Xuyên Qua Làm Nhân Vật Quần Chúng, Vô Tình Dạy Một Đám Đồ Đệ Thành Thánh Nhân - Chương 290: Lần Đầu Đến Thành Bạch Đế

Xuyên Qua Làm Nhân Vật Quần Chúng, Vô Tình Dạy Một Đám Đồ Đệ Thành Thánh Nhân

Chương 290: Lần Đầu Đến Thành Bạch Đế

Lại kể chuyện Nguyễn Đông Thanh sử dụng truyền tống trận, chỉ tốn vài hơi thở đã từ Hải Nha vượt qua vạn dặm đến thành Bạch Đế.

Kể ra, đây là lần đầu tiên Bích Mặc tiên sinh đến châu thủ của châu Ngọc Lân. Nhìn khắp nơi, người người tấp nập lại qua, buôn bán nói cười, đàn ca sáo nhạc.

Phố lớn thì giăng đèn, đường nhỏ thì kết hoa, không khí thịnh vượng hơn ải Quan Lâm không biết bao nhiêu mà kể.

Nguyễn Đông Thanh nhìn một lượt khắp nơi, hơi nhíu mày lại.

Thành Bạch Đế này càng thái bình, gã lại càng cảm thấy quái dị.

Hiện tại đang lúc Hải Thú áp bờ, lúc nào cũng có thể tràn lên công kích. Thời gian gần đây Nguyễn Đông Thanh thường xuyên tiếp đón sứ đoàn các nước, cũng nắm được lần tràn bờ này của đám Hải Thú có cả vương tộc tham gia, quy mô có thể so với trận chiến ba ngàn năm trước.

Bích Mặc tiên sinh chỉ thấy trong lòng rối bời. Gã không rõ cảnh thái bình trước mắt là một màn kịch được đám cựu quan bày ra để cho mình xem, hay thực sự dân thành Bạch Đế có thể bình chân như vại trong cái cảnh lửa sém lông mày như vậy. Hắn cũng chẳng rõ, rốt cuộc giữa hai khả năng đó thì cái nào hỏng bét hơn.

Nghĩ vẩn vơ một thoáng, chợt cái bụng của Nguyễn Đông Thanh bắt đầu không nghe lời chủ, biểu tình dữ dội. Lúc này, Bích Mặc tiên sinh mới chợt nhớ ra hôm nay gã vội vàng lên đường, còn chưa có gì bỏ vào bụng.

Đúng là khi trước, nếu không có việc gì quan trọng thì gã thường ngủ trương xác đến lúc mặt trời chiếu đến mông mới lục tục bò dậy. Hơn nữa trước đây cổ viện có chút giật gấu vá vai, thành thử Bích Mặc tiên sinh của chúng ta cũng thường bỏ luôn bữa sáng cho tiết kiệm.

Thế nhưng kể từ lúc nhận Trương Mặc Sênh làm đệ tử, nhịp sinh hoạt của gã cơ hồ bị đảo lộn hoàn toàn. Cho dù đang nằm mơ giấc mộng đẹp đến mức nào đi chăng nữa thì cứ đúng đầu giờ Thìn (1) là gã mò dậy, ăn sáng cái đã rồi ngủ tiếp thì ngủ mà vào Quan Lâm đi dạy thì vào. Có thể nói, cái mồm của Nguyễn Đông Thanh đã bị thằng đệ tử chiều hư, không thể trở về như trước đây được nữa.

(1: giờ Thìn theo cách tính giờ hiện đại là 7-9h sáng)

Bích Mặc tiên sinh tặc lưỡi một cái, thầm nghĩ:

“Có thực mới vực được đạo. Cứ kiếm cái gì bỏ bụng trước rồi tính.”

oOo

Truyền tống trận mà Bích Mặc tiên sinh sử dụng để đến thành Bạch Đế được đặt trên một cái đài cao, bốn phía thoáng đãng không một chỗ che chắn, thành thử có thể phóng ánh mắt nhìn khắp toàn thành. Bên dưới đài là một quảng trường rộng bao có tường cao che chắn, nối tám tòa tháp thủ thành lại thành một hình bát giác. Nếu có kẻ dám lẻn vào thành qua truyền tống trận, thì chưa cần đến một hơi thở, trận mưa tên từ tám ngọn tháp sẽ biến chúng thành cái tổ ong ngay.



Hôm nay, không rõ vì duyên cớ gì mà toàn bộ truyền tống đài trừ Nguyễn Đông Thanh ra chẳng có lấy một bóng người, muốn hỏi đường đi lối lại trong thành cũng không biết phải hỏi ai. May sao, truyền tống trận nói cho cùng thì cũng không phải thứ gì xa xỉ, người bình thường sử dụng rất nhiều, thành thử truyền tống đài nơi gã đang đặt chân cũng có cầu thang bộ cho phàm nhân đi lại. Nếu không, có lẽ hiện tại Bích Mặc tiên sinh chỉ có cách ngồi khóc chờ người đưa xuống.

Mất chừng năm phút đồng hồ, Nguyễn Đông Thanh cũng đã xuống được tới mặt đất, băng qua khoảng sân rộng đến trước một cánh cổng lớn, trên đỉnh tạc một cái đầu quái thú bằng đá, chẳng phải chim thú cũng không phải bò sát, chẳng hiểu là giống loài gì. Khác với những nơi mà gã từng ghé thăm, truyền tống đài ở Bạch Đế thành hoàn toàn không có lính canh bảo vệ. Nguyễn Đông Thanh vừa lại gần cánh cổng, đầu con quái thú bằng đá đã mở trừng hai mắt ra liếc gã một cái. Lập tức, toàn thân gã cứng đờ, sau lưng toát lên một cơn ớn lạnh cứ như thể bị ai dí súng vào thái dương.

Cũng may, cảm giác quái lạ ấy chỉ kéo dài đâu đấy mấy hơi thở là hết. Bích Mặc tiên sinh của chúng ta chỉ vừa kịp vuốt ngực, thở phào ra một hơi nhẹ nhõm thì cánh cổng lớn trước mặt đã chầm chậm dịch sang một bên, nhường lối cho gã. Sau cánh cổng lớn là một con đường rộng, bẳng phẳng trải ngút tầm mắt, lát bằng những viên gạch sần sùi đen nhánh chỉ to bằng bàn tay. Hai bên là các dãy nhà lùn thấp lè tè, lợp bằng mái tranh, thậm chí còn chẳng đủ cho một người cao lớn đứng thẳng.

Nguyễn Đông Thanh thấy con đường có vị trí đắc địa ngay sát truyền tống trận thế này mà lại không có lấy một bóng người, hoàn toàn khác với cảnh sắc phồn hoa gã nhìn thấy khi đứng trên đỉnh truyền tống đài. Điều này càng khiến Bích Mặc tiên sinh của chúng ta cảm thấy chuyến đi đến thành Bạch Đế lần này có hơi khả nghi, hoàn toàn không giống với những gì đám đệ tử từng kể.

Tay nắm chặt lệnh bài của Võ Hoàng, gã nhắm mắt lại, cố gắng hồi tưởng lại những gì đã được thấy khi đứng trên đài cao nhìn xuống. Trong đầu Nguyễn Đông Thanh hiện lên một quảng trường lớn, chính giữa là một cây bạch đàn cổ thụ xum xuê. Khắp cả thành Bạch Đế, dường như nơi ấy chính là chốn náo nhiệt nhất.

Nghĩ là làm, gã rảo bước trên con đường gạch đen, nhắm thẳng đến cái cây ở đằng xa.

Con đường trải đá đen dẫn đến một cái mương rộng chừng bốn trượng, nước trong vắt thấy được cả đáy, hững hờ chảy từ thành tây về phía thành đông. Từ “thượng nguồn”, cơ man chẳng biết bao nhiêu quả nhìn vừa giống lê, vừa giống quýt trôi theo mương nước, mùi thơm cay the the phả ra thơm ngào ngạt.

Lại thấy có khoảng mấy chục con vật nhìn như con chuột lang nước, nhưng chỉ to cỡ bàn tay người lớn, kết đàn đuổi theo đám quả cây đang trôi giữa dòng nước. Bọn này có vẻ rất dạn người, hẳn là ở thành Bạch Đế này chúng chẳng bị ai lùng bắt đánh bẫy cả. Nguyễn Đông Thanh lại gần mà đám này cứ tròn xoe mắt ra nhìn, mấy con non chỉ to cỡ ba hai ngón tay còn ngúng nguẩy leo lên bờ, lúc lắc cái đuôi ngắn cũn chạy đến bên cạnh, há miệng kêu lên mấy tiếng “cách cách”, đứa thì hít hít ngửi ngửi bàn chân gã, con thì chạy lại cọ cọ vào mắt cá chân.

Nguyễn Đông Thanh nhón chân, tránh đám chuột lạ, bước về phía dòng nước. Gã thấy con mương này không quá rộng, nước lại có vẻ nông, nên định xắn quần lội nước đi về phía cây bạch đàn như trong dự kiến thì chợt nghe phía tây có người gọi váng cả lên:

“Này! Này! Vị đại nhân kia, chờ một chút đã!”

Nguyễn Đông Thanh giật mình, ngừng chân, ngẩng đầu nhìn về phía tiếng nói. Chỉ thấy từ “thượng nguồn” có một ông lão mặc áo vải, trên đầu đội một cái lá sen to thay cho nón, chống cây sào tre đẩy một con thuyền thúng về phía gã.

Bích Mặc tiên sinh cười, hỏi:

“Chào cụ, không biết cụ có gì dạy bảo?”

Thực ra, đến tận bây giờ, Nguyễn Đông Thanh vẫn chưa quen cái việc bị người ta gọi là “đại nhân”, rồi cứ một câu thảo dân hai câu kẻ hèn để mà tự xưng cho lắm. Dù sao, Bích Mặc tiên sinh cũng là người hiện đại, cho dù có đi làm công ăn lương thì với sếp cũng gọi nhau bằng anh em, chú cháu mà thôi. Thế nhưng, ra làm quan cũng đã được một thời gian, nhất là làm quan tiếp sứ còn được tiếp xúc với đủ hạng người, gã càng hiểu rõ thêm sự phân hóa giai cấp ở Huyền Hoàng giới nói chung và Đại Việt nói riêng sâm nghiêm đến mức nào. Cái chuyện đối với gã là khó chịu, là cấn cấn thì đối với trăm họ nơi đây lại hết sức bình thường, hoàn toàn tự nhiên.



Hiện tại, gã đang mặc áo quan, tự dưng đòi ông lão xưng hô với mình như người thường có khi còn khiến cụ “thụ sủng nhược kinh”, rồi lại càng mất tự nhiên hơn.

Ông cụ xua tay:

“Thảo dân học được mấy chữ bẻ đôi nào đâu, sao dám dạy bảo đại nhân? Chẳng qua là thấy đại nhân hình như từ xa đến đây, không rõ chuyện của thành Bạch Đế, nên vội vàng đến nhắc nhở. Sông này gọi là Tiểu Ôn Hà, nước ấm hơn sông bình thường mấy lần.

Nhiều người không biết lội qua sông, vừa đi bước đầu tiên đã giật mình ngã nhào, ướt hết cả quần áo trên người. Lão thấy hành lý của đại nhân gọn nhẹ như vậy, sợ là không mang xiêm áo để thay, nếu như mặc áo ướt vào thành thì coi sao được?”

Nguyễn Đông Thanh bấy giờ mới “à” một tiếng, chặc lưỡi, bụng bảo dạ rằng khó trách đứng bên bờ mương nước đã ngửi được mùi vỏ quýt thơm lừng. Gã nhìn ông cụ chèo thuyền, cười:

“Cám ơn cụ đã có lòng. Không biết có thể phiền cụ cho quá giang một đoạn được không?”

“Đại nhân khách khí quá. Đây là vinh dự của thảo dân. Tiểu nhân còn đang sợ đại nhân chê thuyền cũ chật hẹp đây.”

Ông cụ lái thuyền vừa đáp, vừa tấp lại gần bờ, giang tay đỡ Nguyễn Đông Thanh lên thuyền, chờ gã ngồi vững rồi mới bắt đầu chèo dọc theo mương nước, xuôi về phía đông. Bích Mặc tiên sinh của chúng ta thấy lão không sang bờ bắc luôn, lấy làm ngạc nhiên, vội hỏi:

“Này cụ, sao không sang bờ bên kia luôn cho tiện?”

Ông cụ chèo thuyền đáp:

“Đại nhân chắc là lần đầu nhận công văn đến đây, hoặc là mới đến thành Bạch Đế nhậm chức nên có điều không biết rồi. Chỗ Ải Thị phía bắc thành này là nơi khi xưa thái tổ xin của Bạch Đế làm chỗ dừng chân, xây dựng thành lũy, chống cự Bạo Long. Sau này thành chủ các đời đều lấy đó làm trọng địa quân sự, cấm người thường lai vãng. Nếu không phải lão đây sinh được thằng con trai tốt, có quân công, thì cũng chẳng dám lại gần chỗ đó mà đón đại nhân đâu.”

Lão kể đến đây thì hất đầu, nhìn về phía xa:

“Trong thành thực ra còn một truyền tống trận nữa. Bình thường người ta tới lui thành Bạch Đế này đều sử dụng cái bên đó cả.

“Trừ khi là có thánh chỉ của hoàng thượng, tín vật của thành chủ, hoặc là quan ấn của ba vị Chưởng Quan, bằng không tiến vào đấy thì chỉ có đi mà không có về. Ở phía đông có một bến nước, lên ở đấy lão yên tâm hơn.”

Số chương còn lại hôm nay: 2 chương chính truyện.
Hãy đăng nhập để bình luận !
icon comment - bình luận