Có Giọt Mưa Xuân Sà Vào Lòng Sông - Quyển 2 - Chương 63

Có Giọt Mưa Xuân Sà Vào Lòng Sông Quyển 2 - Chương 63
Phòng tiệc dưới tầng một và tầng hai nhà hàng Đức Minh được bao trọn, hoa cỏ xếp ngập từng góc phòng: Nào lan hồ điệp, nào hoa hồng, nào thược dược, hay thậm chí là thủy tiên vàng. Hán Khẩu đương vào giữa thu, những loài hoa này rất khó kiếm, mà cũng vô cùng đắt đỏ. Khoảng gác nhỏ trải từ cầu thang xoắn ốc lên đến giữa tầng hai được trang hoàng khéo léo thành sân khấu kịch, phía sau có bày nhạc cụ và ghế ngồi, các nhạc công đã ngồi ngay ngắn tự bao giờ. James và Ngân Xuyên tới sớm một tiếng, nhận trọng trách tiếp đón khách khứa. Thấy Cảnh Huyên dẫn vợ chồng Thịnh Đường vào cửa, James đưa tay ra hiệu cho các nhạc công, khúc nhạc đón khách rộn ràng chợt vang vọng khắp đại sảnh.

Ngân Xuyên chắp tay với James, nói với vẻ khâm phục: “Làm khó cho giám đốc phải nghiền ngẫm ca dao Quảng Đông chúng tôi, ngài James quả là chu đáo tỉ mỉ, thông thái uyên bác.”

James cười: “Nếu không nhờ cậu mời đoàn hát Quảng Đông này tới giúp tôi, sao tôi có thể tỏ ra tỉ mỉ chu đáo, thông thái uyên bác cho được?”

Ngân Xuyên mỉm cười, tiến về phía Thịnh Đường và gia đình. Cảnh Huyên thấy anh bước lại bèn hào hứng reo lên: “Anh cả giỏi quá! Nhà hàng của chủ nước ngoài mà anh cũng biến thành phong cách Quảng Đông được. Anh cừ thật!”

Ngân Xuyên không tiếp lời, chỉ cười hỏi Thịnh Đường: “Cha có hài lòng không?”

Thịnh Đường nghiêm mặt, nhưng nét vui sướng lại lập lòe trong đáy mắt: “James thích bày vẽ, con cũng học theo người ta. Chả ra thể thống gì.”

Ngân Xuyên ân cần nói: “Nào phải bày vẽ đâu cha, tháng Chạp này là đại thọ sáu mươi của cha rồi, con chỉ luyện tập bày tiệc trước cho cha thôi.”

Thịnh Đường thở dài: “Thời gian trôi nhanh quá, cha đã sắp sáu mươi, cha già rồi!”

“Cha không già chút nào.”

Phía cổng vào tầng một có bày một chiếc bình phong cực lớn bằng gỗ tử đằng, nạm lá ngọc điểm mai vàng, như tỏa hương khắp phòng ốc. Bước qua bình phong, lưng đưa hướng bắc mặt đưa phương nam, thấy có hai chiếc bàn đặt ngang dành cho các nhân vật chính, dọc xuống chia làm hai hàng, mỗi hàng có chín bàn, bày đầy sơn hào hải vị. Tiếng miền Nam văng vẳng quanh tai, bồi bàn đều là người Quảng Đông, nam đường nét sắc sảo, nữ màu da như mật, vô cùng ý vị. Nhà họ Phan là thương nhân Quảng Đông nổi danh nhất giới mại bản Hán Khẩu. Trông cách bài trí bữa tiệc là biết ngày dù bề ngoài người nhà họ Phan là khách, nhưng thực chất đã được đưa lên hàng chủ.

Thấy vậy, Thịnh Đường quay sang gật đầu với Ngân Xuyên, thoáng lộ ý khen ngợi, rồi lại dặn Cảnh Huyên lát ra ngồi bàn Thiệu Từ Ân, trò chuyện mời rượu cho chu đáo. Bà Vân đứng dậy cùng mọi người, tự đến tìm các nữ quyến thân thuộc để chuyện trò. Chẳng mấy chốc, các mại bản của phòng kế toán Hoa đã tề tựu đông đủ, giám đốc và quản lý cấp cao phòng kế toán Tây, các nhân vật sừng sỏ của hãng buôn Khải Nhuận cũng đã có mặt. Edmund là người đến cuối, Thịnh Đường tiến lại tiếp đón, kiên quyết từ chối ghế ngồi chủ tọa, cung kính nhường lại cho Edmund. Thấy Edmund không thể không mỉm cười an vị, ông ta mới nhũn nhặn ngồi xuống bên ngài chủ tịch, Ngân Xuyên và James cũng tìm ghế trống trên bàn để ngồi.

Đồ ăn đã được dọn lên: Có phật nhảy tường, san hô bách hoa bào, bóng cá hầm nấm bắc, cá song hấp, bào ngư om vi cá, tôm hùm hấp, cá mú hoa nâu chưng xì dầu, rồi lại thêm sườn xào ớt, vịt quay… Có chay có mặn, có chiên có xào, có hấp có hầm, có om có trộn. Món nào món nấy đều được chế biến theo phương cách Quảng Đông.

Edmund cười với Thịnh Đường: “Ngài Phan coi hiệu buôn Tây như gia đình, chúng tôi cũng coi ngài Phan là người nhà, hôm nay muốn ăn một bữa cơm quê nhà cùng ngài.”

Thịnh Đường tiến lại, khom người với Edmund: “Xin cảm ơn tình cảm của ngài Edmund.”

Đây quả là lần đầu tiên Hiệu buôn Tây Phổ Huệ hạ mình tổ chức tiệc mừng công cho một giám đốc Hoa. Thịnh Đường đưa mắt nhìn chung quanh, tất cả mọi người đều đang tươi cười, có nụ cười là nịnh hót, có nụ cười là mong ngóng, có nụ cười khinh thường, có cả cười thật thà, rồi hờ hững, hay nét cười nghiến răng nghiến lợi… Ông ta sớm đã quen với những điệu cười ấy, cũng như nỗi gian nan khổ sở lướt qua trước mắt tựa khói bụi, sau khi màn sương mờ tan đi, đã chẳng một đợt sóng nào có thể gợn lên, nhưng tim ông ta có một khoảng trống, không sao lấp đầy nổi, có vết sẹo, cứ chốc chốc lại nhói đau. Chẳng hiểu tại sao nỗi bi ai này lại bước đến tận đây, ngoảnh đầu lại, chỉ thấy trắng xóa, thấy trống rỗng, chẳng nhìn ra đường lùi.

Edmund chậm rãi đứng dậy, đọc bài diễn văn mở đầu buổi tiệc, tâm tư Thịnh Đường đã bay đi rất xa, đôi mắt ông ta thoáng mờ nhòa. Ông ta cúi đầu nhìn thức rượu trong suốt đựng trong chiếc ly thanh hoa, dòng chảy tháng năm như đang bồng bềnh trong đó, như trần duyên cõi mộng; rồi ngẩng đầu, tầm mắt ông ta đã lại rõ ràng, sau những gương mặt tươi cười ấy có giấu giếm bao nhiêu ân oán và gian trá? Ông ta chợt thấy căng thẳng, lòng nghĩ lát nữa mình phải thay mặt phòng kế toán Hoa phát biểu đôi câu, ông ta không thể quên câu từ đã được soạn sẵn:

“Thưa các vị khách quý, Thịnh Đường tôi bất tài, kể từ thời Tiền Thanh tới nay, tôi đã làm việc tại phòng kế toán Hoa của hiệu buôn Tây Phổ Huệ suốt ba mươi mốt năm, quả đúng là thời gian thấm thoát thoi đưa. Năm ấy, phòng kế toán Hoa chật vật lập nghiệp, hiệu buôn Tây giao trọng trách cho Thịnh Đường, Thịnh Đường biết ơn tri ngộ sâu sắc, chỉ lo thận trọng nề nếp, chưa từng dám lười biếng dù chỉ một ngày. Đời người cũng như một chặng sự nghiệp, nếu không làm việc cho tốt thì sống còn có ích gì? Nếu không dành hết tâm sức mà tìm kiếm danh lợi thì sống có ích gì? Nếu không dấn thân lo toan việc khó thì sống có ích gì? Nếu không tận tụy với chức trách, phục vụ tập thể, thì sống có ích gì!…”

Ông ta tự thấy cảm động, vành mắt hoe đỏ, ngẩng đầu lau khóe mắt. Ồ, lạ quá, đại sảnh tĩnh lặng thế này từ bao giờ vậy? Dù cũng chẳng nghe lọt được mấy lời Edmund nói ban nãy, nhưng ông ta vẫn lập tức phát hiện ra có điều gì đó là lạ. Thịnh Đường quay đầu, vừa khéo Edmund cũng đang quay sang nhìn ông ta bằng ánh mắt quái đản.

Edmund mỉm cười gật đầu với Thịnh Đường, nói: “Khải Nhuận sáp nhập với Phổ Huệ, phòng kế toán Hoa của hãng buôn này cũng sẽ hợp làm một với chúng ta. Đương nhiên ngài Phan vẫn phải làm đầu tàu cho phòng kế toán Hoa, nhưng các tiền bối quản lý người Hoa là bốn vị Tạ, Thiệu, Mẫn, Hứa, thế hệ thanh niên tài giỏi như phó tổng mại bản Phan Cảnh Sâm, và cả hai vị anh tài của Khải Nhuận là Lưu Chương, Chu Thiếu Phổ cũng nên tham gia vào hội đồng quản trị. Để đảm bảo công bằng, tôi có xin chỉ thị của trụ sở chính London, trụ sở đã phê chuẩn quy trình mới, tăng thêm thành viên cho hội đồng quản trị phía Hán Khẩu. Đồng thời cũng sẽ có một quá trình tái thẩm định tố chất của các đồng nghiệp sắp tham gia hội đồng quản trị. Nhưng tôi có thể đảm bảo chúng ta sẽ không tiêu tốn nhiều thời gian. Nói chung, tầng lớp quản lý cấp cao của hiệu buôn Tây Phổ Huệ Hán Khẩu luôn cần đến những làn gió mới, tư tưởng mới. Đây chính là ý kiến tôi và ngài Phan Thịnh Đường đã thống nhất trước khi thực hiện thương vụ thu mua lần này. Ngài Phan, ngài nói có phải không?”

Một quyết định quan trọng nhường này, sao có thể không bàn bạc với các cổ đông mà tùy tiện đưa ra trong một buổi tiệc mừng?

Thịnh Đường tỉnh dậy khỏi miền ảo tưởng rời rạc. Cạm bẫy. Ông ta nghĩ tới từ này. Edmund đã không tin tưởng ông ta, không chỉ không tin, lão còn coi ông ta là kẻ địch giả tưởng. Edmund đã bắt tay với những kẻ khác, cùng đứng về phe đối lập với Phan Thịnh Đường.

Thịnh Đường là thành viên người Hoa duy nhất trong hội đồng quản trị hiệu buôn Phổ Huệ. Cổ quyền trong tay ông ta chiếm một nửa vốn liếng phòng kế toán Hoa, nhưng lại chỉ bằng một phần rất nhỏ của tổng tài sản Phổ Huệ. Tuyệt đại đa số cổ phần vẫn về tay người Anh. Dù có thế, thứ quyền lực nhỏ nhoi chẳng đáng kể này lại do Phan Thịnh Đường dùng máu, nước mắt và tâm huyết của mình, từ từ tích lũy gây dựng trong suốt ba mươi năm ròng. Nó cũng mang một ý nghĩa vô cùng trọng đại với phòng kế toán Hoa – đại diện cho lợi nhuận của người Hoa. Để một loạt người Hoa bước vào trung tâm lợi ích của Phổ Huệ chẳng khác nào chia một con dao ra thành nhiều mảnh sắt vụn, để họ mỗi người nắm một mảnh, nhưng lại chẳng thể ghép thành vũ khí. Lúc này, Phan Thịnh Đường đã để mếch lòng người của phòng kế toán Hoa, ông ta cũng chẳng còn người đồng đội thực sự nào cùng chung kẻ địch. Đối với Edmund, mượn thời cơ này, để đám người Hoa tự tàn sát lẫn nhau chính là cách đánh lui kẻ địch tuyệt diệu nhất.

Quả là một màn biểu diễn qua cầu rút ván quá sức long trọng.

Những tiếng xì xào vang lên, Thịnh Đường chậm rãi đưa mắt nhìn, nhặt nhạnh hết những biểu cảm của bao người vào đáy mắt: Nét ngượng ngập nhục nhã của Vân Tú Thành, vì trong số những người Hoa được Edmund cất nhắc chẳng có phần ông ta; Tạ Tề Phàm vẫn cứ dửng dưng như thường; Thiệu Từ Ân tươi cười rạng rỡ, mang cả phần cảm kích do niềm vui bất ngờ; Mẫn Bách Xuyên dương dương đắc ý; Hứa Tĩnh Chi có vẻ còn chưa kịp hoàn hồn, đương nhiên cũng có thể ông ta đang giả vờ; còn hai kẻ đến từ Khải Nhuận không nằm trong phạm vi quan tâm của Thịnh Đường. Cuối cùng ánh mắt ông ta dời lên gương mặt Ngân Xuyên, vừa khéo anh đang ngồi đối diện, bình tĩnh như một tảng băng.

Edmund ra hiệu cho Thịnh Đường phát biểu, ông ta lại nhẹ nhàng khoát tay: “Tôi vốn không khéo ăn nói, nào dám bêu xấu, thôi thì nên để mọi người sớm khai tiệc thì hơn.”

“Ngài là ngôi sao của hiệu buôn Tây Phổ Huệ mà, nếu ngài không nói đôi câu, e là mọi người chẳng dám động đũa.” Edmund tươi cười rạng rỡ, nhưng ánh mắt lại hừng hực bức ép.

Thịnh Đường đứng dậy, ông ta nâng ly rượu: “Vậy tôi xin cùng ngài Edmund kính các vị đây ly rượu, chúc cho hiệu buôn Tây Phổ Huệ mãi huy hoàng như ngày hôm nay, mãi rực rỡ như hiện tại.”

Lời ông ta hàm ý sâu xa, mọi người nghe xong mà bất giác lạnh gáy, chỉ có người của Khải Nhuận vì mới tới nên không rõ mối quan hệ phức tạp chồng chéo của Phổ Huệ, những tưởng đây là lời chúc tụng thông thường, bèn nâng ly đứng dậy. Vậy là tất cả mọi người cùng cầm ly rượu đứng lên.

“Cạn ly!” Thịnh Đường cao giọng, uống cạn một hơi. Vừa ngồi xuống, cổ họng đã nóng rực, ông ta thở hổn hển muốn ngăn lại, nhưng nào ngờ luồng hơi cuộn lên, tiếng ho khan dữ dội bật ra. Edmund nhìn ông ta đầy “lo lắng”, dịu dàng hỏi han: “Ngài Phan, ngài ổn chứ?”

Thịnh Đường nặn ra một nụ cười: “Không sao ạ.”

Trong tiếng chén đũa lách cách, nhạc công vung tay, tiếng đàn tam thập lục vang lên, sau đó là cả tiếng sáo và đàn nhị ngân nga theo, nhịp điệu gấp gáp rồi lại sang chậm rãi, sau khoảng chuyển, một nữ ca sĩ thướt tha bước lên sân khấu, ngân rằng:

“Không nuôi tằm xuân không dệt sợi,

Tìm vịnh Lệ Chi hái sen thơm.

Đài sen dễ đứt tơ khó đoạn,

Mong buộc lòng chàng chóng về nhà.”

Đây là bài thơ dân gian lưu hành ở Quảng Châu cuối thời nhà Thanh, được cô thiếu nữ Quảng Đông da bánh mật, mắt đen láy cất tiếng xướng, như đưa theo cả cơn gió ấm miền nam. Dù đa phần những người có mặt ở đây không hiểu tiếng Quảng, nhưng giọng ca du dương ngọt ngào vẫn khiến bầu không khí căng thẳng dịu lại.

Tim Tạ Tề Phàm rung lên, ông lặng lẽ đưa mắt nhìn Ngân Xuyên. Anh như cười như không, ánh mắt vẫn khóa chặt trên gương mặt Thịnh Đường.

Thịnh Đường nâng ly trà chuẩn bị uống, khi tiếng hát vang lên, tay ông ta chợt khựng lại, ngực phập phồng, ánh mắt chuyển về phía sân khấu như đang tìm kiếm một thứ nào đó. Nhưng đương nhiên, ông ta chẳng thể tìm được bất cứ điều gì. Mặt Thịnh Đường xanh mét, vươn tay trỏ Ngân Xuyên, khóe miệng méo xệch quái lạ, như muốn nói gì đó, hoặc là đã nói rồi. Miệng ông ta đang mấp máy, chỉ là chẳng ai nghe rõ lời Thịnh Đường muốn thốt.

Ngân Xuyên ân cần đứng dậy, bước vòng qua dãy bàn ghế, tiến về phía Thịnh Đường.

Một bước, rồi lại một bước… Tiếng ca trên sân khấu càng thêm rõ ràng:

“Ngoài vịnh Lệ Chi tà dương trầm,

Dưới vịnh Lệ Chi nước sông sâu,

Ngó sen Phán Đường chàng chớ ngắt,

Tấc tấc tơ ngó, lòng thiếp đây.”

Khi điệu hát vang tới câu này, Ngân Xuyên đã bước đến trước mặt Thịnh Đường, hai tay vươn ra dợm đỡ ông ta.

“Cha tìm con sao?”

Thịnh Đường mất kiên nhẫn phất tay, như ngại anh nhiều lời. Ngân Xuyên nhẹ nhàng nghiêng người, nở nụ cười mỉm, cúi đầu nói bên tai ông ta: “Cha, tiếp theo là bài mẹ con thích nhất đấy…”

Thịnh Đường chợt siết chặt cánh tay anh, ông ta đứng bật dậy, miệng mấp máy như muốn nói gì. Lúc này nhạc công đã lại gảy dây đàn, âm điệu đàn nhị thay đổi, cô ca sĩ ngâm nga ca:

“Nước thanh thanh, hương vải thoảng,

Tre biếc mảnh, tương tư dài.

Chuông tối bầu bạn cùng đêm buông,

Tình tan chiều tàn ngày lại nối.”

Lồng ngực Thịnh Đường phập phồng, như muốn hít thở thật sâu, nhưng vừa hít vào, phổi ông ta đã lại co rút, bàn tay buông lỏng, thân mình Thịnh Đường ngã ngược ra sau, Ngân Xuyên toan vươn tay kéo ông ta nhưng không kịp, sống lưng ông ta đập lên chiếc ghế gỗ sưa, một tiếng động chói tai vang lên. Thịnh Đường gần như ngửa mặt lên trời, cả thân thể lẫn chiếc ghế cứng ngắc cùng ngã ruỳnh xuống đất.

Đại sảnh lâm vào hỗn loạn, mọi người đứng bật dậy, tất cả đều như sợ điếng mình, đến cả Tạ Tề Phàm luôn thong dong bình tĩnh cũng lộ vẻ khiếp sợ kinh hãi.

Ngân Xuyên sững sờ trong chớp mắt rồi lại cúi xuống dìu Thịnh Đường, xem chừng vô cùng sốt sắng, lớn tiếng gọi người tới giúp. Tạ Tề Phàm thờ ơ quan sát, hơn bất cứ ai, ông biết chàng thanh niên ấy đã mong chờ giờ phút này đây suốt bao năm ròng. Nhưng ông phát hiện, ánh mắt Ngân Xuyên bình tĩnh như thể đã diễn thử màn kịch này hàng nghìn hàng vạn lần.

Tạ Tề Phàm chưa được chuẩn bị tâm lý kỹ càng trước tất cả những chuyện vừa xảy ra, bao gồm cả lời phát biểu của Edmund. Rõ ràng Ngân Xuyên đã ngấm ngầm tiến hành một phi vụ hợp tác nào đó với Edmund, anh giấu tất cả mọi người, bao gồm cả ông. Tạ Tề Phàm thầm thốt, đứa bé này ẩn nhẫn thận trọng, hành sự chu đáo, e sẽ chẳng ai bì kịp. Sự phát triển của sự tình vượt ngoài sức tưởng tượng, biểu cảm sốt sắng và ánh mắt tỉnh táo của Ngân Xuyên tách bạch rõ ràng, khiến Tạ Tề Phàm ngổn ngang trăm mối. Ông từng hết lòng hy vọng Ngân Xuyên sẽ sớm ngày trở nên lạnh lùng khôn khéo, lựa thời lựa thế được như hôm nay, nhưng cuối cùng, khi tận mắt chứng kiến sự lột xác ấy, ông lại chẳng mảy may vui sướng. Ngược lại, ông thấy bi ai, thậm chí là tự trách. Có lẽ việc đời biến chuyển đã thay đổi tâm ý khi xưa, sự vô thường khiến mọi thứ liên tục đổi khác.

Hủy diệt, tái sinh, lật đổ, điều hòa, chẳng ai tránh nổi bàn tay lôi kéo của vô thường.

Đời người là lòng lò bị ngọn lửa vô thường thiêu đốt, chẳng ai đoán được vận mệnh mình sẽ được tôi rèn thành hình dạng gì trong đó.

- -----oOo------
Hãy đăng nhập để bình luận !
icon comment - bình luận