Hồng Bàng Lập Quốc Ký Rewrite - Chương 160: Chỉnh đốn nội bộ

Hồng Bàng Lập Quốc Ký Rewrite Chương 160: Chỉnh đốn nội bộ
Đưa Xủ Lu lên hỗ trợ Anh Minh một cái thôi là Kiệt vội về làng ngay, tổ chức cuộc họp nhỏ với các thế lực lớn. Nhờ sự chia sẻ thẳng thắn của Trần Phương Nhung mà Kiệt kịp cảnh giác với sự bất mãn của dân làng Hồng Bàng và những người làm việc trong hệ thống thương mại của làng. Trên đường về, Kiệt nghĩ tới việc phải làm sao để mà phân phối lại lợi ích cho hợp lý, giảm đi sự chống đối trong làng. Tuy nhiên, sau khi cầm đống sổ sách và tính toán một hồi, Kiệt thấy sợ hãi vì phát hiện ra một nguy cơ cực lớn với làng Hồng Bàng. Nguy cơ lớn lao này buộc Kiệt phải lập tức triệu tập một cuộc họp lớn hơn, thành phần tham dự bao gồm các dòng họ lớn trong làng Hồng Bàng, đại diện các dòng họ nhỏ, cùng một vài thế lực ngoài làng nhưng có thể tin tưởng được.

Việc Kiệt phải triệu tập một cuộc họp thế này là khiến nhiều người ngạc nhiên lắm. Vì họ chỉ nghĩ rằng, có lẽ Kiệt muốn xoa dịu bản thân họ sau khi vì anh trai, vì tư tình mà làm làng bị thiệt hại nghiêm trọng về tài chính. Cuộc họp phải mất nửa tháng chuẩn bị, cho các đại biểu tới hết, và trong lúc chờ, Kiệt kiên trì không lộ chút ý định thực sự của bản thân nào.

- Chào tất cả các đại biểu tới dự cuộc họp hôm nay!- Mở đầu cuộc họp, Kiệt đứng lên, chào hỏi một hồi

- Kiệt à, cháu muốn nói gì đây?- Cả Bá hộ Đào lẫn Đỗ Bá Xuyên đều giục giã. Hai người này, một là địa chủ, một là phú thương, coi lợi nhuận làm đầu, việc phải chờ nửa tháng trời cho một cuộc họp thế này, mà có khi chỉ là chia ít lợi nhuận, sao có thể thích thú cho được.

- Hôm nay cháu mời tất cả cùng tới đây, là vì có một chuyện rất nghiêm trọng đã diễn ra, đó là cháu phát hiện được một nguy cơ cực lớn trong nền kinh tế của ta, thứ có nguy cơ làm làng và những ai liên quan chịu một thiệt hại nghiêm trọng. Đó là việc có một số người không đóng góp nhưng lại hưởng một lượng tiền tài cực lớn, làm thâm hụt tài chính của làng và hệ thống.

- Nếu là nguy cơ thì chỉ cần giải quyết mà, phải không? Cắt giảm chi tiêu cho chúng đi!- Một đại biểu đứng lên nói, giọng giễu cợt, vì

- Chưa thể làm vậy ngay được đâu!- Kiệt phủ quyết- Hiện tại làng Hồng Bàng và hệ thống đang có lượng người dôi dư lên tới hàng trăm người. Họ đều là phụ trách quản lý hoặc nhân công cao cấp, việc họ đang làm ta chưa thể tạo ra số lượng lớn để bù đắp. Mà ai trong số họ cũng sẽ không muốn đi làm lao động tay chân tầm thường như dân chúng, rất khó đấy. Từ nghèo lên giàu thì dễ, giàu quay về nghèo thì thấy khó. Đã thế, họ không chỉ là dân làng ta, ắt sẽ cảm thấy chúng ta đang bóc lột họ. Kẻ thù đang lăm le, nếu chúng nhảy vào kích động, khiến họ xa lánh ta, thì hẳn các chú còn nhớ tới vụ buôn gạo khi xưa chứ.

- Cái cậu đang nói là gì vậy? Tôi chỉ thấy mỗi cậu Minh thôi mà!

- Nếu như chỉ là vì chuyện anh trai cháu, thì một cuộc họp mở ra để làm gì chứ. Sau đây, xin mọi người phải thật kiềm chế, vì ta sắp phải nhìn vào khó khăn trong thuận lợi, phải tránh bị lợi ích che mắt. Các vị, cháu xin hỏi một câu, là hiện tại làng ta lợi nhuận thế nào

- Vẫn rất cao, cho tới khi tên Hoàng Anh Minh gây chuyện.- Nhiều người đồng thanh nói

- Đúng vậy! – Kiệt cười, lấy ra một đống sổ sách. Phụ trách giải thích đống này là Trần Cường- người trước đây theo Minh đi học rồi chuyển sang phụ giúp Kiệt. Bố của Trần Cường là chức quan phụ trách tài chính nên mấy vụ này hắn khá rành. Tổng hợp các số liệu mà Kiệt cho thu thập lại và vẽ biểu đồ ra, có thể thấy bất chấp việc nền kinh tế của Hồng Bàng phát triển liên tục trong các năm, thì tỉ lệ phát triển và nguồn tài chính tích lũy được giảm sút liên tục.

- Có 3 nguyên nhân chính. Một là sự bão hòa của thị trường, hàng ta làm ra, người khác cũng làm ra, dần dần không còn độc chiếm được nữa. Hai là việc sản xuất dần đình trệ, lượng nhân công gián tiếp: kế toán, thanh tra, thủ quỹ,... tăng dần lên, đặc biệt tại các khu vực mà làng Hồng Bàng không thể kiểm soát chặt như tại làng Triêm, làng Nhâm, các làng phía bắc, rồi các cơ sở kinh doanh ở huyện thị Sơn Hải, huyện Thanh Sơn, đặc biệt là tại Trung tâm môi giới việc làm trên Châu Nam Bình, mọi thứ càng khỏi nói. Nguyên nhân sau cùng và quan trọng nhất, là ta đã phải cống nạp quá nhiều cho đám quan lại khắp nơi.

Những điều này ai ở đây cũng biết phần nào rồi, nhưng giờ khi nó được tổng hợp lại, tất cả đều mới thấy được tầm quan trọng và nguy hiểm của các vấn đề này. Thị trường bão hòa, khách hàng không còn nhiều thì tức là lượng hàng bán ra sẽ ít dần đi, tiền kiếm ít dần đi. Người ăn bám nhiều, thì tiền làm ra ít mà phải chia nhiều, lâu dần sẽ thiếu. Cuối cùng, là lượng quan lại bâu quanh đòi ăn chầu ăn chực thực sự quá nhiều, có ngày sẽ ăn sụp làng Hồng Bàng.

Tất cả nhao nhao lên đòi hỏi việc kiểm tra. Rất may, kiểu sổ sách và sơ đồ này mọi người đã đọc quen, đọc một hồi, không thấy sai sót gì, cũng hiểu được Kiệt không hề có ý định nói dối gì cả. Nguy cơ là sự thực.

- Kiệt, cậu đã có ý tưởng gì chưa?



- Cháu không phải không có ý tưởng gì, nhưng không phải mình cháu có thể hoàn thiện được, sức người có hạn, nên cháu phải mới mọi người cùng tới họp.

Kiệt mời mọi người phát biểu trước, cuộc họp diễn ra rất là hỗn loạn, mọi người hoặc công khai đề xuất ý kiến hoặc là quay sang chỗ nhau để mà thảo luận riêng. Kiệt không quan tâm tới khung cảnh này, cậu thỉnh thoảng trao đổi với vài người, nhưng ý kiến cơ bản vẫn rất chung chung, thường là phản bác vài quan điểm sai lầm, chứ không đưa ra thêm ý kiến gì cả. Nhưng như vậy là đủ rồi, Kiệt qua việc bác bỏ một vài ý kiến sai lầm, hoặc tiếp thu vài ý kiến bất ngờ kiểu thông minh đột xuất của ai, cũng từng bước tự xây dựng cho mình bản kế hoạch hoàn chỉnh. Còn trong hội nghị, 3 cách giải quyết được đề xuất.

Cách thứ nhất là tận dùng Bùi Đắc, tay kiểm soát trại giam. Họ sẽ tận dụng nguồn nhân công giá rẻ- các tù nhân ở đó để giảm chi phí sản xuất.

Cách thứ hai là buôn lậu với cướp biển. Bọn cướp biển như Ebisu đâu còn là điều quá bí mật và dân Hồng Bàng cũng phần nào nguôi ngoai nỗi hận, giờ phải lo cho kinh tế hơn. Theo họ biết cướp biển có hàng hóa trao đổi, cần thuốc men và lương thực. Đem đống hàng bọn nó cướp bóc để buôn bán cũng hay. Lại có thể nhờ chúng bán lậu hàng của mình làm ra để trốn khoản thuế.

Cách thứ ba, là cậy nhờ uy của Phú Tăng An, khiến bọn quan nhỏ không dám ăn nhiều như bây giờ nữa. Ở khoản này thì mọi người lại cảm thấy nhân họa đắc phúc, Minh không gây chuyện có khi họ không có cơ bám lấy ông ta ấy chứ.

Thấy cuộc tranh luận đã dần ngã ngũ, Kiệt lúc này mới đứng lên giành vai diễn chính. Cậu ta chỉ ra điểm mạnh yếu của các phương án, và phủ định phương án đầu tiên. Việc sử dụng các nhân lực giá rẻ kiểu như tù nhân đúng là lợi ngay được khoản tiền trước mắt, nhưng hại về sau rất lớn. Nhân lực này giống như nô lệ, chỉ làm không tiêu thụ, làm đứt đoạn dần nền kinh tế khỏe mạnh. Phương án này thay bằng phương án tinh giản biên chế. Còn phương án hai và ba tận dụng cái ưu, đó là thay vì buôn lậu hoặc trao đổi hàng ăn cướp trực tiếp, họ sẽ làm gián tiếp ở Phố Đêm, đồng thời tận dụng uy của Phú Tăng An để ngăn quan quân tới làm phiền các vụ giao dịch. Riêng phần đút lót, mọi thứ chưa thể dứt ngay, mà chỉ thay đổi phương án đút lót, từ đút lót trực tiếp sang hình thức nhập cổ phần, để các quan lại địa phương đưa tiền vào trong các thương vụ của làng Hồng Bàng, ăn chia lợi nhuận sau. Như thế thì họ có tiền xoay vòng vốn thêm, mà các quan cũng từng bước tham gia sẽ phải hỗ trợ họ. Mà vụ này làng Hồng Bàng cứ nói rằng tạo quan hệ cho họ với Phú Tăng An, mấy ông quan kia chả mừng quýnh.

Ba giải pháp có thể làm đồng bộ song Kiệt chủ trương trước tiên phải tinh giản biên chế cái đã. Cậu cho rằng làng Hồng Bàng nên lấy khó khăn làm đá mài dao, khiến làng Hồng Bàng thành một cây đao tốt hơn. Với việc kết hợp với Phú Tăng An, dù phải mất kha khá tiền của cho tên này, nhưng làng Hồng Bàng bớt nỗi lo bị hất cẳng bởi các quan chức cấp thấp hơn, nhất là Tri Châu Nam Bình, thành chủ thành An Định Lương Vũ Phong do tên này luôn muốn ngăn cản sự trỗi dậy của làng Hồng Bàng. Với việc tinh giản biên chế, thực chất của nó là đánh giá lại hệ thống làm việc của làng Hồng Bàng, phân loại công việc rồi xem có việc nào đang bị chia ra cho quá nhiều người, tạo nên hiện tượng người ăn bám, rồi loại biên họ.

Việc làm này từng bước làm gia tăng hiệu suất của công việc, nhất là ở cấp quản lý, nơi không trực tiếp làm ra của cải, nhưng ăn lương không nhỏ. Tất nhiên, khi tinh giản biên chế thế này, bước đầu sẽ có sự bỡ ngỡ khi lượng công việc nhiều lên mà người ta chưa làm quen ngay, hiệu suất giảm xuống. Rất nhiều người đã lấy lý do này để đề nghị Kiệt tạm dừng tinh giản biên chế, quay lại như cũ.

Lường trước tình huống này, Kiệt đã có nhiều bước phòng bị. Trước hết, các vị trí tinh giản biên chế không đồng loạt diễn ra, mà tập trung chủ yếu tại làng Hồng Bàng, nơi sức ảnh hưởng của Kiệt vẫn mạnh, hai họ Đào- Đỗ cũng chưa giở mặt ngay. Vừa tiến hành tinh giản biên chế, Kiệt vừa cho mấy thanh thiếu niên trong làng, đặc biệt là con cháu 3 họ Hoàng, Đào và Đỗ tới cùng tham gia làm thử, để lấy kinh nghiệm, đồng thời chuẩn bị cho việc sau này. Còn những người bị cho thôi việc, Kiệt cũng tìm việc làm mới cho họ, không để họ bị mất việc hiện tại mà bị nghèo khổ. Các công việc mới đều là việc quan trọng cho làng trong thời gian sắp tới: kiểm soát các nhà trạm giao dịch để vận hàng hóa từ những cửa hàng nhỏ rải rác tại Châu Nam Bình lên Phố Đêm, đảm bảo giao thông vận tải thông suốt, rồi hàng hóa không bị thiếu hoặc ứ đọng,...

Qua một thời gian khó khăn, mọi việc dần hanh thông, công việc trôi chảy đi dù dùng ít người hơn, tiền để nuôi họ không nhiều, tăng lương dễ hơn, tích lũy của cải cũng dễ. Những người bị tinh giản biên chế được điều đi làm việc tay chân, lao động trực tiếp. Hoàng Anh Kiệt lúc này bắt chước việc biến pháp Thương Ưởng, là trả công cho người lao động trực tiếp tiền lương cao hơn bên lao động gián tiếp.

Các ngành nghề nông nghiệp, công nghiệp, vận tải cơ bản như trồng lúa gạo, rau củ, chăn nuôi, nuôi ong lấy mật,trồng hoa, cây cảnh, rồi tới chế tạo máy móc, sản xuất công cụ, nông cụ, nghề xây dựng, làm đường, đánh xe trâu hay đi thuyền chở hàng hóa.... và đều được kích thích mạnh do lượng nhân công tăng mạnh.

Hàng hóa đa dạng và nhiều về số lượng, vận tải thuận lợi là điều làng Hồng Bàng hay quảng cáo chúng với các thương nhân hay tới Phố Đêm ăn chơi. Những thương nhân này sau một thời gian xem xét, thấy điều này quả có thực, thì mới tới mua bán vì các mặt hàng làng Hồng Bàng bán ra không quá hiếm lạ, chỉ có nguồn hàng dồi dào, vận chuyển thuận lợi thì mua bán mới làm lâu dài, từng bước kiếm lời dài hạn. Có những thương nhân này giúp mua hàng, hàng hóa làng Hồng Bàng lan ra khắp Phủ Tân Bình, tốc độ tiêu thụ tăng trở lại, tiền về nhiều lên hẳn.

Lượng tài chính đổ về được chia ngay cho mọi người, coi như là bằng chứng khó ai chối cãi được tính khả thi và sự cần thiết của tinh giản biên chế với việc phát triển làng Hồng Bàng. Chẳng những thế, nguồn lợi mang lại cho mọi người cũng lớn hơn nữa, không ai bị hại nhiều như họ tưởng, chỉ là giờ phải làm việc chuyên tâm hơn thôi. Mà dân chúng ấy mà, bịt mồm thở bằng mũi, bịt một lỗ mũi thở bằng lỗ mũi còn lại, chỉ khi bị bịt chặt không thở nổi mới giẫy ra. Cải cách của Kiệt trong vấn đề biên chế hóa ra cũng chỉ là đeo cái khẩu trang, lúc đầu không hiểu, mãi rồi cũng quen, người dân sẽ khen là đeo khẩu trang thì chống bụi nữa chứ.

Khi làng Hồng Bàng làm gương và được lợi rồi, Kiệt bắt đầu vươn tay ra những chỗ xa xôi hơn, từng chỗ từng chỗ một. Lúc này cho dù vẫn có người cảm thấy không muốn từ bỏ lợi ích cũ, thì cũng không lật ngược thế cờ được nữa. Làng Hồng Bàng cứ làm ở nơi dễ bảo, xong mới tới chỗ những kẻ cứng đầu, sau đó buộc bọn nó lựa chọn, hoặc làm theo, tinh giản biên chế sẽ được giữ lại phần nào lợi ích khi người ở lại vẫn là người của họ, hoặc làng Hồng Bàng rút khỏi đó, tập trung sang nơi ngoan ngoãn hơn. Phương pháp chia để trị này làm dân các vùng khác không đánh tự tan, tinh giản biên chế thành công từng nơi một.
Hãy đăng nhập để bình luận !
icon comment - bình luận