đầu xâm lấn vào đất phiên thuộc của người Dã Nhân, A Cáp Xuất vẫn chẳng mảy may động binh.
Thứ nam của A Cáp Xuất là A Cáp Công theo lời cha lên rừng viễn Bắc, tìm kiếm cây bạch dương Cảo Liên quý hiếm để lấy gỗ đóng thuyền săn cá voi. A Cáp Công có thể trạng vô địch, lãnh đông hàn băng đều không cảm thấy, ấy là do tuổi nhỏ chết hụt mà thành. Vốn dĩ A Cáp Xuất sinh thành năm người con, thì hai người chết yểu từ tấm bé, chỉ có trưởng nam là A Cáp Toại và thứ nữ A Cáp Hoan. Tới A Cáp Công tuy sống sót nhưng từ nhỏ mặt mũi đã tái mét, gầy nhom, hay ốm yếu tay chân không làm được việc gì. A Cáp Xuất thỉnh không biết bao nhiêu thầy cúng, thậm chí cho người Nam chinh mời đạo sĩ từ kinh thành lên một chuyến cũng không sao cải thiện.
Một ngày nọ, một thuật sĩ chu du từ Khố Man* phương tây xa xôi, ghé qua thị trấn Mệnh Cô, thủ đô của Hồ Lý Cải, nghe sự về các nam tử A Cáp gia mới ngỏ ý muốn gặp. Vừa gặp A Cáp Xuất, thuật sĩ mới nói, “Ta vân du tứ phương ghé qua nơi đây, thấy trong trấn này có tụ khí bất thường, lại hay trong quý trang có chuyện chẳng lành, nên muốn xem liệu tài mọn của ta có thể giúp đỡ chăng?”
*Cumans-Kipchak là một liên minh của người Turk ở vùng thảo nguyên Á-Âu, tồn tại cho tới khi bị chôn vùi dưới vó ngựa Hung Nô vào thế kỷ 13.
Thuật sĩ này bên ngoài mặc mã giáp đỏ mận, trong mặc áo nhung dệt hoa văn kim tuyến, đầu đội bác khắc mạo trông như một thỏi vàng treo trên đầu, các trang phục này A Cáp Xuất chưa từng thấy. Thuật sĩ bỏ mũ ra, xem xét xung quanh tư gia, rồi chỉ ra đằng sau bức tường mà hỏi, “Nhà tù trưởng có phải đang đặt tổ vật gia tộc ở đó?”
A Cáp Xuất lấy làm kinh ngạc. Tổ vật gia tộc là nguồn sinh khí của A Cáp gia, vốn tổ vật được giấu kĩ càng để không kẻ nào nhòm ngó, nhưng thuật sĩ vừa mới tới đây đã chỉ ra ngay được. Xuất đáp phải, thuật sĩ mới bảo, “Có điều dị thường, ta cần xem xét.”
Xuất mới đồng ý, bảo tộc nhân khênh tổ vật ra. Tổ vật A Cáp gia mang hình hài con cú mang đầu ưng được đặt trên một thần trụ, tất cả đều làm từ gỗ bạch dương. Thuật sĩ đi qua lại mấy vòng, mới rút từ trong áo nhung ra một cây phất trần, gõ mạnh đôi lần vào thần trụ. Một dòng công khí hồng hoàng sắc bắn ra từ cây phất trần, kết nối với thần trụ suốt nửa canh giờ mới thôi. Xong xuôi, thuật sĩ mới bảo, “Thần trụ của tù trưởng bị ách tắc nguyên khí. Ta vừa đả thông, giờ sinh khí gia tộc dồi dào tối đa. Từ nay về sau vạn sự tới đâu thì đều dựa vào hồng phúc nhà tù trưởng, hãy để ý cúng bái tổ vật hàng năm, năm nào cũng không thể quên lấy thịt cá voi làm lễ vật.”
A Cáp Xuất đang bán tín bán nghi thì bất chợt phu nhân chạy ra, dắt theo đứa bé A Cáp Công. Xuất nhìn lại thì thấy Công da dẻ hồng hào, không còn bệnh tật gì nữa, thì mới mừng ra mặt, muốn cảm ơn thuật sĩ thì kẻ nọ đã đi mất rồi.
A Cáp Công lớn lên, thể chất phi phàm, hai tay không bê được nửa tấn gỗ, lại luyện tập theo võ công dưỡng sinh A Cáp gia, nên không bao giờ mắc bệnh, nhiễm hàn, hàng ngày đều cởi trần làm việc dưới cái lạnh âm độ. Thế nên A Cáp Xuất tin tưởng giao cho chàng mọi công việc ở miền viễn Bắc.
Chuyến này Công đi cùng với tộc nhân cả thảy mười bảy người, tưởng như không có chuyện gì khác thường. Nhưng khi đang đốn củi, bất chợt bọn Công nghe tiếng vó ngựa từ bên kia bờ rừng. Cả bọn cùng nhìn nhau kinh hãi. Trước giờ người Hồ Lý Cải chưa bao giờ đi quá cánh rừng miền viễn Bắc. Nơi đó lạnh lẽo khôn cùng, hàng tháng trời mặt trời không mọc, đêm về nhiệt độ kéo xuống cực hàn, người thường khó sống nổi, lại tồn tại những quái thú như Đại Cước Viên hay Tuyết Tuyết Thiếu Nữ. Giờ lại có kẻ từ phương đó đi xuống, không biết là đại bi hay đại hỷ.
Tộc nhân mười bảy người rút rìu ra cự chiến, nhưng chỉ vừa nhìn thấy bóng người ngựa từ xa thôi thì bọn họ giương cung lên bắn, ai nấy đều dính tên. Mũi tên của họ đều ẩn trong đó hàn khí, kẻ nào trúng phải đều da thịt ê buốt, bắp cơ tê cứng, phản ứng trở nên chậm chạp. Đặc biệt, mũi tên của kẻ đứng giữa được truyền hàn khí công lực ít nhất đã đạt tới tầng thứ ba, kẻ trúng phải buốt tới tận gân cốt, trong nháy mắt đứng im như tượng.
A Cáp Công giật mình. Trong số này có cao thủ!
Bản thân Công cũng trúng tên nơi bắp tay, nhưng hàn khí với chàng là vô dụng, nên chàng nhanh chóng bứt tên ra khỏi người. Chàng soi kỹ mũi tên, mới nhận ra rằng đầu của chúng đều được gọt cùn đi, như thể cố tình không gây sát thương cho mục tiêu.
Công rút một chiếc rìu vàng hai thước, nặng nửa tấn ra, sẵn sàng thủ thế cự chiến. Kẻ cầm đầu dong ngựa lại gần khoan thai, cho tới khi tới khoảng cách Công có thể nhìn rõ, mới khoát tay ra lệnh cho toàn quân dừng ngựa. Ở sau lưng hắn, kẻ nào kẻ nấy đều mặc áo choàng màu xanh than, dàn thành trận phải tới ít nhất trăm người.
Kẻ đi đầu mặc chiếc nhung bào thêu những họa tiết đường tròn ba màu lam, lục, hoàng như đuôi một con công. Hắn nói bằng tiếng Dã Nhân, dù giọng rất khó nghe và nhiều từ không chính xác nhưng A Cáp Công vẫn có thể hiểu, “Ta không có ý gây hấn với ngươi. Hãy chỉ cho ta đường đến gặp Mộc Hoa Lê.”
Các kỵ binh ở phía sau đều giơ nắm đấm lên trời mà hô, “Trả thù Mỗ Đế Lạp**! Trả thù Cơ Phụ**!”
**Mỗ Đế Lạp là tên phiên âm Hán Việt của Mstislav, ở đây là Đại Hoàng tử Mstislav III của Kiev. Cơ Phụ là tên phiên âm Hán Việt của Kiev.
Kẻ đi đầu tiếp lời, giọng phẫn uất, “Thành Cát Tư Hãn đã giết chết phụ thân ta. Hãy tránh sang một bên. Ta tới đây để báo thù.”
~ Nếu bạn thích truyện thì hãy tặng mình một cái vote để ủng hộ truyện nhé!~