Cảnh Ninh lườm cậu: “Lằng nhà lằng nhằng, y như phụ nữ.”
Vẻ giận dữ thoáng xẹt qua mắt Mạnh Tử Chiêu, chỉ chực lên cơn tới nơi, nhưng cuối cùng cậu vẫn cắn môi, bực bội thốt: “Phan Cảnh Ninh, cậu mà khách sáo với tôi một chút xíu thôi là tôi đã chẳng ghét cậu thế này.”
Cảnh Ninh không biết mình nên đáp lại lời Mạnh Tử Chiêu ra sao, trong chớp mắt, cô lại hồi tưởng về chuyện khi trước.
Trường của bọn họ là ngôi trường trung học chung cho nam nữ duy nhất tại Hán Khẩu. Nam nhiều nữ ít, quá nửa số học sinh là con nhà giàu sang phú quý, chỉ hiếm hoi vài người có gia cảnh thường thường. Mạnh Tử Chiêu chẳng mấy khiêm tốn dè dặt, trưa nào cũng có người giúp việc đưa đồ ăn từ nhà tới, còn Cảnh Ninh thì ăn cơm trường cùng các bạn. Có một buổi trưa, người làm nhà họ Mạnh lại đưa đồ ăn đến như thường lệ, mấy cậu ấm ăn đồ nhà làm ngồi tụ tập quanh chiếc bàn riêng, nào móng giò nướng, nào bún thịt, nào vịt quay, nào cá Vũ Xương bày ê hề ngập bàn, toàn là sơn hào hải vị, đám trẻ con nhà bần hàn không khỏi liếc mắt ngó bàn ăn của các cậu ấm, ánh mắt chúng ngập tràn đủ những cảm xúc trên đời. Có một cô bé đưa mắt nhìn họ, Tử Chiêu bắt gặp bèn vẫy tay với cô bé, có lẽ cậu cũng có ý tốt, nhưng Cảnh Ninh nghe giọng điệu cậu ta chỉ thấy sao mà bức bối khó chịu. Mạnh Tử Chiêu cười khì khì, bảo:
“Cậu đừng nhìn nữa, lại đây ăn đi, ngồi đây này.”
Cô bé ngượng tới nỗi chuẩn bị bật khóc, Cảnh Ninh giận dữ nói: “Cậu đừng có mà ra đó, cha tớ bảo ăn càng nhiều đồ ngon sẽ càng ngốc đi, bụng to còn não thì teo.” Rồi cô lại bồi thêm một câu, “Thường thì cái đám thùng nước gạo học tệ lắm.”
Tử Chiêu nổi giận bừng bừng, nhoáng cái đã đỏ rực cả mặt cả tai, vì đúng là thành tích học tập của cậu không được xuất sắc. Kể từ đó trở đi, lúc nào cậu cũng đối nghịch với cô.
Lúc này, ngoài vẻ uất ức ra, trong mắt Mạnh Tử Chiêu còn thoáng cả nỗi tủi thân, Cảnh Ninh nhìn cậu, cô khẽ thốt: “Thực ra tôi cũng không có ác ý với cậu.”
Có lẽ Tử Chiêu không nghe được lời cô nói, vì lúc này cậu đã quay người bước vội đi rồi, Cảnh Ninh bèn cất bước đuổi theo, cậu quay đầu nhìn cô: “Làm cái gì đấy?”
“Tôi sợ không theo kịp.”
“Cậu giỏi thế cơ mà, đi theo tôi làm gì?”
“Tôi là khách nhà cậu mà, nhỡ tôi lạc cậu biết ăn nói sao.” Cô cười khanh khách.
“Đi kiểu gì thì về kiểu đấy đi, có phải cậu không biết đường đâu.” Dù nói vậy nhưng vẻ mặt cậu đã dịu đi nhiều.
Có tiếng đàn nhị du dương vọng lại.
Đó là một đôi ông cháu hát rong ngoài đường. Ông cụ áo quần lam lũ tả tơi gồng sức kéo đàn, cô cháu gái hát hí khúc tô son phấn rẻ tiền, bôi trát đỏ ửng cả mặt, tóc túm thành búi, buộc chặt đến độ lộ cả đường viền chân tóc màu trắng, Cảnh Ninh nhìn mà đau thay cô gái. Cô gái cứ khi khóc khi cười, thỉnh thoảng lại diễn vài biểu cảm thiếu tự nhiên, bàn tay trắng nõn bày dáng vẻ lả lướt quyến rũ, khẩu âm cô gái này rất nặng, Cảnh Ninh nghe hồi lâu mới hiểu ca từ:
“… Gió Đông hóa gió Tây Bắc, gia tài như nước, khèn ngọc sáo vàng, mới khó cho nàng làm sao, hồn đoạn rồi, hồn đoạn Qua Châu…”
Cô gái cứ hát, cứ hát mãi, như thể cô đã dùng tất thảy sức mạnh trong cái cơ thể gầy gò ốm yếu của mình, nhưng lại không mấy người chịu nghe tiếng cô hát, cô chẳng có bao nhiêu khách, chỉ mình Cảnh Ninh là rung động trước giọng hát thê lương của cô gái, cơn lạnh lẽo tịch mịch bủa vây trong Cảnh Ninh. Thấy Cảnh Ninh, cô gái nọ đưa mắt nhìn cô chăm chú, lại càng ra sức cất tiếng ca, Cảnh Ninh lẳng lặng nghe cô gái hát xong khúc “Đỗ Thập Nương giận ném hòm châu báu” (*), vừa định vỗ tay đã nghe có tiếng vỗ giòn tan vang lên trước, hóa ra là Mạnh Tử Chiêu, cậu vừa vỗ tay vừa kêu to: “Hay, hát hay quá! Hát thêm khúc nữa đi!”
(*) Đỗ Thập Nương giận ném hòm châu báu là thoại bản thứ 32 trong tập Cảnh thế thông ngôn của tác giả Phùng Mộng Long, kể về nàng Đỗ Thập Nương vốn là con nhà quyền quý nhưng bị bán vào lầu xanh sau khi cha thất thế, về sau có Đỗ Thập Nương yêu chàng sĩ tử Lý Giáp, qua nhiều biến cố và vấp phải sự phản đối của gia đình Lý Giáp thì cuối cùng Đỗ Thập Nương cũng đã chuộc thân thành công, những tưởng chuyện tình hai người sẽ được viên mãn thì một tên công tử nhà giàu lại bắt gặp Đỗ Thập Nương và say đắm trước dung nhan xinh đẹp của nàng. Tên công tử đưa tiền cho Lý Giáp, đổi lại tỏ ý muốn chiếm đoạt Đỗ Thập Nương. Biết chuyện, Đỗ Thập Nương đau khổ, trang điểm lộng lẫy rồi mở hòm châu báu, giãi bày với Lý Giáp xong, nàng ném hòm châu báu và nhảy xuống sông tự vẫn.
Cảnh Ninh mỉm cười nhìn Tử Chiêu, rồi cũng vỗ tay vang dội khen hay, mọi người dần vây quanh cặp ông cháu hát rong. Trong tiếng ồn ào huyên náo, lòng hai người lại bình tĩnh như mặt hồ, thoáng gờn gợn chút cảm xúc không tên, như một đóa hoa đẹp đẽ tĩnh lặng, đến nỗi buồn thương do giọng ca phiêu bạt nơi chân trời vừa gợi lên cũng dần tan biến.
Đột nhiên cậu ghé tai cô, khẽ nói: “Cậu cứ xem đi, tôi đi mua chút đồ ăn, chúng ta vừa ăn vừa xem nhé?”
Hiếm khi cậu lại nói năng với cô bằng giọng điệu săn sóc hiểu chuyện nhường này, để giấu đi sự ngại ngùng, cô chỉ “ừ” một tiếng mà chẳng buồn liếc cậu. Hồi lâu sau, cậu lại quay ngược về, nói: “Này, tôi không biết cậu muốn ăn gì, hay cậu đi với tôi đi?”
Nơi đáy mắt cậu thoáng có tia khó xử, cuối cùng cô vẫn đi cùng cậu, sạp đồ ăn vặt cách đây khá xa, cô chầm chậm bước đi sau lưng cậu, nhìn bóng lưng thẳng tắp và ánh nắng lấp lánh đậu trên mái tóc đen sẫm của cậu, bất giác khóe môi cô lại cong lên.
Họ mua một túi kẹo vừng và một túi hạt dẻ, lần này Tử Chiêu giành trả tiền, hai tay cậu cầm hai túi đồ ăn vặt, trông bộ dạng vô cùng đắc ý, cô cũng mặc cậu, ung dung nhón đồ ăn trong túi bỏ vào miệng, ăn xong kẹo vừng thì ăn hạt dẻ, cậu cười cô: “Mèo tham ăn! Thùng nước gạo!” Cái vẻ ăn miếng trả miếng thoáng trong giọng điệu cậu lại chẳng khiến cô giận. Nhưng lúc họ trở về nơi hai ông cháu nọ mãi nghệ thì người cũng đã tản hết, không biết ông cụ kéo đàn nhị cùng cô cháu gái hát hí khúc đã đi đâu. Vũ đài phiêu bạt, vũ đài của đời người hẵng còn chưa căng màn, vậy mà đột nhiên cả người diễn lẫn kẻ xem lại cùng biến mất.
“Mọi người đâu rồi?” Tử Chiêu ngạc nhiên thốt, rồi lại quay sang hỏi một chủ sạp sửa giày nhỏ, “Cô bé hát hí khúc ban nãy đâu rồi ạ?”
“Đi mất rồi, ban nãy ông cụ ho ra máu, cô bé dìu ông đi khám bệnh rồi.”
Cõi lòng Cảnh Ninh chợt trống rỗng, nỗi hối hận và đau khổ ập tới, cuộn trào trong cô, khiến cô nghẹt thở khôn tả, lệ dâng đầy khóe mắt.
“Sao cậu lại khóc?” Tử Chiêu hốt hoảng hỏi.
“Tôi vẫn chưa cho họ tiền,” Cảnh Ninh nghẹn ngào, những giọt nước mắt trong veo nhỏ xuống, “đáng ra lúc đi mua đồ ăn tôi nên đưa tiền cho họ trước, tôi đúng là đồ xấu xa!”
“Cậu đừng buồn, là tự họ đi đấy chứ, cậu đừng trách bản thân.” Cậu kẹp hai túi quà vặt nơi cánh tay, rồi vươn tay còn lại ra tìm khăn tay đưa cô, “Ai bảo họ đi chứ?”
Cảnh Ninh không nhận chiếc khăn, cô giận dữ nói: “Cậu là đồ ngốc à? Ban nãy cậu không nghe thấy sao? Ông cụ ho ra máu đấy, ông ấy bị ốm! Cậu nói ai bảo họ đi là sao chứ? Nếu không phải cậu rủ tôi đi mua đồ ăn, tôi đã có thể cho họ tiền rồi, cậu là cái đồ thùng nước gạo không biết đồng cảm!”
Mặt Mạnh Tử Chiêu tái mét, cậu cười lạnh: “Đúng, đúng, tôi là cái thùng nước gạo, còn cô nàng thối nhà cậu là người thông minh nhất tốt bụng nhất trên đời này!” Nói rồi cậu vươn tay, quăng luôn hai túi đồ ăn xuống đất, rút cả mấy món đồ chơi nhỏ cô tặng trong túi áo ra ném đi, nào hồ lô, nào tượng gỗ hình đậu phộng, cứ thế ném phịch xuống đôi giày gấm màu xanh của Cảnh Ninh.
Cảnh Ninh cúi đầu nhìn trong chốc lát, rồi cô lại chợt ngẩng phắt đầu lên, vươn tay đẩy vai Mạnh Tử Chiêu, căm tức thét: “Đồ quỷ đáng ghét! Tôi ghét cậu!”
Mạnh Tử Chiêu chẳng kịp đề phòng, bị cô đẩy lùi liền mấy bước, cậu tức giận: “Cậu còn dám đánh tôi à, cậu dám đánh tôi hả?” Sau khi đứng vững rồi, cậu chỉ chăm chăm nghĩ cách dạy cho cô nàng một bài học, nhưng con trai không được đánh con gái, cậu tiến lên mấy bước, một tay siết chặt thành nắm đấm, nhưng cũng chỉ siết thế thôi chứ chẳng dám làm gì, nỗi giận dữ ứ đầy trong bụng không biết phải trút bỏ thế nào, cậu chợt ngẩng đầu lên trời, thét lên đầy bực tức.
Tử Chiêu mới chỉ mười ba, mười bốn tuổi mà thôi, giọng nói vẫn còn trẻ con, tiếng thét của cậu vang lên lanh lảnh, Cảnh Ninh quệt nước mắt, bụng thầm thấy buồn cười, cứ ngơ ngác nhìn cậu với vẻ mặt vô cùng rối rắm. Thét xong, cậu vẫn chưa hết giận, thấy mắt cô vẫn còn ngấn nước, nhìn cậu như cười như không, cuối cùng cậu không chịu nổi, bèn kéo cô lại, cúi đầu cắn lên gò má trắng mềm của cô, dù cắn chẳng mạnh nhưng vẫn lưu lại một dấu răng nông. Thấy vẻ sửng sốt mắt trợn trừng, miệng há hốc của cô, nỗi giận dữ của cậu cũng vơi đi phân nửa, cậu ngẩng đầu nói: “Có còn dám bảo tôi giống phụ nữ không? Đồ nhóc thối.”
“Bốp!”
Mặt cô có vết răng, mặt cậu có dấu tay. Cô ném luôn chiếc túi đang cầm xuống rồi giáng cho cậu một cú bạt tai, cậu vội vã tránh né, nhưng cô nàng này đánh rất mạnh, khiến cậu không đứng vững nổi, cứ thế ngã nhào xuống đất, xô đổ mất cả chiếc hộp gỗ của sạp sửa giày, mấy món đồ nghề rơi vãi đầy đất.
Cảnh Ninh níu lấy cổ áo cậu, cô khóc ầm lên: “Đồ khốn kiếp, cậu dám bắt nạt tôi! Không ai dám bắt nạt tôi cả, đồ ngốc!” Cảnh Ninh khóc toáng lên, siết tay nện thùm thụp lên người cậu, Mạnh Tử Chiêu ôm mặt trốn chui trốn lủi.
Người qua đường thấy hai đứa bé ăn vận đẹp đẽ xông vào đánh nhau mà cùng bật cười khuyên nhủ, nhưng lại không lôi đám trẻ đang thượng cẳng chân hạ cẳng tay ra, chỉ coi như đang xem một màn kịch hài hước. Tử Chiêu xấu hổ, bèn kéo giật Cảnh Ninh ra rồi bò dậy chạy mất, Cảnh Ninh đuổi theo túm lấy áo quần cậu không chịu buông, cô bé vừa kéo vừa dùng chân đá, dấu giày in đầy trên quần cậu.
“Phan Cảnh Ninh, cậu buông tay ngay ra cho tôi! Cậu mà không buông tay thì tôi sẽ đánh cậu đấy! Đừng có tưởng tôi không dám…”
“Đồ ngốc!”
“Tôi đánh thật đấy!”
“Thùng nước gạo!”
“Con bé thối!”
Cậu gồng sức gỡ bàn tay bé xíu của cô ra, làm bộ định dọa cô, nhưng lại thấy có một người đang gạt đám đông sang, tiến về phía họ, anh xách cánh tay cậu lên, gương mặt tuấn tú nho nhã lạnh buốt như băng: “Cậu Mạnh, đánh con gái không phải điều mà một cậu chủ thế gia nên làm đâu, cụ ông chưa từng dạy cậu vậy sao?”
Mạnh Tử Chiêu ngẩng đầu, cậu biết người này, đó là anh trai của Phan Cảnh Ninh, cậu cả nhà họ Phan – Phan Cảnh Sâm. Chợt nhuệ khí của cậu lại cạn kiệt.
“Em không đánh cậu ấy, em chỉ…” Cậu chợt không biết giải thích ra sao, ấp úng thốt, “Em chỉ… cậu ấy đánh em trước, em không hề đánh cậu ấy!” Cậu hơi lo Cảnh Ninh sẽ giở trò xấu tố cáo mình, bèn vội vã đưa mắt nhìn cô.
“Ninh Ninh, chuyện này là sao vậy? Có phải thằng bé bắt nạt em không?” Cảnh Sâm buông Tử Chiêu ra, đưa mắt nhìn em gái mình.
Cảnh Ninh không trả lời anh, vẻ mặt cô trở nên vô cùng kỳ quặc.
Hai tay cô chắp sau lưng, môi khẽ run lên, cô chớp đôi mắt to đầy sợ sệt: “Anh ơi…”
“Ừ?”
“Em…” Cô lẩm bẩm mấy từ, anh không nghe rõ.
“Sao cơ?” Cảnh Sâm cúi xuống, ghé sát tai lại.
Cảnh Ninh nức nở, cô bé khẽ thốt: “Váy em rách rồi.” Nước mắt cô trào ra.
Cảnh Sâm giật mình, quay ra nhìn sau lưng cô, chẳng biết phần váy sau mông cô bé đã bị thứ gì kéo toạc đến tận đầu gối, hai tay cô che sau mình, dù cũng giấu được chút ít nhưng vẫn có thể loáng thoáng thấy chiếc quần cụt hồng và làn da trắng mịn như tuyết.
Thời tiết độ cuối xuân nóng bức như đầu hè, mọi người đều chỉ mặc áo đơn mỏng, Cảnh Sâm không có áo khoác để cởi ra choàng cho Cảnh Ninh, anh dời bước ra sau lưng cô bé theo bản năng, che mất tầm mắt mọi người. Mạnh Tử Chiêu thò đầu ra nhìn, khiến Cảnh Sâm không khỏi tức giận: “Cậu Mạnh, cậu lại muốn làm gì nữa? Cậu còn ngại chưa đủ chuyện rắc rối hay sao?”
Mạnh Tử Chiêu không nói gì, chợt cậu nghiến chặt răng, tháo từng chiếc cúc sơ mi, thấy cậu như vậy, Cảnh Ninh hiểu ngay, cô định che mắt lại, nhưng nếu che mắt thì mông sẽ bị lộ, vậy là Cảnh Ninh đành phải nhắm chặt mắt.
Mạnh Tử Chiêu cởi áo sơ mi ra, ném lên người Cảnh Ninh, cậu kêu to: “Cô nhóc thối, cho cậu che mông này!” Nửa thân trên gầy gò trần trùng trục, cậu bé ôm lấy hai tay, đỏ mặt chạy vụt đi trong giọng cười của đám người và tiếng khóc giận dữ xấu hổ của Cảnh Ninh.
Chiếc áo sơ mi trắng muốt khoác trên vai Cảnh Ninh, hơi thở ấm áp trong lành quẩn quanh, chẳng biết cậu ấm kiêu ngạo bướng bỉnh nọ đã trở về nhà với tâm trạng ra sao, chật vật tới nhường nào. Đương nhiên Cảnh Ninh biết cậu sẽ phải đối mặt với sự quở trách nghiêm khắc của bà Mạnh, nhưng cô không hề lo lắng. Cô đang nghĩ, có khi cái gương mặt đáng ghét của cậu cũng đang lặng lẽ nở một nụ cười nhỏ xíu như cô lúc này đây?
Cảnh tượng ngày hôm ấy khắc sâu vào tâm trí cô. Cô sẽ mãi nhớ mình từng nhìn bóng lưng Mạnh Tử Chiêu tháo chạy qua hàng nước mắt ầng ậc cùng dòng người hư ảo mơ hồ, sức sống hừng hực ấy, sự náo nhiệt ồn ã ấy hệt như điệu Menuet cô từng đàn, gấp gáp, sáng trong. Dù cô đang khóc, nhưng chỉ mình cô biết rằng những giọt lệ ấy chẳng vương chút buồn bã. Đó là những ngày tháng đẹp đẽ nhất, tất thảy những tiếng cười, những trận cãi vã, tất thảy những giọt lệ, những lời than vãn đều là niềm vui, là huyên náo, là ánh sáng. Chúng chẳng mảy may dính dáng đến cái thứ gọi là đau thương, đau thương chỉ có thể lặng lẽ nằm ở đầu bên kia cuộc đời, trộm nhìn bọn họ từ xa.
Cảnh Ninh chật vật vắt chiếc áo ngang hông, buộc tay áo lại với nhau, ngẩng đầu lên thấy vẻ mặt chẳng lấy gì làm vui vẻ của anh mình, cô bé gạt lệ, ngoan ngoãn cúi đầu xuống.
Đến khi lên xe rồi, tài xế cho xe chạy ra đường lớn, Cảnh Sâm mới đưa mắt nhìn cô: “Ở nhà em có bướng bỉnh thế nào cũng được, nhưng hôm nay em đến nhà người ta làm khách, em là con gái mà lại nghịch ngợm đến rách cả váy, người ta sẽ nhìn em thế nào đây? Người ta sẽ nghĩ sao về gia giáo nhà họ Phan chúng ta?”
Cô nhìn anh bằng đôi mắt to sưng đỏ vì khóc, cố gắng chuyển đề tài: “Anh ơi, sao anh lại tới đón em? Sao anh biết em ở chợ?”
Cô chẳng hề hay biết gò má phải mình còn có một dấu răng mờ mờ, vết răng in sâu cả vào mắt Cảnh Sâm. Cảnh Sâm thoáng nheo mắt, có tia sáng mờ nhạt vụt qua đôi đồng tử: “Sao hai đứa lại đánh nhau thế?”
Cảnh Ninh bèn kể đầu đuôi câu chuyện cho Cảnh Sâm, dù anh đang nghe, nhưng dường như lại thoáng vẻ lơ đãng, đến lúc cô nhắc tới chuyện hai ông cháu hát rong đáng thương, ánh mắt anh mới dần dịu lại: “Em là một cô bé tốt bụng, một cô bé rất tốt, rất rất tốt.”
Lòng Cảnh Ninh rung động, dường như cô từng nghe thấy câu nói này rồi, thoáng có vẻ lạnh lẽo cô độc lẩn khuất trong câu chữ, và trong cả ánh mắt anh, khiến cô ngơ ngẩn hoang mang. Trông cô ngơ ngác, Cảnh Sâm kìm lòng không đậu, vươn tay định chạm vào má cô bé, nhưng rồi anh lại bị thứ gì đó bó chặt lại, khiến cơ thể anh đông cứng. Cảnh Sâm rút tay về, cầm một cái bọc nhỏ bên cạnh lên, đặt xuống chân cô:
“Ban nãy em vứt nó đi, lúc hai đứa đánh nhau anh đã nhặt lại giúp em.”
Đó là mấy món đồ chơi nhỏ cô mua ngoài sạp hàng rong, anh nhặt từng món một lên, phủi sạch bụi bặm bám trên chiếc khăn tay, rồi lại cất vào bọc mới cho cô, khi ấy cô chẳng hề để ý.
Chiếc xe hơi băng qua những con phố hai người từng rảo bước, phố xá vẫn là phố xá năm xưa, chỉ là dáng vẻ nó đã vô tình bị bóp méo đổi thay trong ký ức con người. Có lẽ một ngày nào đó cô sẽ quên đi tất cả, còn anh thì không thể không quên.
Anh từng là người đầu tiên đưa cô tới khu chợ ngoài xưởng sản xuất thuốc lá Nam Dương, có lẽ cô đã chẳng còn nhớ từ lâu rồi. Nhưng anh hiểu cô, khi nghe bà Mạnh bảo không biết Mạnh Tử Chiêu và cô chạy đi đâu chơi rồi, anh nghĩ tới nơi này đầu tiên.
Lần đầu anh đưa cô tới đây, cô vẫn còn nhỏ, mới chừng ba bốn tuổi, lúc anh bế cô, lúc thì cõng, khi lại để cô nghiêng ngả đi theo sau lưng mình như một chú vịt con vui vẻ. Anh là một đứa trẻ lầm lì, trước nay anh luôn giấu kỹ nỗi lòng, không để ai hay, chỉ có thể thỉnh thoảng để lộ tính cách thật của bản thân với mình cô em gái đáng yêu này.
Bọn họ tình cờ bắt gặp một nhà sư đang vân du. Bảo ông là nhà sư, nhưng lại cũng chẳng giống một nhà sư, áo đen dép cói, mái tóc đã ngả hoa râm, ông ngồi trên chiếc ghế dài trong quán trà, cạnh đó là nửa chén trà đã lạnh.
Cứ thấy người nào ăn mặt lam lũ, mà đặc biệt là người già, Cảnh Ninh lại sinh lòng thương xót, cô bé ghé sát lại, thì thầm bên tai Cảnh Sâm: “Anh cả ơi, mình mua gì cho ông La Hán ăn đi.”
Cảnh Ninh từng tới chùa Quy Nguyên, trong đầu cô bé, ông già để tóc, mặc áo nhà sư rất giống một vị La Hán mà cô bé từng chạm vào, vậy nên cô bé gọi ông là ông La Hán. Cảnh Sâm bế Cảnh Ninh, quay đầu nhìn cặp mắt rưng rưng của cô bé, anh thấy vô cùng xúc động, không cầm lòng nổi, anh thơm mạnh lên gương mặt mập mạp của Cảnh Ninh, nói: “Anh thích Bé Hạt Dẻ, Bé Hạt Dẻ là một cô bé tốt bụng, là một cô bé rất rất tốt.”
Anh mua hai chiếc bánh bao chay, đưa cho “ông La Hán”, nhà sư nhận bánh, cất tiếng cảm ơn rồi nhìn họ. Ông điềm tĩnh quan sát hai đứa bé bằng cặp mắt trong veo.
Cảnh Ninh hỏi: “Ông La Hán ơi, ông đi bộ nhiều lắm ạ?”
Nhà sư cười gật đầu.
Cảnh Ninh chỉ vào giày ông: “Giày của ông bị rách rồi.”
Nhà sư lại cười, lại gật đầu. Dù ông tiều tụy nhưng lại chẳng hề dơ dáy, mình thoang thoảng hương thơm quần áo được giặt hồ.
“Ông La Hán ơi, ông đến từ đâu vậy ạ?”
“Ta đến từ Nam Kinh, cô bé từng nghe tới Nam Kinh chưa?”
Cảnh Ninh lắc đầu, phần tóc mái dày bị gió thổi rối bù, Cảnh Sâm đứng bên cạnh vươn tay vuốt lại tóc cho cô bé.
Nhà sư nhìn Cảnh Sâm, rồi lại nhìn Cảnh Ninh, vẻ mặt ông bình tĩnh phẳng lặng như nước.
“Nam Kinh có vui không ạ?”
“Biết đâu sau này cô bé sẽ tới đó, tới nơi con sẽ biết.” Nhà sư ôn tồn đáp, ông đưa mắt nhìn Cảnh Sâm, “Chắc chắn là cậu bé có biết đến Nam Kinh rồi.”
Cảnh Sâm mỉm cười: “Nam Kinh có Phượng Hoàng đài, còn chỗ chúng ta lại có Hoàng Hạc lâu. Đài cũ Phượng Hoàng tạm ghé chơi, Hút bóng Trường An xót lệ rơi (*)… Người xưa cưỡi hạc đã về đâu, Khói sóng trên sông dạ khuất sầu (**). Cảnh vật hai nơi này đều khiến con người ta phải âu sầu!”
(*) Trích bài thơ Lên đài Phụng Hoàng ở Kim Lăng, Lý Bạch, bản dịch của Hải Đà.
(**) Trích bài thơ Hoàng Hạc lâu, Thôi Hiệu, bản dịch của Hoàng Giáp Tôn.
Nhà sư mỉm cười. Có cơn gió nhẹ thoảng qua, thổi bay một góc túi đồ bên cạnh nhà sư, trong đó có bút vẽ cùng tấm giấy. Nhà sư nói cho Cảnh Sâm và Cảnh Ninh hay ông tới từ Nam Kinh, gặp được một ngôi miếu nên mới nán lại đôi ngày. Ông có biết sơ về hội họa nên mấy hôm lưu lại đã giúp tu sửa tranh vẽ cùng tượng Phật trong miếu.
“Vậy nên cô bé à, ta không phải La Hán, nhưng ta từng vẽ rất nhiều những vị La Hán đấy.” Nhà sư nói với Cảnh Ninh.
Cảnh Ninh lẳng lặng kéo lấy vạt áo Cảnh Sâm. Cảnh Sâm cúi đầu nhìn cô, cô bé đưa mắt trông đôi giày vá chằng chịt của nhà sư. Cảnh Sâm liền móc một đồng bạc ra khỏi túi, đây là “tiền để dành” anh gom góp nhờ bán ốc sên cho hàng thuốc, anh kính cẩn đặt đồng bạc lên bàn, hạ giọng nói: “Xin ông nhận cho ạ, đây là tấm lòng của cháu và em gái cháu, ông hãy cầm lấy mua một đôi giày tốt.”
Gương mặt trắng bóc của anh ửng đỏ. Kiểu bố thí này khiến cả anh cũng phải thấy ngại, vì anh sợ nhà sư sẽ nghĩ mình coi thường ông, vậy là Cảnh Sâm bế Cảnh Ninh lên ngay, anh nói: “Ninh Ninh, chúng mình về nhà thôi.”
“Cháu chào ông La Hán!” Cảnh Ninh vẫy tay chào tạm biệt nhà sư.
“Cô bé, cậu bé, xin hãy dừng bước.” Nhà sư quay mình mở bọc đồ lấy giấy bút ra, ông nói, “Các con đã biếu ta đồ ăn và lộ phí, ta lại không có gì để tặng lại, đành vẽ cho các con một bức tranh coi như đáp lễ.”
Cảnh Ninh vỗ tay: “Vâng ạ vâng ạ!” Cảnh Sâm cũng rất vui mừng, bèn bế cô bé ngồi xuống trước mặt nhà sư.
Nhà sư trải phẳng tờ giấy trắng cỡ một thước, ông thoáng ngẫm nghĩ rồi phác họa mấy đường trên giấy.
Núi non xa xăm, sông nước khoáng đạt, một chiếc thuyền con, như đứng từ trên cao nhìn xuống, chiếc thuyền nhỏ trôi giữa núi sông trông trơ trọi bé nhỏ tới lạ. Nhà sư ngẫm nghĩ rồi lại điểm một đàn chim nhạn trên không, vẽ xong, ông quay đầu nhìn hai đứa bé: “Ta đã có tuổi nên nét bút đâm cũng lạnh lẽo thê lương, không hợp với các con. Nhạn Bắc bay về phương Nam, tìm tới nơi ấm áp trú đông, đông qua xuân tới, rồi lại quay về cố hương, tranh có chúng cũng tươi vui hơn, lại thêm ý nghĩa.”
“Vậy thì,” Cảnh Ninh trỏ đàn nhạn, “mấy chú chim này đang trên đường về nhà, hay là đang rời nhà đi về phương Nam vậy ạ?”
“Cô bé có thể tự nghĩ theo ý mình muốn.”
“Cháu mong chúng đang về nhà!” Cảnh Ninh hô vang.
Bức họa ấy được Cảnh Ninh giữ gìn, về sau chẳng biết tại sao lại không tìm thấy, nhưng Cảnh Sâm không bao giờ quên những câu thơ nhà sư đề trên bức vẽ:
Thuyền lớn muôn vạn bạc,
Đại dương sâu ngút ngàn,
Nhặt cỏ thơm về trễ,
Mưa xuân chìm lòng sông.
Nó như lời sấm, báo hiệu trước một điều gì đó.