Báo Ứng Hiện Đời - Chương 126: 43. Dứt Ác Tu Thiện

Báo Ứng Hiện Đời Chương 126: 43. Dứt Ác Tu Thiện
Từ ba mươi ba tuổi tôi bắt đầu giảng kinh, đến nay đã bảy mươi hai tuổi, tính ra tôi đã giảng kinh thuyết pháp trên bốn mươi năm rồi. Nhưng hiện tại, tôi bị rất nhiều người hủy báng, tôi vui lòng chấp nhận hết, tại sao thế? Bởi ngay trong đời này thôi, hồi chưa biết Phật pháp tôi đã từng tạo khẩu nghiệp rất nặng!

Hồi chưa biết đạo tôi thường hủy báng Phật pháp, còn ngông nghênh tuyên bố rằng: “PHẬT GIÁO LÀ MÊ TÍN!”. Lúc đó tôi chỉ tin đạo Thiên Chúa và Hồi Giáo, vì tôi từng có hai năm ở trong Cơ Đốc Giáo, một năm nơi Hồi Giáo, nên ấn tượng của tôi đối với hai đạo này rất tốt, họ có những điều khiến tôi nể phục.

Còn Phật giáo thì tôi chưa có cơ hội tiếp xúc cũng chưa từng nghe ai giảng pháp Phật cho, nên tôi đâu biết gì! Bởi là kẻ bàng quan, lại mù trất về Phật pháp, nên tôi mới miệt thị “Phật giáo là mê tín”, mà đã xếp loại như vậy rồi thì tất nhiên tôi phải phá trừ mê tín… do đó mả tôi tạo ra những ác nghiệp rất nặng.

Nói theo nhà Phật thi tôi từng phạm trong ngũ nghịch (làm thân Phật ra máu) là tội đọa địa ngục Vô Gián. Hồi nhỏ ngu si vô trí, lúc đó nhằm thời kháng chiến chống Nhật, trường học có rất ít nên chúng tôi phải học trong chùa (vì chính phủ tịch thâu chùa làm trường học, đem chánh điện làm lễ đường, còn gian kế bên thì làm lớp học).

Do vậy người ta gom hết tượng Phật, Bồ Tát… bỏ vào một gian phòng dành làm nhà kho, bên ngoài dán giấy phong kín lại, họ làm thế kể cũng tốt. Nhưng bọn con nít chúng tôi đâu có chịu bỏ qua? Nghe nói trong ấy có rất nhiều tượng lạ thì rất muốn vào lấy để chơi đùa…

Thế là chúng tôi bèn phá cửa sổ chui vào, lấy tượng Phật làm đồ chơi, chơi chán thì vứt đi, còn phá hư hết… Do hiếu kỳ nên tôi còn bửa tượng Phật bằng gỗ ra, để xem thử… có gì ờ trong chăng? Khi tạo những tội này, lúc đó do chúng tôi còn nhỏ chẳng biết… Mà thầy giáo cũng chẳng hề răn dạy chi… Mà thú thật, nếu ông có khuyên bảo thì chưa chắc chúng tôi nghe, vì tôi rất thích tạo nghiệp hủy báng Phật pháp…

Sau này học Phật rồi, tôi mới hiểu, mình tạo lỗi ấy là phạm tội đọa địa ngục Vô Gián. Đến nay tôi giảng kinh thuyết pháp đã hơn bốn mươi năm, vẫn còn bị người hủy báng, sỉ nhục… Tôi vui lòng nhận lại quả hủy báng… cũng đáng lắm! Ngẫm ra tôi tạo tội nặng, nhưng chỉ lãnh quả nhẹ thôi…

Còn nữa, thuở còn đi học, tính tôi rất ngỗ nghịch, ương bướng… Tuy được thầy giáo rất thương yêu, nhưng khó mà dạy dỗ uốn nắn tôi. Trí nhớ của tôi cực kỳ tốt, học rất mau hiểu, nhớ dai… Bài vở tôi chỉ cần đọc qua một lần là có thể thuộc lòng, thế nên chẳng cần cố công ráng sức làm chi, tôi cứ học tà tà, vừa học vừa chơi, học cốt để đối phó với thi cử mà thôi…

Mười phút trước giờ thi chỉ cần tôi chịu xem qua bài, ôn sơ một lượt, thì chắn chắn là thi đậu. Vả lại, có thi cử chỉ tôi cũng muốn đạt cỡ sáu mươi điểm thôi, có thêm một điểm nữa tôi cũng chẳng thèm! Tôi chẳng ham tranh danh, đoạt lợi, song luôn là kẻ đem bài nộp trước nhất. Các thầy giáo khi coi xong đều lắc đầu… vì họ thấy tôi có thể tiến tốt, thừa sức đoạt điểm cao hơn nữa, nhưng vì sao tôi lại không chịu?… Bởi vì tôi rất ham chơi. Tôi học chỉ cần mỗi năm đều đều lên lớp là ồn rồi, vậy là xem như đã đạt mục đích! Thầy giáo và người nhà cũng chẳng có yêu cầu gì cao, nên tôi rất dễ làm cho họ hài lòng.

Cũng như bao người, tôi thích làm những việc mình ưa. Tôi đọc rất nhiều sách, đọc vượt xa chúng bạn, nhờ vậy kiến thức của tôi cực kỳ phong phú. Từ lớp ba cấp tiểu học tôi đã bắt đầu đọc những tiểu thuyết xưa của Trung Quốc, đọc đến năm thứ nhất của bậc Trung Học thì ngưng, bởi chẳng còn gì để đọc tiếp nữa. Những tiểu thuyết hay hầu như tôi đã xem qua tới bốn, năm lần, chẳng hạn như bốn bộ truyện lớn: “Tây Du Ký, Tam Quốc Diễn Nghĩa, Thủy Hử, Hồng Lâu Mộng”… bộ nào tôi cũng đọc năm-sáu lần. Hơn nữa những bộ sách dầy như vậy, tôi xem rất mau, chưa đầy một tuần là đã “ngốn” hết. Tiểu thuyết cổ điển đọc hết rồi thì lên lớp sáu tôi chẳng thèm đọc chi nữa. Tôi sống rất phong lưu, ban ngày xem truyện, ban đêm coi kịch. Thời học sinh của tôi rất thú vị, các thầy giáo và hiệu trường đều biết danh tôi. Vì tôi luôn lý luận với họ:

– Trường học hiện nay chẳng qua chỉ là chỗ để kiếm bằng cấp, học vị mà thôi, song những gì học xong đa phần đều chẳng dùng được, dù tôi có học những thứ này thì tương lai có dùng được bao nhiêu đâu?

Hiệu trường và các thầy nghe tôi nói vậy đều lắc đầu, hết y kiến. Kể chuyện xưa để quý vị thấy tôi rất có “thành tích” và tạo nghiệp quá nhiều. Nhưng tôi cũng có một chút thiện căn là chẳng hại người, không hề gây hại cho xã hội, thế nhưng tôi lại hại… vật!

Lúc còn trẻ chưa biết Phật pháp tôi rất ưa ăn thịt, tạo tội nặng hơn người ta rất nhiều. Vì vào thời kháng chiến chống Nhật tôi thường đi săn bắn, sau khi đọc kinh Địa Tạng rồi, tôi rất sợ hãi – thật sự lo sợ – nên bắt đầu ăn chay trường, chẳng dám ăn thịt nữa, tự biết tội mình đã tạo rất nặng.

Hồi nhỏ đâu biết tội phước gì, cha tôi ưa săn bắn nên tôi thường theo ông lên núi săn, ngày nào cũng đem những con thú bắn được về nhà. Tôi đi săn ba năm, mười sáu tuổi bắt đầu săn bắn, cho tới hết mười chín tuổi. Vì vậy tôi bắn rất cừ, bắn không cần phải nhắm mà vẫn trúng trăm phần trăm. Mỗi ngày tôi xài ít nhất hai mươi viên đạn, lúc chẳng đi săn thì lo luyện tập bắn súng…

Cha tôi vốn là quân nhân, lúc đó nhằm thời chiến tranh chống Nhật, ông làm quản lý vũ khí (bao gồm khí giới, súng ống, thuốc nổ…), do vậy nhà tôi có rất nhiều súng, thành là cơ hội để chúng tôi tạo nghiệp…



Mỗi ngày tôi đều luyện tập, có đứa con nít nào mà không ưa chơi súng, ống? Tuyệt hơn nữa là được chơi súng thiệt. Tôi bắn súng rất chuẩn là nhờ mỗi ngày luyện tập mà thành, vậy mới có câu: “văn ôn võ luyện” chứ? Bạn không luyện đâu được, phải luyện mới thành tài! Nhờ tập luyện trong thời gian dài, mà tài bắn súng của tôi thành ra cự phách, do vậy mà nghiệp ác gây tạo cũng quá nặng, nhưng lúc đó tôi còn chưa hiểu biết. Sau này học Phật, khi đọc đến kinh Địa Tạng, tôi sợ đến lông tóc dựng đứng… Bởi chính mắt tôi nhìn thấy cảnh tượng cha mình chết giống y như “Kinh Địa Tạng” đã cảnh báo! Trong “Kinh Địa Tạng” quyển thượng có ghi: “Nếu gặp kẻ săn bắn buông lung thì Ngài dạy: sẽ bị quả báo kinh cuồng, mất mạng”…

Thời xưa người ta dùng cung tên, hoặc dùng lưới… thì số lượng thú bị giết không nhiều, còn khi dùng lưới bắt cá, thì một mẻ lưới quăng ra cũng giới hạn… Nhưng thời nay khi chúng tôi đi săn, thi dùng súng, chất nổ… nghĩa là hành sự rất độc ác: vì sau khi quăng thuốc nổ rồi, hằng ngàn, hằng vạn con cá chết nổi lềnh bềnh trên mặt nước, chúng bị nổ chết lẫn bị chấn động mà chết… bạn nói tội này nặng bao nhiêu? Chuyện săn giết thú tính ra vẫn ít hơn so với việc dùng thuốc nổ để giết cá… chúng tôi đã tạo sát nghiệp quá nhiều, đã tạo ác vô cùng. Quả báo của sự sát sanh là đoản mạng, vì vậy mà cha tôi mới bốn mươi lăm tuổi đã qua đời.

Đọc đoạn kinh Phật đã nêu, khiến tôi nhớ lại báo ứng của cha tôi là đúng y như vậy. Phụ thân tôi vào năm bốn mươi lăm tuổi “bị kinh cuồng mà mất mạng”, chính tôi nhìn thấy tận mắt quả báo ông phải trả ngay trong đời này!

Khi cha tôi phát bịnh hóa điên, tuy thân thể ốm giơ xương, nhưng sức lực rất mạnh, mạnh tới nỗi mấy người cũng không ngăn cản nổi ông. Hễ gặp chỗ có nước thfi ông lao đầu xuống, còn gặp núi thì cắm đầu chạy lên, đây chính là quả báo của việc săn bắn.

Khi tôi đọc “Kinh Địa Tạng” xong, thì tỉnh ngộ, bèn phát tâm ăn chay, vì biết rằng tội sát sinh của mình rất nặng, hơn nữa còn đích thân chứng kiến… nên cảm xúc vô cùng sâu đậm… kể từ đó tôi nỗ lực đoạn ác tu thiện.

Sau này tôi học Phật rồi, các bốc sư danh tiếng đều xem và nói mạng tôi sống chẳng qua bốn mươi lăm tuổi, tôi rất tin. Thế nên tôi càng học Phật rất tinh tấn vì thọ mạng đã được định bốn mươi lăm tuổi rồi.

Quả nhiên đến năm bốn mươi lăm tuổi tôi bị bịnh nặng, tôi chẳng đi bác sĩ, chẳng uống thuốc… vì nghĩ rằng: “Mạng mình sắp hết, mà bác sĩ thì chỉ có thể chữa bịnh chứ đâu thể chữa mạng?”. Bởi vậy nên suốt cả tháng trời tôi dốc tâm chuyên nhất lo niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, niệm được một tháng thì bịnh tự nhiên hết.

Thực ra, tôi chỉ hồi tâm chuyển ý, nguyện đem chút trí huệ, khả năng, thân tâm này hiến dâng hết cho Phật, Bồ Tát, xin nguyện làm việc cho Phật, Bồ Tát, chẳng còn sống vi mình nữa. Nhà Phật thường có câu: “Nương theo nguyện trở lại” (thừa nguyện tái lai), có thể nói tôi đã chuyển nghiệp thành nguyện, khi tôi “thay đổi” tâm rồi thì hiệu quả tốt cực kỳ…

Tôi là kẻ chẳng có phước báo, tiền bạc cũng không nhiều. Để chuộc lỗi sát sinh khi xưa, hễ có chút tiền cúng dường, thì tôi đem phóng sinh, tặng bịnh viện (lo tiền thuốc men cho người nghèo) cứu giúp bịnh khổ và in kinh bố thí. Sau này, năm nọ tại pháp hội Nhân Vương ờ Đài Loan, tôi gặp “Phật sống” Cam Chu (là một người bạn cũ của tôi), ông tỏ vẻ rất hoan hỷ, nói:

– Mấy năm nay thầy giảng kinh thuyết pháp công đức rất lớn, thầy vốn chẳng có phước báo, số phải đoản mạng, vậy mà bây giờ không những thầy có phước báo mà còn sống lâu nữa… đều là nhờ thầy hoằng pháp lợi sinh nên phước lành hiển hiện…

Quả thực tôi chẳng cầu sống lâu, vì hiểu: “Nếu tĩnh giác rồi, thì chẳng nên vì mình nữa, mà tất cả đều vì Phật pháp, vì chúng sinh”. Nhờ vậy mà được cảm ứng.

Đối với bản thân, tôi chẳng lưu luyến gì thế gian. Thân này còn lưu lại… đó là phước của chúng sinh, vì hễ chúng sinh cần, đạo pháp cần, thì tôi ở lại thêm vài ngày; khi nào chúng sinh không cần, Phật pháp cũng không cần nữa thì tôi sẽ ra đi lập tức, chẳng lưu luyến gì. Đây là tâm trạng và thái độ hiện nay của tôi, tôi rất hoan hỷ sớm được ra đi thân cận đức Phật.

Tôi kể chuyện mình tạo nghiệp thọ báo, để quý vị thấy tôi cũng xấu, cũng ác rất nhiều. Nếu tôi chẳng tu học theo Phật thì chắc chắn phải thọ tội trong địa ngục. Tôi đã chứng minh cho quý vị thấy rồi đó. Tôi: từ một kẻ nhiều lầm lỗi, tạo lắm ác nghiệp, mà có thể tu sửa, đổi thành tốt… thì quý vị cũng làm được, quan trọng là quý vị có chịu làm hay không mà thôi.

Tự thuật của Đại Sư Tịnh Không
Hãy đăng nhập để bình luận !
icon comment - bình luận