Hồng Bàng Lập Quốc Ký Rewrite - Chương 165: Ra khơi

Hồng Bàng Lập Quốc Ký Rewrite Chương 165: Ra khơi
Chuyến hải trình lần này Kiệt đi, không chỉ để cố gắng tìm thị trường, Kiệt cũng cố gắng hết sức làm sao để có thể xây dựng được bản đồ hàng hải tốt nhất, các tuyến đường hàng hải ngắn để vận tải hàng hóa. Kiến thức cậu có được ở thế giới cũ cho cậu ta một cái nhìn hơn hẳn con người ở thế giới này mà. Dẫu vậy, vẫn có những điểm yếu mà Kiệt chưa thể khắc phục, mà trước hết là yếu tố kỹ thuật. Kiệt đã có ý tưởng để thử đo kinh độ, vĩ độ, nhưng cậu làm mãi không được những thứ cần thiết để thực thi ý tưởng này, nên sau cùng phải chịu bỏ cuộc. Thay vào đó, cậu chỉ mong làm sao gặp gỡ được những nhà buôn giỏi để tìm hiểu thêm về các tuyến đường biển và các vùng đất mà thôi.

Lần này đi cùng Kiệt, làng Hồng Bàng cử đi một đội ngũ khá đông đảo, với gần 10 người, với 3 nhân vật thuộc dạng số má nhất: Đào Văn Bắc, La Khang và Triệu Bỉnh. Đào Văn Bắc, La Khang đều là bạn ngày nhỏ của Kiệt, Đào Văn Bắc có thời gian làm việc công nghiệp, kiến thức tạm đủ để đôi khi thay Kiệt giao thiệp, La Khang là con dân đi biển, có đôi chút kiến thức khi đi trên biển, phòng sự bất trắc, còn Triệu Bỉnh được đem theo là bởi cậu ta là người có tay nghề kỹ thuật rất khá, Kiệt nghĩ rằng lần này đi xa, nếu chẳng may có cơ hội bất ngờ gì đó có khi có thể dùng cậu ta ngay, cứ phòng bị cho chắc. Đội ngũ còn lại, có 3 người phụ trách đảm bảo an ninh cho Kiệt, 2 người phụ trách việc vấn đề kinh tế, 2 người khác giữ kho hàng mang theo để trao đổi, và 1 nhân vật thủy thủ riêng của đội: Vũ Lê, người thủy thủ ngày trước làm ăn với làng Hồng Bàng, từng báo tin khi cướp biển của Ebisu tới tấn công ( chương 59).

Khi nhìn qua đội hình thế này, nhiều kẻ cảm thấy Kiệt làm quá lố, bởi cậu ta không hề đi thuyền với Ebisu, cậu cùng với đám người do Phú Tăng An, Thái Chí Phú cùng với Lã Xưởng cử đi ngồi đội thuyền 2 chiếc khác, bọn Ebisu ngồi hai chiếc thuyền khác. Thuyền này là thương thuyền của quan lại Đại Hoa thầu, có cờ hiệu đàng hoàng, có quân lính bảo vệ, lại luôn đi gần bờ biển, có gì dễ tự vệ, thật không quá đáng lo. Vì là chuyến đầu tiên thăm dò thị trường, hàng hóa không mang nhiều, mang đa dạng, kiểu cầu âu, biết đâu có chỗ cần thứ hàng này thì sao.

Đúng ngày đúng giờ, gió thuận hướng nam, đoàn thuyền hai chiếc với sự dẫn đầu Ebisu dẫn xuất phát. Hai chiếc thuyền đi không quá xa bờ biển là bao. Nguyên nhân chính là bởi họ phải lấy bờ biển làm tham chiếu và sẵn sàng vào trong tránh gió bão. Thời này dù cho có la bàn và có thể nhìn sao trời, mặt trời để phán đoán phương hướng, nhưng do bản đồ hàng hải không có, người ta gần như không thể hình dung ra được con đường cần đi, cần đi về hướng nào tiếp nữa để tới địa điểm này. Cũng vì thế, các chuyến hải trình thường kéo dài.

Thuyền ra biển được vài hôm, tất cả những người ngồi trên thuyền còn cảm thấy tạm ổn, nhất là ở làng Hồng Bàng, từ lúc bắt đầu cả bọn đã được chuẩn bị, thường xuyên ngồi mấy chuyến thuyền đi gần bờ. Song dần dần theo số ngày đi biển tăng lên, nhiều người bắt đầu say sóng biển, không thể ăn cơm nổi. Lúc này chưa có thuốc chống say nên ai cũng phải cắn răng mà chịu. Cảm giác khốn khổ này khiến nhiều người như muốn bỏ cuộc ngay. Những người duy nhất chịu đựng được, chính là những người thủy thủ và lính trên tàu, do họ đã quen với cuộc sống kiểu này. Nhìn đám vịt cạn ốm xanh người, đám thủy thủ và lính biển cười khẩy. Bọn này muốn kiếm lời mà ra biển, lại không chịu hiểu rằng bản thân không có khả năng, giờ phải chịu khổ rồi.

Thuyền trưởng thấy cảnh mấy người này ốm tưởng chết, liền đề nghị cho thuyền vào bờ tạm nghỉ mấy hôm, tất cả như được đại xá. Khi thuyền cập một bến ở Trấn Hoài Nhân, địa phận cực nam của Nam Giao Đô Ty, mấy người trên thuyền nhảy xuống đất, mừng như chết đi sống lại, có người còn hôn cả đất nữa. Và sau khi xuống đất, nghỉ ngơi vài ngày, không mấy người còn đủ can đảm tiếp tục bước chân lên thuyền ra khơi lần nữa. Cái cảm giác kinh khủng đó thực sự làm họ kinh hãi. Một cuộc bàn luận diễn ra sau đó, hai vị thuyền trưởng đều tức tối vô cùng, nếu như không đi tiếp thì lỡ việc mất, tiền ăn uống hàng ngày vẫn tốn như vậy, mà lại không được việc gì?

Sau đó, Kiệt đề nghị ai đi được cứ cố đi, ai không chịu nổi nữa thì lấy một phần hàng hóa xuống đây, bán hàng, tự cung tự cấp tới khi họ về. Dù gì nơi đây cũng vẫn thuộc hành chính Nam Giao Đô Ty, chỉ cần cho người tới trao đổi chút ít với quan bản xứ là ổn. Với những người ở lại, họ hãy thâm nhập tìm hiểu tình hình kinh tế, nhu cầu hàng hóa ở nơi này như tìm hiểu một thì trường xa lạ, có khi sau này lại dựa vào mớ kiến thức này được đấy. Ý kiến của Kiệt được hưởng ứng ngay, tạo một cái cớ hợp lý cho những người muốn ở lại, họ phân chia hàng hóa, không mang xuống quá nhiều, song cũng phải đủ để mà trao đổi một chút, tạo vốn xoay vòng. Trong cuộc chia người, lực lượng gần như toàn vẹn nhất là làng Hồng Bàng, không ai bỏ cuộc cả.

Tới lúc này, Kiệt mới bắt đầu trổ tài. Cậu ta kiếp trước không phải người quá khỏe mạnh, thường xuyên say tàu xe, nên lắm lúc cũng lên mạng tìm hiểu cách chống say. Ở thời này, có 3 cách áp dụng được: bấm huyệt, vòng chống nôn, uống nước gừng. Bấm huyệt học với lão thầy bói Chu Xuân Đạo, khi dạy võ lão cũng dạy kỹ về huyệt đạo, và bài học về dùng xoa bóp làm mềm cơ thể, tự chữa lành cũng đề cập cẩn thận tới việc cần chú ý huyệt đạo nào, nên Kiệt làm tốt. Riêng những thứ như nước gừng, vòng chống nôn thì đã được thử nghiệm ngay từ những lần đi biển ngắn ngày, chọn người hay say tàu biển nhất để thử . Lúc lên thuyền, cả hội Hồng Bàng mang sẵn chúng trong hành lý cá nhân và hòm đồ riêng, khi cần mới lôi ra dùng. Với mấy biện pháp này, dù vẫn say, nhưng ai đã khá hơn. Hóa ra Kiệt muốn loại bỏ bớt một vài người khỏi chuyến đi để tránh những ánh mắt dòm ngó hòng bắt chước việc làm ăn. Bớt một con ma là bớt một bát hương.

Chuyến đi tiếp tục, đôi khi đi dài hơi mấy ngày không tấp vào bờ, những người cắn răng đi tiếp hối hận muốn lên bờ lắm, nhưng không được nữa rồi. Giờ đây họ đã rời khỏi lãnh thổ cuối cùng của Nam Giao Đô Ty, bắt đầu từ đây là đất của các tiểu quốc Chiêm Thành. Nếu họ dám bước lên nơi đó mà không đi đủ hội, rất dễ trở thành miếng mồi ngon cho những thế lực bản địa hoặc bọn cướp nào đó. Mọi người cắn răng chịu cảm giác mỏi mệt, chuyện tồi tệ tới mức có người đã chết vì nhảy xuống biển do không chịu nổi cảm giác bệnh bệnh và nỗi nhớ cảm giác được đi trên đất liền. Căng thẳng từ đó leo thang, một vài người dường như muốn gây sự đánh nhau trên thuyền để giảm bớt căng thẳng đi. Quân lính và thủy thủ trên thuyền liên tục phải nắm chặt vũ khí phòng chuyện bạo loạn, còn người làng Hồng Bàng cũng luôn ở tư thế cố thủ phòng mình, hạn chế tiếp xúc các đối tượng khác, tránh bị tâm lý đám đông. May sao, đúng lúc này thì thuyền được cập bến. Lần này, sự hân hoan đến với tất cả mọi người, cả những thương nhân đi biển lần đầu lẫn các binh lính và thủy thủ đoàn, cả người làng Hồng Bàng nữa. Để xả hết những bức bối trong lòng, họ lên bờ ngay lập tức, tìm quán nhậu nào đó để uống, rồi cả những kỹ viện rẻ tiền để giải tỏa căng thẳng.

- Đừng ai có ý định đi chơi gái, coi chừng bệnh giang mai đó!- Kiệt nói ngay khi cả hội xuống thuyền. Thời này người ta chưa hiểu hết về căn bệnh này, chỉ biết nó lây qua việc quan hệ tình dục bừa bãi, không có thuốc chữa và trông vô cùng kinh tởm, Kiệt dùng điều này để uy hiếp họ. Kiệt là người tới từ một thế giới nơi quyền phụ nữ được coi trọng, mại dâm là bất hợp pháp, nên nếu có thể ngăn cản mại dâm, cậu ta không ngại ngăn cản.

- Vậy bọn mình đi đâu đây? Không lẽ ngắm trời ngắm đất ngắm mây à?



- Vào mấy khu chợ, tôi có trò mới, làm thử cho biết!- Kiệt bảo. Tất nhiên nhu cầu thư giãn tinh thần là cái nhu cầu hoàn toàn chính đáng, và miễn không phạm vài luật cơ bản thì cứ làm nó thôi.

Gọi theo một người thủy thủ để anh ta phiên dịch hộ- những thủy thủ đi cùng lần này có năng lực ngoại ngữ cũng khá, còn không cũng biết chỗ nào có người có thể phiên dịch để dịch qua lại. Kiệt cùng người thủy thủ tìm tòi một hồi, kiếm được mấy cái thùng gỗ lớn đủ một người ngồi tắm, rồi các loại hương liệu, lá thơm, rồi tìm mấy người phụ nữ to cao vạm vỡ, tuýp người chắc chắn không ông nào thích nổi, rồi nhờ họ giúp tắm rửa. Đây là một phương thức massage cậu từng nghe: tắm với nước nóng, đấm bóp, xông hương liệu, chườm đá nóng,... Hết một buổi, cả bọn thoải mái hẳn cả người, cả tay thủy thủ cũng trầm trồ khi được hưởng ké. Hắn thậm chí còn cảm thấy có lỗi khi ban đầu thấy nhóm Kiệt không đi chơi gái, thường đám dẫn đường sẽ được hưởng xái chút, đám Kiệt không đi kỹ viện thì hắn cũng không sướng, nhưng giờ sướng hơn nhiều.

Hành động của làng Hồng Bàng chẳng mấy mà được lan truyền khắp đám thủy thủ, quân sĩ. Vốn cũng chẳng thoải mái gì khi phải sống trên biển, tiền lương không thừa thãi tới mức đi nổi kỹ viện, phương thức thư giãn mới này hóa ra lại là hợp, các bác gái to khỏe kia thuê chỉ mất tí tiền, mà lại đông, chỉ cần hỏi rõ các phương thức làm hương liệu, đá chườm cần khoảng bao lâu, nóng khoảng nào,... Kiệt không giấu diếm gì, chỉ dẫn tận tình lắm, nên được đám lính và thủy thủ thân thiết.

- Không phải cậu đã tính tới việc này ngay từ đầu chứ?

- Làm nhà buôn mà không biết tính toán thì làm sao giàu được hả?

- Vậy mà cậu còn chia sẻ đống kiến thức này ra, có khi nào nơi này nhờ thế giàu lên, còn cậu chả được gì không?

- Hình thứ mát-xa này chỉ là mấy trò cơ bản thôi, về sau anh sẽ còn làm nhiều cái hay hơn. Cái quan trọng là mấy người thủy thủ, binh lính này này. Tập trung khai thác tin tức từ họ đi, đôi khi chúng ta sẽ khai thác được một mỏ vàng chứ chẳng chơi. Nhớ đấy, tin tức là tài nguyên.

- Bọn em hiểu rồi!

Do thời gian dừng lại lâu hơn bình thường, bởi binh lính cùng thủy thủ đều muốn tận hưởng trò vui mới, đội thuyền thống nhất là thử đem một chút hàng hóa ra trao đổi thử ở đây, xem liệu có thể tới đây mua bán trực tiếp không. Nếu giá cả thích hợp, mang lại được chút lãi lớn nào đó, thì họ sẵn lòng bán phứt đi rồi biến về ngay, coi như một chiến công lớn. Hành vi của đám người này khiến Kiệt phải lo lắng, nếu họ bán được và quay về ngay, Kiệt cũng sẽ phải quay về cùng, thuyền đâu phải phục vụ mình cậu. Còn việc chuyển thuyền đi cùng đám Ebisu, bố bảo Kiệt cũng không dám, nó chở mặt thì bỏ mẹ. Thôi đành hi vọng bọn họ bán không được hàng, chứ không chuyến hành trình bắt đầu chưa quá hai tháng đã kết thúc mà không đi tới đâu và là một thất bại lớn của Kiệt mất.

Lo lắng này của Kiệt được giải tỏa ngay tức thì, vì dân chúng ở đây không quá chuộng hàng kiểu này, người nghèo thì cầm lên đặt xuống, kẻ giàu thích dùng đồ nội hơn. Hàng hóa họ mang phải bán nhiều mới lãi, bán ít coi như lỗ, mà giờ số lượng không quá nhiều, nên thôi. Đội thuyền không còn cách nào khác, lại phải tiếp tục lên đường. Có điều, thời gian đoàn buôn ở lại vùng đất của các tiểu quốc Chiêm Thành này và bán hàng đã khiến họ bộc lộ một vài vấn đề, trong đó quan trọng là sự xuất hiện của các binh sĩ trên thuyền. Các quan lại của tiểu quốc Chiêm Thành này ban đầu cũng không muốn để ý bởi người Chiêm Thành không ngại việc giao thương buôn bán, ai tới bán hàng cũng được, miễn đóng đủ thuế. Có điều, khi được báo lại trên thuyền có binh sĩ từ Nam Giao Đô Ty, lập tức khiến vị quan có nhiệm vụ coi giữ cảng biển này cảnh giác. Cách đây không lâu, có một tin tức được ban hành tới các vùng, đó là phải coi chừng gián điệp từ Nam Giao Đô Ty tới tìm hiểu thông tin. Bất cứ ai phát hiện sự bất thường nào liên hệ với Nam Giao Đô Ty phải báo gấp. Thông tin này có tín hiệu khẩn cấp, nên quan cai quản lập tức cho thuyền hỏa tốc đi báo cáo liền.
Hãy đăng nhập để bình luận !
icon comment - bình luận