Có Giọt Mưa Xuân Sà Vào Lòng Sông - Quyển 2 - Chương 91

Có Giọt Mưa Xuân Sà Vào Lòng Sông Quyển 2 - Chương 91
Bàn làm việc chất chồng văn kiện và giấy báo, chiếc ly còn dư lại bã trà, gạt tàn đầy ắp tro thuốc, đầu lọc còn dư hơi ấm, vừa có một cuộc hội đàm xuyên đêm không nghỉ diễn ra trong phòng họp. Giờ căn phòng chỉ còn lại mình Mạnh Tử Chiêu cùng Lư Tác Phù – người sáng lập Công ty Dân Sinh. Hiện Lư Tác Phù đã là thứ trưởng Bộ Giao thông, giờ đây gương mặt ông chất chồng sự tang thương của thời đại.

“Đắm tàu ngăn nước…” Tử Chiêu lặp lại bốn chữ này, nỗi hoang mang và trống rỗng ập tới trong chớp mắt, cậu như bị rút kiệt sức lực, rồi lại chợt mỉm cười, tia sáng kỳ lạ lóe lên nơi cặp mắt.

“Tôi đưa hơn mười con tàu Tinh Nguyệt men theo vùng ven Trường Giang, tôi những tưởng hoàn thành nhiệm vụ khai thác đá giúp quân đội là có thể trở lại Hồ Bắc. Ha ha, nào ngờ họ chuẩn bị đánh chìm chúng xuống Trường Giang! Sinh tiền cha hay mắng tôi bất tài, sớm muộn gì cái nhà này cũng bại trong tay tôi, ông mắng đúng lắm, quả thật không ngờ lần này tôi tới Nam Kinh lại là để hủy hoại gia nghiệp nhà họ Mạnh!”

Vẻ áy náy thoáng hiện lên trên gương mặt Lư Tác Phù, nhưng sự tin tưởng trông cậy vẫn chiếm phần hơn: “Tôi cảm thấy rất có lỗi, cũng rất đau buồn, nhưng Tử Chiêu à, xin cậu hãy cân nhắc thử xem. Ban nãy cậu cũng đọc điện mật của Bộ trưởng Trần rồi, chắc hẳn cậu phải biết rõ những cuộc đánh úp ở vùng biển và ven Trường Giang của quân ta gần như không có cơ hội đem lại thắng lợi, giờ ta cần gấp rút di chuyển tài sản quốc gia về hướng tây nhằm đảm bảo mạch máu của cải đất nước, phải chặn cứng tuyến đường thủy của địch, đắm thuyền ngăn sông là lựa chọn duy nhất, cũng là lựa chọn tốt nhất.”

Ngay khi chiến tranh nổ ra, Công ty Dân Sinh vốn cắm rễ ở vùng đất liền Trung Quốc đã tích cực tham gia chiến sự, cung cấp tàu thủy hộ tống hàng trăm nghìn quân Tứ Xuyên ra tiền tuyến không điều kiện. Bộ trưởng Trần được Lư Tác Phu đề cập tới chính là Bộ trưởng Bộ Hải quân Trần Thiệu Khoan.

Tiếng súng nổ ra trên cầu Lư Câu, chiến tranh bùng lên tại vùng Hoa Bắc, không bao lâu nữa chiến hỏa ắt sẽ đốt rụi phương Nam. Thực lực hải quân Nhật quá mạnh, đối lập hoàn toàn với sự yếu ớt của hải quân Trung Quốc. Bộ trưởng Bộ Hải quân Trần Thiệu Khoan bất đắc dĩ phải đưa ra một phương thức tác chiến bi tráng mà cũng bi thảm: Đắm thuyền ngăn sông. Cũng trong giai đoạn này, đoàn cố vấn Đức của chính phủ Dân quốc cũng lập ra một phương án chỉ đạo tác chiến, trong đó có viết rất rõ răng: “Trong khoảng thời gian chiến tranh bùng nổ tại Tùng Hộ (*), cần khai hỏa tấn công tàu địch tại Ngô Tùng Khẩu, nhằm mục đích khống chế tuyệt đối tuyến đường băng qua Giang Âm hướng về phía tây của địch, chung sức hiệp lực với cuộc tác chiến của bộ đội tại các cứ điểm và lục địa.” Ngày 28 tháng 7, cuối cùng Hội nghị Quốc phòng tối cao cũng thông qua kế hoạch ngăn sông, quyết định nắm bắt thời cơ khống chế địch, ngăn chặn lộ trình trên Trường Giang của quân thù, ngừa trường hợp địch vượt ngược dòng, chặn đứt đường về của 13 con tàu thuộc chiến đội số 11 cùng một lượng kiêu dân Nhật Bản lớn, đoạt lấy điều kiện đàm phán với Nhật Bản. Thời gian hành động được định vào ngày 12 tháng Tám. Kế hoạch phong tỏa dưới nước bí mật này chia binh làm hai đường, hoạt động theo hai tuyến như sau: Tuyến thứ nhất dọc theo chân Trường Sơn, Giang Âm đến cảng cầu La Gia, Tĩnh Giang, thuộc bắc ngạn Trường Giang với mục đích chính là đánh chìm một loạt tàu chiến cũ kỹ. Tuyến thứ hai là tuyến đường thủy chuyên chở phía bắc Giang Âm, với nhiệm vụ đánh chìm các tàu buôn đủ các kích cỡ. Luân thuyền Chiêu thương Cục, Công ty Dân Sinh, các hãng tàu thủy vùng Tam Bắc (**), trong đó bao gồm cả Công ty Đại Đạt của Đỗ Nguyệt Sênh cùng nhận được thông báo trưng dụng, 24 con tàu, khối lượng tổng cộng lên tới hơn mười nghìn tấn sắp bị đánh chìm theo một mốc thời gian đã được định trước.

(*) Tùng Hộ: ý chỉ Thượng Hải.

(**) Tam Bắc là tên gọi của ba khu vực thuộc miền Bắc Trung Quốc bao gồm Đông Bắc, Hoa Bắc và Tây Bắc.

Không những vậy, thời điểm này Trường Giang đang vào mùa lũ, nước sông chảy xiết, mực nước lên cao, lòng sông rộng, sau khi những con tàu cỡ lớn bị đánh đắm, tuyến phong tỏa dưới nước vẫn sẽ tồn tại khe hở, phải có cần tàu buôn, thuyền dân cỡ nhỏ chở đầy đá và bùn cát tiến vào hải đạo chật hẹp, lấp đầy những khe hở ấy. Đêm qua, Hãng thuyền Đại Quân nhà họ Mạnh hay tin mình sẽ đảm nhận nhiệm vụ này. Đất nước cần một công ty chuyên chở đường thủy lâu đời sử dụng sức mạnh “đại quân”, sử dụng phương thức tự sát để vạch nên một nét bút oanh liệt vĩ đại trong chiến dịch trên con sông mẹ Trung Quốc.

Chỉ còn bốn ngày nữa là kế hoạch sẽ bắt đầu, công việc tiền kỳ về cơ bản đã hoàn thành, hầu hết các phao tiêu đều bị hủy hoại, chủ lực hai hạm đội Trung Quốc đang tập hợp tại vùng sông Giang Âm, đây là hành động đối ngoại đầu tiên của hải quân Trung Quốc sau hải chiến Giáp Ngọ, thành bại của kế hoạch này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới vận mệnh Trung Quốc.

Sự lựa chọn trĩu nặng này đang được bày ra trước mặt Tử Chiêu. Bảo là lựa chọn nhưng thực chất ai cũng biết cậu không có cơ hội chọn.

Tử Chiêu chống cùi nhỏ trên bàn, vùi đầu giữa hai bàn tay, khẽ cất tiếng thở dài.

“Ông Lư, ông còn nhớ thời mới thành lập, Dân Sinh đã gặp phải bao nhiêu khó khăn không?”

Lư Tác Phù nói: “Tôi lập nghiệp chỉ với tám nghìn hiện kim, còn tìm đến nhờ ông cụ Mạnh bảo lãnh giúp. Con thuyền đầu tiên của chúng tôi là một con thuyền vỏ sắt nước cạn với trọng tải 70 tấn, men theo Trường Giang tiến về Trùng Khánh, mời chào khách hàng suốt chặng đường đi. Tôi tự lên thuyền tiếp khách, không đủ đầu bếp tôi cũng xông vào hỗ trợ, cuối cùng, rất nhiều lữ khách do thích ăn món thịt xào của tôi mà đã nhiều lần trở lại. Cứ như vậy, tôi gian nan cất từng bước, số tiền tích cóp được cũng lớn dần, chỉ chăm chăm muốn mua thêm thuyền, hết con thuyền nọ lại tới con thuyền kia, khó khăn lắm mới bước được tới ngày hôm nay. Sao có thể quên nổi!”

“Ông lập nghiệp trong cảnh bần hàn, còn tôi thì tiếp nhận gia nghiệp của cha với đôi bàn tay trắng. Ông đã trả giá hơn mười năm cho Dân Sinh, còn tôi mới chỉ làm việc cho Đại Quân được vài năm,” Tử Chiêu mỉm cười, “quả là đập nồi dìm thuyền. Tận mắt nhìn thấy tâm huyết của mình chìm xuống lòng sông, chắc hẳn ông còn nuối tiếc hơn tôi nhiều.”

“Không. Tôi cũng như cậu thôi, vì mỗi phút mỗi giây trong quá khứ đều được chúng ta đánh đổi bằng khoảng thời gian quý giá nhất của cuộc đời,” lệ ánh lên trong mắt Lư Tác Phù, nhưng từ đầu chí cuối ông vẫn nở một nụ cười ấm áp, “Tử Chiêu, chúng ta buông bỏ thứ mình quý trọng nhất, nhưng thứ ta lưu lại là công đức vô hạn, sự hy sinh của chúng ta hôm nay sẽ bảo vệ mạch máu Trung Hoa. Dù tôi vô cùng đau lòng nhưng tôi không hề nuối tiếc.”

Tử Chiêu gật đầu: “Ông Lư, tôi muốn xin nhờ ông giúp một việc.”

“Cậu nói đi.”

“Đại Quân có rất nhiều thợ thuyền, thuyền trưởng lớn tuổi gắn bó với công ty suốt hàng chục năm. Họ có kinh nghiệm phong phú nhưng nếu mất thuyền thì cũng tuyệt kế sinh nhai. Tổn thất lần này không hề nhỏ, Đại Quân sẽ không thể hồi phục trong một khoảng thời gian ngắn. Tôi muốn nhờ ông thu nhận những nhân công này, cho họ làm việc tại Dân Sinh, như vậy tôi mới dám nhìn mặt gia đình họ. Dù họ có xem tôi là tên phá gia chi tử hay không thì tôi cũng không thẹn với đất nước, không thẹn với họ. Xin ông hãy đồng ý giúp tôi.”

Lư Tác Phù xúc động: “Tôi đồng ý với cậu, nhất định tôi sẽ thu xếp ổn thỏa.”

Tử Chiêu nhìn đồng hồ rồi ngẩng đầu. Cặp mắt cậu sáng ngời, kiên định, ánh sáng như thủy tinh lấp lánh trong đôi đồng tử ấy.

“Được rồi, vậy thì ông Lư, năm nay tôi sẽ ngừng kinh doanh, lên tiền tuyến cùng ông!”

Thời gian cấp bách, cậu sắp xếp hành lý rồi lập tức lên đường tới Giang Âm. Trên xe, cậu lấy bút, viết những lá thư trên cuốn sổ mình thường dùng. Một bức cho mẹ, một bức cho vợ, bức còn lại gửi phó giám đốc của Đại Quân để thu xếp chuyên công ty sau này. Về sau chắc chắn Đại Quân sẽ gặp khó khăn lớn, cậu phân phó công ty phải làm những gì khi chiến sự ập tới… Dù đã hạ quyết tâm, nhưng nghĩ tới những chuyện này cậu vẫn không khỏi phiền muộn. Chiếc xe hơi lao vun vút trên con đường lớn thẳng tắp, bánh xe ma sát với mặt đất ẩm ướt, phát ra một thứ âm thanh trống trải xa xăm. Tử Chiêu cúi đầu vuốt ve cuốn sổ trên đầu gối, không nhìn thấy Ngân Xuyên và Cảnh Ninh đang bước trên đường.

Lúc chiếc xe đi ngang qua, nó cuốn theo những chiếc lá rơi bị nước mưa thấm ướt. Ngân Xuyên đứng che trước mặt Cảnh Ninh theo bản năng, chiếc lá bay tới, dính vào quần anh, rồi lại rơi xuống sau mấy bước anh cất. Có cơn gió thổi qua, những chiếc lá bay thành cụm trên đường, như chiếc móng vuốt cào xuống mặt đất.

Ngân Xuyên ấn chuông cửa rất lâu nhưng không có ai bước ra. Anh rút tờ giấy ghi địa chỉ trong túi áo, xem lại thật cẩn thận, sau khi xác nhận mình không lầm, anh tiếp tục gõ cửa. Lần này tay anh siết thành nắm đấm, hàng rào sắt kêu lách cách, đánh thức chú chó con nhà hàng xóm, chú chó sủa ăng ẳng, trong tích tắc, khu phố nhỏ đã trở nên huyên náo, có người mở cửa sổ nhìn họ, bất mãn trách cứ vài câu.

Ngân Xuyên buông tay, tiếp tục ấn chuông, nói: “Chắc cậu ấy còn đang ngủ, để anh thử lại.”

“Bỏ đi!” Cảnh Ninh nói, quay người bước đi.

Ngân Xuyên đuổi theo: “Hoặc có thể cậu ấy đã đi đâu rồi, mình đứng đợi xem thế nào.”

“Đợi anh ấy làm gì?” Cảnh Ninh lạnh lùng nói.

Lòng Ngân Xuyên ngổn ngang trăm mối, anh khẽ thốt: “Thật ra anh là người không muốn để hai đứa gặp nhau nhất trên đời này, nhưng… Ninh Ninh, anh chỉ muốn em vui thôi.”

Cảnh Ninh siết chặt áo choàng, đưa tay dụi mắt, không có lệ, không đến mức đau lòng, cô chỉ thấy hơi ngẩn ngơ. Ngân Xuyên thấy gương mặt cô buồn bã, anh tự cho mình hiểu lòng cô, nói: “Mình đi ăn sáng trước đã, sau đó em về nghỉ đi, anh sẽ giúp em tìm cậu ấy.”

“Em không gặp, có gặp cũng vô nghĩa.” Cô nói.

Suốt chặng đường về, cô không nói tiếng nào nữa, cũng không ngoảnh đầu lại, chỉ im lặng bước đi mà chẳng có mục đích, anh đi theo cô, thành phố đã tỉnh giấc, tiếng người náo nức. Bọn họ băng qua bến tàu bên sông, đường chân trời hạ thấp, gió ẩm ướt vút qua.

Cảnh Ninh chợt dừng bước.

“Anh có nghe thấy không?”

“Gì cơ?”

“Tiếng chim hót. Là tiếng chim hót của mùa xuân… Mỗi lần xuân về là lại nghe thấy, trước kia ở nhà em cũng thường nghe được tiếng chúng hót.”

Ngân Xuyên đứng thẳng lưng lắng nghe: “Không, chỉ có tiếng gió và nước thôi. Ý em bảo là chim đỗ quyên sao, chúng chỉ hót vào mùa xuân, giờ đã sắp sang thu rồi. Ninh Ninh, chắc em nghe nhầm thôi.”

“Rõ ràng có mà!” Cô ngoảnh đầu lại, lọn tóc đen nhánh bay bên sườn mặt trắng muốt của cô. Có ánh sáng lấp lánh trong mắt cô, nhưng chẳng mấy chốc nó đã lụi tắt, hồi lâu, cô mới bất lực nở nụ cười.

“Anh nói đúng, em nghe nhầm rồi.”

Năm Dân quốc thứ 26, năm 1937 như đã được định sẵn sẽ là một năm tràn đầy bi tình.

Ngày 11 tháng Tám, Bộ trưởng Bộ Giao thông Trần Thiệu Khoan nhận được điện lệnh, lập tức tiến hành kế hoạch đắm tàu ngăn sông, chạng vạng hôm ấy, cậu từ mặt sông Nam Kinh bước lên tàu chiến, tới Giang Âm nằm ven bờ Đông Hải vào lúc nửa đêm. Trong màn sương mù mông lung của buổi sớm tinh mơ, từng con thuyền quân dân chuẩn bị tự kết liễu đời mình đã cập bến, như một cái bóng khổng lồ trầm lặng đang tụ lại.

Những con thuyền đầu tiên tự đắm là tàu luyện tập “Thông Tế”, tàu tuần dương hạng nhẹ “Đại Đồng”, “Tự Cường”, mẫu hạm “Đức Thắng”, “Uy Thắng”, hầu hết là những con tàu cũ từ thời nhà Thanh, sớm đã đi đến những tháng ngày cuối cùng của cuộc đời. Hàng chục con tàu thương mại có lớn có nhỏ được chiêu mộ từ các công ty tàu thủy vốn nhà nước và tư nhân cũng lần lượt xếp hàng, chúng đã chuẩn bị để được đánh chìm.

Tám giờ sáng, những con tàu trên sông bắt đầu thực hiện nghi lễ kéo cờ với sự dẫn đầu của tàu tuần dương hạng nhẹ Bình Hải, những người lễ thực hiện nghi lễ bày tỏ sự kính trọng với quân kỳ trên mạn tàu. Tiếng quân nhạc vang lên, cờ tư lệnh chầm chậm được kéo lên tới đỉnh cột buồm, đón gió bay phấp phới.

Những con tàu lần lượt tiến về vị trí được quy định, Trần Thiệu Khoan tuyên bố lệnh ngăn sông, bắt đầu đắm chìm tàu, những con tàu đồng loạt mở cửa đáy, tàu chở hàng tự đục lỗ đắm sông, chòng chành trên mặt nước, đến tận hoàng hôn mới tuyên bố kết thúc. Cái bóng khổng lồ ấy từ từ chìm xuống, chìm vào tĩnh lặng, chìm vào phong ba, chìm xuống vĩnh hằng.

Còi hơi kêu thét, quân kỳ rủ xuống, bầu trời gào khóc không thành tiếng.

Đây là màn nhạc đệm cho một cuộc huyết chiến.

Ngày 16 tháng 8, cơn bão Nam Thái Bình Dương làm dấy lên những bão tố trên mặt sông, gió gào thét, sóng cuộn trào, nhiệt độ tụt xuống, cơn mưa lác đác đổ xuống mặt sông như những lưỡi dao sắc bay xéo. Điện thoại chòi gác bác cáo: Phát hiện phi cơ địch tại vùng trời hạ lưu ngoài tuyến phong tỏa, bảy chiếc phi cơ Nhật đâm vào tầng mây dày với tuyến đường gần như thẳng đứng, chúng che lấp hành tung rồi lại chợt vòng vèo bay trở lại. Tiếng còi báo động đinh tai vang lên, trận hải chiến Giang Âm chính thức khai màn.

Trận chiến này kéo dài 108 ngày, đây là cuộc đấu Trung – Nhật hiếm thấy với ba tầng bộ – hải – không, đồng thời cũng là chiến dịch hải quân duy nhất trong Kháng chiến chống Nhật. Kết quả vô cùng bi tráng. Hải quân Trung Quốc tử thủ gần ba tháng trên tuyến phong tỏa Giang Âm, che chở cho bảy trăm ngàn bộ binh tiền tuyến Thượng Hải, để kéo dài thời gian quân Nhật lội ngược dòng, cái giá phải trả là một phần hạm đội Trung Quốc chìm nghỉm dưới vùng duyên hải Sơn Đông, toàn bộ quân chủ lực nằm dưới đáy Giang Âm, Giang Tô. Chiến đội số 1 và số 2 bị tiêu diệt hoàn toàn, đây lại là thương tích mang tính hủy diệt nặng nề mà hải quân Trung Quốc phải hứng chịu sau trận Giáp Ngọ.

Và giờ thì hãy trở lại giai đoạn đầu của kế hoạch tuyến phong tỏa. Sau khi 12 chiếc tàu chiến cỡ lớn cũ kỹ tự đắm, 20 con tàu buôn lớn nhỏ chở đầy đá cũng chìm xuống lòng sông theo vị trí được chỉ định. Đang vào mùa lũ, nước chảy cuồn cuộn, quân đội phát hiện loạt thuyền đắm đầu tiên đã bị sóng nước đánh lệch khỏi vị trí lý tưởng ban đầu, gây ra những lỗ hổng trí mạng trên tuyến phong tỏa. Phong tỏa Trường Giang là kế hoạch vô cùng quan trọng của tuyến phòng ngự trung bộ, là điểm trọng yếu của quốc phòng. Để củng cố phòng ngự, họ buộc phải tiếp tục bổ khuyết cho những lỗ hổng này. Những con tàu chở hàng cỡ nhỏ của Hãng thuyền Đại Quân gần như đều được trưng dụng, chúng và những con thuyền dân khác lấp đầy khe hở bằng thân xác mình và hơn sáu nghìn gánh đá. Trong mấy ngày cuối, tàu cỡ nhỏ lần lượt tiến vào tuyến đường thủy còn lại, các kỹ sư chuyên nghiệp hợp sức với quân đội hạ toàn bộ cột buồm lộ trên mặt nước xuống, tránh cảnh sau này quân địch phát hiện mục tiêu dưới nước, quyết định lẩn tránh.

Tử Chiêu chết trong trận Giang Âm, vào ngày 16 tháng Tám.

Cậu chỉ còn lại một con tàu chở hàng nhỏ, đó là tàu Tinh Nguyệt năm ấy cha trao cho cậu, nó từng rong ruổi trên cung đường Xuyên Giang hiểm nguy, sở hữu thân mình nhẹ nhàng nhanh nhẹn nhất. Hôm ấy, Tử Chiêu trơ mắt nhìn từng con thuyền chìm xuống lòng sông, cậu như sinh ly tử biệt với con mình, anh em mình, người thân mình. Cậu thấp thỏm không ngủ được, cũng từng xót xa rơi nước mắt, nhưng để không uổng phí sự hy sinh này, cậu lau khô lệ, lưu lại cùng những kỹ sư của Đại Quân, tiễn những con tàu của mình một đoạn cuối. Tờ mờ sáng ngày 16 tháng Tám, Tử Chiêu dậy rất sớm, lái con tàu Tinh Nguyệt cuối cùng còn sót lại đi kiểm tra tuyến đường cùng binh sĩ quân đội thay một kỹ sư đã kiệt sức.

Quân địch đột ngột tập kích trên không, cuộc chiến bất ngờ khiến con tàu chở hàng nhỏ kẹt trong lửa trận. Họ không thể quay trở lại đường cũ, tiến lên cũng sẽ chỉ cản đường tàu chiến. Tinh Nguyệt – con tàu chở hàng cuối cùng vẫn còn trách nhiệm tự đánh chìm khỏa lấp lòng sông, nó sẽ là con tàu buôn cuối cùng bị đắm. Nếu lập tức đục lỗ cho tàu chìm, nhanh nhất cũng phải mất hai tiếng, cách duy nhất bây giờ là nổ tàu.

Thuốc nổ nằm trong khoang tàu, họ đã chuẩn bị từ sớm rồi, chuẩn bị cho tình hình xấu nhất như bây giờ. Nhưng nếu cho nổ lúc này, sẽ không có tàu chiến tới tiếp ứng.

Đầu óc Tử Chiêu chợt trống rỗng.

“Anh Tử Chiêu, anh ngồi thuyền nhỏ đi đi,” một người lính trẻ nói với Tử Chiêu, “cứ để chúng tôi lo.”

Tàu chở hàng vẫn còn một chiếc thuyền gỗ, vẫn còn cơ hội sống sót.

Tử Chiêu im lặng một lát, cậu lắc đầu, nói: “Hải đạo nguy hiểm, phải lái tàu đến đúng vị trí chỉ định mới cho đắm được, nếu không sẽ ảnh hưởng tới tàu chiến của chúng ta. Các cậu không quen với con tàu này, không lái được đâu, mau đi đi.” 

Cậu lính nọ hẵng còn rất trẻ, đôi mắt ngô nghê khờ khạo, phía trên môi còn phủ một tầng lông tơ, Tử Chiêu nhìn cậu ta, cười: “Cậu mới tí tuổi đầu mà đã ôm mộng làm anh hùng rồi ư? Chết trên chiến trường không tệ đâu, cũng khá, khá lắm, nhưng đừng chết trên tàu của tôi, tàu của tôi không phải chiến trường, các cậu mau đi đi, đi đánh quân Nhật Bản, đánh chết được tên nào hay từng đó.”

Cậu lính cắn răng, khẽ khom người chào Tử Chiêu rôi chạy lên boong tàu, cởi sợi dây buộc bên mạn tàu, thả con thuyền gỗ xuống sông.

Gió sông gào khóc, mưa gió bập bùng, làn khói đen bốc trên mặt sông giao hòa với ánh lửa giữa trời và nước, một cảnh tượng quá đỗi kỳ lạ, đây là lần đầu tiên trong đời Tử Chiêu chứng kiến hình ảnh này. Răng cậu run cầm cập, tay cũng run, cố gắng bình tĩnh nhìn bản đồ, tay nắm chắc bánh lái, giữ vững lực độ chuẩn xác, lái Tinh Nguyệt tới vị trí quy định. Xích sắt dưới đáy tàu khua vào cột con thuyền chìm nghỉm trong lòng sông, phát ra tiếng va chạm, thuyền hơi nghiêng, rồi lại vững vàng sau cơn sóng vỗ.

Chính là nơi này. Lòng Tử Chiêu chợt yên bình.

Một tích tắc được kéo dài, sao dài như vĩnh hằng.

Cậu kiểm tra dây thuốc nổ cẩn thận, sau khi chắc chắn không có vấn đề gì, cậu ngồi xuống, nhặt những viên bi sắt tán loạn trên mặt đất lên, cất chúng vào túi áo, chợt tay cậu chạm phải một món đồ bé nhỏ cứng rắn.

Đó là viên lạc gỗ đã ngả sắc nâu đậm. Cậu đặt nó và chùm chìa khóa nhà kề sát bên nhau. Đó là món quà Phan Cảnh Ninh tặng cậu năm 14 tuổi, hôm ấy họ đánh nhau, cô còn rách cả quần.

Cậu phì cười, sau đó cười thật to, rồi những giọt nước mắt ứa ra, cậu gian nan hít thở.

“Cô nàng thối,” cậu nghĩ, “giờ anh đang từ biệt em phải không? Chúng ta đã tạm biệt nhau từ năm năm trước, giờ anh lại tiếp tục từ biệt em. Vẫn đau đớn như xưa, nhưng đây là lần đầu anh thật sự cảm thấy nhẹ lòng. Từ ngày hôm nay trở đi, anh sẽ không phải chịu đựng nỗi đau mất em nữa.”

Trước khi chết 30 giây, 60 giây, một tiếng đồng hồ, hai tiếng đồng hồ, con người ta sẽ có cảm giác gì? Biết mình sắp chết, trong khoảng thời gian ngắn ngủi cuối cùng còn lại, họ sẽ nghĩ gì? Tử Chiêu nghĩ mà tràn đầy mâu thuẫn: Anh đang trải qua cảm giác ấy, Phan Cảnh Ninh, anh cảm thấy hơi hả dạ mà chẳng hiểu tại sao. Vì sự phù phiếm ư? Vì anh cảm động trước chính sự lựa chọn dũng cảm của mình ư? Hình như không phải, đều không phải.

Trên mặt sông mênh mang mờ mịt, trong trận khói lửa liên miên bao ngày, thật ra đã chẳng còn nghe nổi tiếng chim hót nữa, nhưng Mạnh Tử Chiêu lại nghe thấy tiếng chim hót véo von tới lạ chỉ có vào ngày xuân, đó là âm thanh hạnh phúc liên tục ùa vào ký ức cậu, là âm thanh vang lên ngày cậu còn niên thiếu, trong những năm tháng bình yên an ổn.

Cậu nhớ cô ngồi xổm dưới đất, nhớ cô ôm những chú vịt nhỏ vào lòng, mái tóc mềm như tơ phất phơ trước trán, cậu nói với cô bé ấy, anh yêu em.

Cậu nhớ những quấn quýt nửa đau đớn nửa ngọt ngào giữa họ, nhớ khóe môi ngậm cười của cô dưới nắng ban mai, gương mặt non nớt trong sáng của cô, anh nói với cô gái ấy, anh yêu em.

Cậu nhớ cô đuổi theo chiếc xe cậu xa dần, nhớ gương mặt nhạt nhòa nước mắt, ánh sáng cố chấp như một ngọn lửa bừng lên nơi đáy mắt cô, cậu nói với người phụ nữ tuyệt vọng ấy, anh yêu em.

Gặp gỡ nhau. Có được nhau. Chia xa nhau. Rồi ly biệt.

Cậu yêu cô. Giờ đây cậu cho phép bản thân mình nhớ lại tình yêu dành cho cô. Cậu yêu cô, như yêu một gia đình, như yêu mảnh đất dưới chân mình, yêu luồng không khí mình hít thở, yêu những làn nước mùa xuân lăn tăn sóng xanh của Đông Hồ. Cậu mong cô yên bình mỹ mãn, cho dù cậu đã rời đi mãi mãi.

Đã rất lâu, rất lâu rồi cậu không nhớ tới cô, nhưng giờ phút này, cậu khao khát có thể gặp lại cô. Phải, đây chính là từ biệt thật sự. Giờ phút cuối cùng đã đến.

Tử Chiêu nhắm mắt: Phan Cảnh Ninh, anh đã không còn nhớ em nữa rồi, dù nhớ tới em lòng anh cũng không đau nữa. Anh không muốn từ bỏ gia nghiệp, không muốn từ bỏ sự kỳ vọng của cha mẹ, không muốn từ bỏ rất nhiều điều vì em. Anh ngỡ mình sai, nhưng thật ra không phải. Vì hóa ra tất cả những lần không vứt bỏ ấy đều là vì sự từ bỏ của ngày hôm nay. Không chỉ vì em mà còn vì nhiều người khác, vì Thượng Hải, vì Nam Kinh, vì Vũ Hán, vì mảnh đất nơi em có thể sống yên bình, cuối cùng anh cũng có thể từ bỏ em và cả sinh mệnh của anh.

Khoảnh khắc ấy, cậu cảm nhận được sự thư thái và niềm vui đã lâu không được nếm, cậu không do dự nữa, rút diêm châm mồi dẫn lửa.

Bức tranh mệnh nước hùng vĩ, phủ đầy sợi tơ của thời gian, trên mỗi sợi tơ đều có một chấm nhỏ, chúng bé nhỏ là vậy, nhỏ tới mức người ta có thể dễ dàng bỏ quên, xem nhẹ, nhưng chúng cũng là một bộ phận tạo nên cuộn tơ ấy, từng sợi, từng chấm, nếu không có nó cũng chẳng có bức tranh này.

Ánh lửa chợt vươn tay chạm lên trời cao, ngọn lửa hừng hực, tỏa ánh muôn sắc, hóa ra sắc màu của cái chết lại lộng lẫy nhường này. Khói lửa của sinh mệnh đã cháy tới đỉnh điểm vào thời khắc ấy. Con tàu phát tiếng nổ vang rền, như đang tuyên một lời thề oanh liệt.
Hãy đăng nhập để bình luận !
icon comment - bình luận