Báo Ứng Hiện Đời - Chương 182: Hơn Ba Trăm Mạng

Báo Ứng Hiện Đời Chương 182: Hơn Ba Trăm Mạng
Hôm qua một cô gái từ Đông Hoan gọi điện thoại tới, ngỏ ý muốn được thôi miên và hỏi tôi ngày nào rảnh? Tôi hẹn cô tuần sau.

Nghe vậy cô tỏ vẻ rất sốt ruột, nói:

– Không được, ông Đặng ôi, xin hãy làm ơn… ông có thể giúp tôi sớm hơn không?

Nghe giọng nói gấp gáp của cô, tôi đoán chắc cô có chuyện gì cần lắm, bèn hẹn cô ngày mai.

Hôm nay, mới hơn 9 giờ sáng, cô đã đến. Đó là một cô gái 29 tuổi, chưa kết hôn.

Cô kể mình họ Thẩm, tôi tưởng cô có gì cấp bách mới cần thôi miên gấp, hóa ra là do cô tò mò chỉ muốn biết tiền kiếp mà thôi.

Cô Thẩm là người thật thà chất phác, lớn lên ở miền quê, cha mẹ đều là nông dân. Cô có một em trai và một chị. Trong mắt mọi người ai cũng tưởng cô có tuổi thơ hạnh phúc, nhưng không phải vậy. Ngay từ nhỏ cô đã bị xem là đứa bé ngu ngốc, vì 8 tuổi mới đi học nhưng cô không thể viết chữ. Do vậy mà cha mẹ không thương.

Phụ thân thường đánh cô, còn mẹ thì luôn thấy cô chướng mắt nên hay la mắng cô, cư xử rất bất công. Ngay cả em trai và chị gái cũng khi dễ, ăn hiếp cô. Cho nên từ nhỏ cô đối với cha mẹ ôm nhiều hận oán. Cô còn bị bệnh viêm gan lâu năm, trước đây gan hay bị đau. Cô có trí nhớ cực tồi, cô đã đến chùa làm công quả hai năm, được người ta dạy niệm câu “Nam mô A Di Đà Phật”, nhưng cô không nhớ nổi. Ngực cô thường đau, luôn có cảm giác khó thở. Ngón tay út và áp út bên phải bị đơ cứng, khiến nhiều lúc cầm đũa cũng không được. Từ nhỏ cô hay bị ảo thính, thường nghe có tiếng người nói bên tai.

Tôi hỏi cô vài câu đơn giản xong, thì bắt đầu giúp cô vào cuộc viễn du thám thính tiền kiếp.

Đầu tiên, tôi dẫn dụ theo phương thức thông thường, nhưng thấy cô không có chút phản ứng gì. Chả lẽ cô thực sự quá ngu độn ư? Xem tướng cô thấy cũng không đến nỗi tối tăm lắm, có vẻ là người thật thà. Do cô không thông minh lanh lợi nên tôi đành hướng dẫn từ từ để khơi lại ký ức tiền kiếp của cô.

Khi tôi bảo: Cô hãy nhớ về năm lớp 10! Thì cô mô tả mình thấy cảnh một bạn gái cùng lớp đang trò chuyện yêu đương tình tứ với một thanh niên, cô bèn chỉ cho một nữ sinh khác nhìn, thế là cô này liền đem chuyện ấy mách với nữ giáo sư, cô giáo bèn xử phạt nữ sinh kia, khiến cô ta xấu hổ bỏ nhà ra đi và bị người lường gạt đem bán đến một nơi xa, may là cô ta lanh trí chạy trốn được, nên không bị xâm hại. Khi cô Thẩm thấy đến đây, thì lộ vẻ rất hối hận, cô bật khóc, lệ luôn đầm đìa…

Tôi lại hướng dẫn cô nhớ về thời đồng niên, cô bỗng tỏ vẻ rất sợ hãi, toàn thân phát run, tôi hỏi: Chuyện gì khiến em sợ dữ vậy?

Cô đáp bằng giọng trẻ thơ, đầy sợ sệt nói:

– Cha đang đánh tôi.

Ký ức ấu thơ đang ùa về, cô miêu tả:

Cha hay đánh tôi lắm, ông dùng roi quất vào bắp chân, rất đau, hu hu!… cô vừa khóc vừa kể.

Tôi hỏi tiếp:

– Hồi nhỏ, chuyện gì khiến cô khó quên nhất?

Một lúc sau, cô đột nhiên bật khóc, hét to lên: Mẹ cư xử thiên vị, không công bằng!

Do người mẹ luôn thấy cô chướng mắt, nên chẳng thương. Hễ cái gì tốt thì mẹ dành cho chị và em trai chứ không cho cô. Tết đến, chị và em cô được may y phục mới, nhưng cô thì không.

Khi cô bị cha đánh đòn thì chị và em cô đứng bên ngoài nhìn vào cười. Điều này khiến cô rất buồn. Cô kể đến đây thì sự uất ức bị dồn nén suốt hai mươi mấy năm như hỏa diệm sơn phun trào, cô thét lên với vẻ cừu hận qua màn nước mắt:

– TÔI HẬN HỌ! HẬN CHẾT ĐI ĐƯỢC!

Khi viết đến đây, lòng tôi xúc động dạt dào, mặc dù tôi hành nghề chỉ mới hơn hai năm ngắn ngủi, nhưng qua những gì chứng kiến được, tôi cảm thấy thai giáo là phi thường nghiêm trọng trong (Trong khoảng từ ba đến bảy tuổi, ảnh hưởng cha mẹ đối với trẻ cực kỳ lớn).



Cô Thẩm từ nhỏ đối với cha mẹ, chị em… lòng đã ôm oán hận thâm sâu, vì từ nhỏ luôn bị cha mẹ làm tổn thương. Khi tôi khuyên cô nên hóa giải oán hận, cô bật khóc to. Những oan khuất và oán hận hóa thành suối lệ tuôn tràn… Xong rồi thì cô chịu tha thứ cho người thân, đôi mày hết cau có và mặt cô dãn ra, lộ vẻ thanh thản…

Tôi tiếp tục hạ lịnh cho cô đi về kiếp trước đó nữa, để tìm cho ra nhân duyên không tốt giữa cô với cha mẹ. Té ra vào một đời nọ tại Triều Thanh, cô là một phụ nữ nông thôn, có hai con trai: Con cả 5 tuổi, con út 3 tuổi.

Chồng cô thường vắng nhà vì phải ra ngoài làm việc kiếm tiền. Kiếp đó cô đối với hai con trai không tốt, nhất là đối với con trai đầu, cô rất ghét, bởi vì nó rất ngu và cô thường đánh đòn nó. Đứa con trai út cũng làm cô chướng mắt, có lúc cô mua đồ cho con cả, mà không thèm mua cho con út. Hai con đối với cô cũng phi thường oán hận. Trong cơn thôi miên cô Thẩm kể: Đời này cậu cả sinh làm phụ thân, cậu út nay là mẫu thân cô.

Lại tiến sâu về kiếp trước nữa, thì cô Thẩm nhìn thấy: Vào đời Minh, mình là một thiếu nữ khoảng mười mấy tuổi, mặc váy hồng, đang đứng một mình trong vườn hoa, lúc đó trời chạng vạng tối, tâm tư rất buồn khổ. Bởi vì cha mẹ đối với cô rất tệ. Phụ thân luôn thấy cô chướng mắt, thường hay đánh đòn, mẹ cũng rất ghét cô. Cho nên vào kiếp đó cô cũng rất oán hận cha mẹ. Cảnh đó giống hệt như thời ấu thơ đời này mà cô đã trải qua. Kiếp đó cô có một em trai.

Lẽ nào đây là chân tướng luân hồi? Đời đời kiếp kiếp không ngừng báo oán, đền bồi, giày vò nhau? Không ngừng diễn lại nhân quả và phóng ảnh tâm linh? Tình hình cô Thẩm và cha mẹ cứ tiếp diễn vần xoay mãi như thế, xem ra chẳng biết bao nhiêu đời rồi…

Nếu kiếp này không minh bạch, không giác ngộ, không chịu buông xả hết oán hận cưu mang trong lòng, thì khổ cảnh này sẽ tiếp tục kéo dài mãi đến đời sau, biết bao giờ mới kết thúc? Không lẽ đây chính là điều mà Phật giáo thuyết giảng: Đời đời yêu, oán tình, thù… xui ta tìm nhau đòi nợ, đền nợ… tâm báo ân, báo oán… không ngừng tái diễn, luân lưu không dứt.

Tôi tầm cầu cho tất cả chúng sinh sớm thoát ly luân hồi thống khổ, vĩnh viễn sống trong tri ân, hạnh phúc.

Trong quá trình thôi miên, tôi còn phát hiện ra một câu chuyện nhân quả khác của cô Thẩm nữa.

Lần thôi miền đầu kết thúc, cô bảo ngực mình đã cảm thấy dễ thở rất nhiều, nhưng hình như vẫn còn chút gì đó ngăn trệ bên trong.

Khi tôi bắt đầu cuộc thôi miên lần hai, chuyện ngoài sức tưởng tượng phát sinh.

Cô Thẩm nói: Hình như có gì đang ở trong ngực, trong não tôi!

Tôi liền hướng dẫn tiếp tục, thì đột nhiên cô nói bằng giọng đàn ông, nghe rất hung ác…

Tôi vội hỏi:

– Bạn là ai?

– TA LÀ KẺ BỊ TÊN NÀY SÁT HẠI!

– Giờ bạn muốn thế nào?

– TA MUỐN Y CHẾT! QUYẾT KHÔNG THA!

Giọng nam thốt ra với vẻ vô cùng hung ác. Tôi ngẩn ngơ. Vậy rốt cuộc là chuyện gì nữa đây? Dần dần tôi hiểu ra:

Sự việc phát sinh vào đời Tống. Lúc đó cô Thẩm là một cao quan hơn 40 tuổi tạm gọi là Khánh cho độc giả dễ phân biệt. Trong cơn thôi miên hiện thời, cô Thẩm lộ vẻ phi thường tức giận và nói bằng giọng đàn ông chứa đầy phẫn nộ xung thiên:

– Đáng hận quá, ta muốn giết tên Khang!

Vì sao muốn giết?

– Y rất đáng chết vì dám khởi ý phản bội, mưu tính lấy đầu ta!

Té ra tên Khang là quan thuộc hạ trong triều, đang âm thầm liên kết với nhiều người để làm hại ông Khánh.

Do đã biết trước, nên một ngày nọ ông Khánh dẫn theo nhiều binh sĩ, xông vào nhà Khang, giết sạch toàn gia hơn ba trăm người, riêng thuộc hạ Khang bị Khánh đâm trúng tim mà chết. Còn hai người nữa cũng bị chặt đầu mạng vong. Vì vậy kẻ gá vào ngực hành hạ cô Thẩm chính là Khang do hắn bị đâm trúng tim chết, nên bây giờ trả thù bằng cách hành đau nơi ngực còn hai vong bị chặt đầu thì gá vào não cô. Riêng ba trăm người kia thì một số gá vào đầu, số thì gá vào tay phải vì lúc tàn sát họ, cô cầm gươm bên tay phải.



Cô Thẩm đến 8 tuổi mới đi học, nhưng không thể viết chữ, trí óc không thông minh linh hoạt, tim thường bị đau… là do có liên quan đến vụ “Đại thảm sát ba trăm lẻ ba mạng này”.

Sau khi thôi miên kết thúc, tôi bảo cô Thẩm:

– Hồi nhỏ không phải cô ngu ngốc hay đần độn gì cả!

Cô nói cô cũng biết rõ mình không có ngốc, nhưng hễ muốn viết chữ thì tay cứng đơ không nghe theo, giống như cố ý chống lại cô vậy. Hơn nữa trong não cô luôn lộn xộn rối ren, nên không thể nhớ được gì.

Đối diện với hơn ba trăm mạng còn ôm đầy hận oán, tôi chỉ có thể hướng dẫn, điều đình, xin họ hóa giải. Tôi khuyên cô Thẩm hãy nhận lỗi, sám hối.

Thế nhưng chỉ có một số ít vong linh chịu tiếp nhận, còn đa số khăng khăng ôm oán, cương quyết không tha thứ, nhất định đòi báo thù. Tôi nhắc họ: Đây là nhân quả, cái gì cũng có nguyên nhân đầu tiên. Do họ không phục nên tôi đành phải thôi miên cô Thẩm tiếp, dẫn dụ cô đi sâu vào kiếp trước đó nữa, để tìm cho ra nguyên nhân đầu tiên, hầu có thể giúp hai bên hóa giải hận thù.

Lần này cô Thẩm kể:

Kiếp đó vào triều Đường, cô là một phú ông họ Trương khoảng ba mươi mấy tuổi, rất giàu, có đông người hầu hạ.

Thình lình một hôm nọ, có ba người bịt mặt, dẫn theo mấy mươi người, tay cầm vũ khí xông vào dinh thự của Trương phú gia để cướp, nhưng ông Trương cương quyết chẳng nộp tiền cho chúng, nên cuối cùng không những ông bị bọn cướp giết chết mà toàn gia ông hơn trăm người cũng bị chúng giết sạch để diệt khẩu.

Khi cô Thẩm nhớ đến đây thì lộ vẻ vô cùng sợ hãi, toàn thân run rẩy, cất tiếng van xin như thể đang là Trương phú gia:

– Xin đừng giết tôi! Đừng giết tôi!

Thế nhưng tên đầu đảng bịt mặt vẫn giết chết ông, hắn ra tay độc ác: Đâm một đao vào tim ông Trương.

Cô Thẩm nói, mặc dù họ bịt mặt, nhưng cô vẫn nhận ra tên đầu đảng giết mình chính là kẻ từng làm công cho mình trong kiếp đó. Do thấy hắn làm việc quá tệ nên Trương phú hộ không hài lòng, đã đuổi cổ hắn đi, vì vậy mà hắn ôm hận, kết bè đảng, rủ nhau đi cướp của ông.

Ngay giây phút cô Thẩm nhớ lại tiền kiếp kia, thì ba trăm oan quỷ kia cũng đồng thời cảm nhận được họ từng là những kẻ cướp gian ác… nên không còn ôm lòng oán hận nữa! Có thể do lúc cô Thẩm nhớ lại tiền kiếp ở triều Đường, thì bọn oan quỷ cũng nhìn thấy và nhận ra lỗi lầm của mình, cho nên không cần tôi khuyên chi nữa, tất cả bọn họ đều đồng ý hòa giải, buông hết hận thù.

Sau đó, tôi kể cho họ nghe về thế giới Cực Lạc của Phật A Di Đà, về hạnh nguyện từ bi của Ngài, tôi miêu tả quốc độ này rất thù thắng trang nghiêm và khuyên bọn họ hãy niệm Phật cầu sinh Tây Phương. Bọn họ rất hoan hỉ tiếp thọ.

Cuối cùng, tôi hướng dẫn họ đồng niệm “Nam Mô A Di Đà Phật” theo tôi. Ngay trong lúc Phật hiệu vang vọng, cô Thẩm bảo tôi, cô thấy rõ bọn họ xếp thành hàng, từng người, từng người đứng trên hoa sen, theo Tam Thánh(5) và dần dần biến mất giữa không trung.

Khi cuộc thôi miên kết thúc, cô Thẩm bảo toàn thân cô nhẹ nhõm, đầu óc tỉnh táo hẳn.

Khi cô từ biệt ra về, tôi thầm nghĩ: Nếu như tôi chọn công tác khác, không biết mình sẽ ra sao?

Tôi thầm cảm ơn công việc hiện tại đã giúp tôi hiểu sâu thêm về nhân quả, rút ra được rất nhiều bài học hay, tăng thêm niềm tin kiên cố và tự biết mình cần phải tu sửa cho rốt ráo. Dù sức tôi kém, nhưng cũng nguyện giúp đỡ hết tất cả chúng sinh.

Nhân quả báo ứng không sai mảy may, oan oan tương báo, không bao giờ dứt, hơn nữa càng báo oán, thù càng sâu nặng. Mới đầu là giết hơn trăm người, đến lúc báo thù lại thì thành ba trăm lẻ ba người.

Chỉ có buông bỏ oán thù, chân thành sám hối. Trong sinh hoạt thường nhật, cần đem phiến tâm thành đối đãi bình đẳng với tất cả, như vậy thì oán kết đời trước tự nhiên sẽ được tháo gỡ.

Giáo sư Đặng.

(5)Phật A Di Đà, Bồ tát Quán Thế Âm, Bồ tát Đại Thế Chí.
Hãy đăng nhập để bình luận !
icon comment - bình luận