Hồng Bàng Lập Quốc Ký Rewrite - Chương 389: Nguy thành (10)

Hồng Bàng Lập Quốc Ký Rewrite Chương 389: Nguy thành (10)
Trên mặt đầm Thị Lị Bị Nại, thủy quân Chiêm thu dọn chiến trường. Trận chiến tối qua, quân Chiêm cơ bản là thắng, đưa thuyền chở lính và vũ khí công thành vào bờ, đánh đuổi tàn quân thủy quân Hoài Nhân không cho chúng phá hoại công việc. Tới khi trời sáng rõ, việc càng thuận lợi, trong đầm Thị Lị Bị Nại, quân Chiêm chiếm ưu thế, các thuyền chở lính biến thành chiến thuyền, gia nhập việc chiến đấu. Cũng không cần gì nhiều, một vài cú đâm va, khiến thuyền quân Hoài Nhân bị chậm lại, rồi thuyền chiến ập vào giải quyết, quá đơn giản.

Tự liệu không thể cự địch, Ebisu, Lý Vĩnh Khuê phá vây mà chạy ra khỏi đầm Thị Lị Bị Nại, hướng về phía bắc. Còn may, tuy rằng bọn cướp biển cũng đóng quân ở phía bắc, nhưng thuyền của chúng bị phá hủy khá nhiều, nên không đáng lo. Chỉ là thành Đại Định e rằng không giữ được. Lúc nãy, Lý Vĩnh Khuê có để thám tử đi thuyền nhỏ men một lạch nước vào bờ thám thính, và đội thám tử báo lại, địch có máy bắn đá, tháp công thành. Có những loại khí giới như vậy, là chúng chuẩn bị kỹ càng, chỉ e trong sáng nay nhất định phá thành.

- Khốn kiếp, bọn khốn đó!- Lý Vĩnh Khuê đã bại thật rồi. Kẻ địch tính cao hơn hắn một nước, chúng hẳn đã đoán được kế của hắn mà tính kế lại.

- Chú à, thắng bại là sự thường của binh gia!- Lý Huệ Trân thấy chú mình thần sắc có phần thê lương, vội an ủi. Nhưng Lý Vĩnh Khuê vẫy tay, ngay lập tức lấy lại sự bình tĩnh.

- Thông báo với Ebisu, chúng ta hội quân tiến ra bắc ngay,

- Rõ!

Ebisu rất nhanh đi thuyền qua gặp Lý Vĩnh Khuê, hỏi xem kế hoạch sắp tới. Khuê không giấu diếm tin tức về quân Chiêm chuẩn bị khí giới công thành rồi.

- Chúng chuẩn bị như thế, thành Đại Định sẽ khó giữ, thậm chí, không qua nổi hôm nay. Ít nhất ngày mai bộ binh mới quay về.

- Có khi nào có thể phối hợp với họ đoạt lại thành Đại Định.

- Khó lắm! Địch đã có thể chuẩn bị kỹ càng như này, chúng sẽ không sơ suất thế đâu. Tốt nhất là ta nên sớm tìm họ, báo tình hình này để liệu sự kịp thời.

- Ông muốn làm gì?



- Ta rút quân ra bắc đánh diệt lũ cướp biển, lập căn cứ ở đó, liên lạc với phía tây và phủ Tân Bình. Phải lập công chuộc tội.

- Lập công chuộc tội? Tội nào?

- Tội để kẻ địch đổ bộ được lên cảng Thị Lị Bị Nại! Tất cả những kẻ còn sống sẽ đổ tội đó cho chúng ta.- Lý Vĩnh Khuê nói một nửa, nửa kia là vì bản thân. Kế hoạch dụ địch là của hắn, nếu như trị tội, hắn bị trị đầu, phải lôi kéo thêm nhiều đồng minh nữa, lập đại công thì mới có cơ hội lật người.

Lý Vĩnh Khuê cùng Ebisu nói một hồi, Ebisu thuận theo, cùng lên phía bắc và tìm cách bắt liên lạc quân đội đang quay lại. Ngoài ra, họ cũng cho người đi một thuyền nhỏ tìm cách về nam để báo cho cha con họ Đặng biết tình hình mới, nếu cứ mặc kệ, quân đội phía nam có thể toàn diệt, báo tin, chạy được người nào hay người nấy.

Ở trên bờ, quân Chiêm tổng lực tấn công, lính liên lạc huy động lệnh kỳ, tay trống dùng sức gõ, tiếng trống nổ vang như tiếng sấm, quân Chiêm dưới thành hoặc đang mải bắn tên nỏ, hoặc đang chuẩn bị leo lên tháp công thành, nghe tiếng trống liền vội vàng biến trận, nhường đường cho quân tinh nhuệ. Đó là đội quân công thành cảm tử của Vitariji. Quân cảm tử trèo mang thang mây, xuyên qua khe hở đội hình, tiến sát tường thành.

Nghe đến dưới thành tiếng trống trận, đầu tường quân coi giữ tâm hoảng ý loạn, Lữ Liêm luôn miệng gào thét, hạ lệnh kích trống, yêu cầu các tướng sĩ tiến lên phản kích. Ngắn ngủi trong tầm nửa canh giờ, Lữ Liêm từ chỗ thong dong thì nay khí độ đó đã biến mất không còn thấy bóng dáng tăm hơi, giờ hắn như một con thú bị nhốt ở trên tường thành qua lại bôn ba, tuyệt vọng la to, thậm chí mệnh lệnh thân vệ rút đao chém giết bất kì ai có ý sợ. Những điều này không phải không có tác dụng, nó có tác dụng hấp dẫn sự chú ý của các tay xạ thủ giỏi bên Chiêm Thành. Liên tiếp có người nhắm vào Lữ Liêm mà bắn. May mà họ Lữ ở vào giữa thành, khoảng cách quá xa, bên cạnh lại có thân vệ tận lực bảo vệ, mới không có bị bắn giết.

Nhưng cục diện đã mất không chế, từ các hướng, quân Chiêm phát động tấn công, từ thang mây và tháp công thành, các tử sĩ ào ào leo lên, các binh sĩ giữ thành dần bị đẩy lùi, trơ mắt nhìn địch chiếm thành. Quân Chiêm đánh trên đầu tường, đánh sụp tinh thần của quân coi giữ. Tinh thần chiến đấu tan vỡ, có người xoay người chạy trốn, có người quỳ xuống đất đầu hàng. Quân Chiêm như nước thủy triều tràn khắp thành, khống chế tường thành, mở cửa thành ra và kiểm soát các trạm gác.

Cửa thành ầm ầm mở rộng, đại quân Chiêm kéo vào trong, các viên tướng với vẻ đắc thắng tiến vào ngắm nhìn Đại Định. Một viên tướng Chiêm lắc đầu:

- Tòa thành tốt đấy, tiếc là không có tướng giỏi trấn thủ!- Y nói và nhìn về phía Lữ Liêm đầy cay độc.

Lữ Liêm mặt mày xám xịt, chấp nhận thất bại, không dám phản kháng. Y không phải võ tướng, y là một quan viên, một Tổng Trấn, y biết lúc này là lúc phải nhún mình.



- Tổng Trấn Lữ Liêm, không cần phải quỳ làm gì. Ngài là Tổng Trấn do thượng quốc phải tới, với tiểu quốc chúng tôi chính là khách quý, nếu quốc vương tới, cũng phải chào hỏi!- Viên đại tướng Phaman Lamba không chút ngạo mạn ra đỡ Lữ Liêm,, cho người mời ông ta quay về phủ riêng chờ đợi.

- Tướng quân!

- Chư vị, đây chỉ là một trấn của Nam Giao Đô Ty, ta thắng cũng không chỉ nhờ thực lực, còn nhò tình báo đặc biệt. Thắng rồi không phải hết, còn phải đánh nữa, đánh còn nhiều và ác liệt hơn. Thắng được cả Nam Giao không phải việc dễ, ta chỉ có vừa đánh vừa đàm, để giữ yên bờ cõi. Nhục mạ đối phương cho thỏa cái tôi thì dễ, nhưng về sau còn cần dùng người đó làm trung gian thì sao!- Phaman nhẹ nhàng khuyên giải chư tướng.

- Ngài nói không sai, lão tể tướng cũng từng nói thế mà tôi chỉ mải nghĩ báo ân báo oán!- Viên tướng Mahana Slabi vội nhận lỗi.

Trận thắng hôm nay, đúng như Phaman, là thắng nhờ may mắn, sau này ít có cơ hội thế. Khi bên Amira thông qua lũ cướp biển liên hệ với quân Chiêm, rất may là đang có một tướng Chiêm ở đó để đưa đồ cho bọn cướp biển. Y gặp Amira, nhận ra thân phận của cô nàng. Viên tướng liền trách cứ Hiên Giáo quên thù, giúp giặc. Amira một mặt phân bua là cướp biển giết chóc quá độ, ép cô ta không thể không ra tay, mặt khác lại nói cho người kia biết tin tức về kế hoạch của Lý Vĩnh Khuê.

Nghe xong kế hoạch của Lý Vĩnh Khuê, viên tướng nọ hỏi thật kỹ càng, rồi cấp tốc về báo cho chủ tướng. Thông tin này được báo khẩn. Các tướng lĩnh liên quân Chiêm Thành hội họp khẩn, cùng nhận định chung là đây là một độc kế. Cũng có người hồ nghi, liệu có phải là kế mà quân địch bày ra không, chúng muốn tung tin giả để khiến quân ta không dám hành động, để chúng điều quân tấn công lũ cướp biển.

Có người lại thấy không phải, vì Amira nói rõ lý do muốn cùng họ hợp tác, là vì không muốn quân Hoài Nhân đại thắng. Hiên Giáo là cái gai trong mắt quân Hoài Nhân, quân Hoài Nhân thắng xong, nhất định tới gây khó dễ cho Hiên Giáo. Hiên Giáo vì giáo chúng mà xuất quân đã có tổn thất, sẽ không đọ nổi quân Hoài Nhân. Đây là điều vô cùng hợp lý, rõ ràng, thắng lợi của quân Hoài Nhân không mang lại lợi ích cho Hiên Giáo.

Cuối cùng, chính viên tướng Phaman đề xuất kế hoạch tác chiến hiện tại, chỉ cần kẻ địch vừa xuất hiện tại chiến trường phía bắc là tức tốc đánh thẳng vào thành Đại Định. Chiếm được Đại Định, mọi thứ sau đó sẽ do họ quyết. Thành Đại Định là toàn thành kiên cố vốn dùng để phòng thủ, đánh hạ tuyệt không dễ dàng, nhưng nếu tin tình báo là thật, thì sẽ có lúc nó hụt mất khá nhiều lính. Đó là thời cơ của họ. Nếu như không biết cả kế hoạch, đợi tới khi địch tung tin ra mới biết, khi ấy tất vội vàng xung trận, ngược lại bây giờ chuẩn bị thật sớm, nên các thứ cần chuẩn bị đều đủ cả: máy bắn đá, tháp công thành, thuyền vận chuyển, phương án tác chiến phá hủy thủy quân địch,... Khi tin tình báo từ thằng cướp biển chạy thoát được bọn cướp biển thông báo, yêu cầu cứu viện, quân Chiêm biết đã tới lúc, toàn lực xuất động đánh vào Đại Định.

Quân Chiêm được quán triệt phải nhẹ nhàng, vì còn cần người dân giúp gia cố thành để làm cứ điểm, phòng đại quân Hoài Nhân quay về đánh phá, không được cướp bóc, giết hại, cưỡng bức gái nhà lành,... Việc chủ yếu là tước vũ khí quân Đại Định, kiểm soát kho tàng, vật tư,... Do việc công thành cũng xong sớm, không có quá nhiều thương vong, chỉ cần ra lệnh tịch thu kho lương và kho tiền của quan lại Đại Định là đủ để thưởng hậu cho binh sĩ.

Kế đó, quân Chiêm để một phần quân ở lại giữ thành, một phần khác tiến ra chiếm giữ các làng mạc lân cận, lại bố trí phòng thủ ở cảng Thị Lị Bị Nại. Không chỉ bố trí phòng thủ mặt bắc, mặt nam cũng phải bố trí. Thủy quân Hoài Nhân rút lui, thủy quân Chiêm phải bảo vệ cảng Thị Lị Bị Nại, địch có thể nhân thời cơ này liên lạc hai mặt nam bắc, ba hướng giáp công.

Quân Chiêm thực tế quá lo xa, quân Hoài Nhân ở 3 phía không quá đoàn kết, nơi nào cũng có người cầm đầu, quân phía nam của cha con họ Đặng, thủy quân có Lý Vĩnh Khuê và Ebisu, phía bắc thì là Phạm Thời Trực chỉ huy. 3 cánh quân này muốn hội binh thì không khó, nhưng phối hợp tác chiến lại không dễ. Ai đánh trước, ai chủ công, ai thừa cơ mà vào, không ai chịu ai hết. Lý Vĩnh Khuê biết thế, nên không tính việc hội binh ba phía, mà chủ trương rút lui về phía bắc chờ đợi.
Hãy đăng nhập để bình luận !
icon comment - bình luận