Xuyên Qua Làm Nhân Vật Quần Chúng, Vô Tình Dạy Một Đám Đồ Đệ Thành Thánh Nhân - Chương 360: Cho Ngàn Vạn Anh Linh Tuẫn Quốc Một Công Đạo, Cho Thế Gian Một Mảnh Trời Xanh

Xuyên Qua Làm Nhân Vật Quần Chúng, Vô Tình Dạy Một Đám Đồ Đệ Thành Thánh Nhân

Chương 360: Cho Ngàn Vạn Anh Linh Tuẫn Quốc Một Công Đạo, Cho Thế Gian Một Mảnh Trời Xanh

“Thế nhưng...”

Cố Văn ngừng một chốc, lại tiếp:

“Người trong thiên hạ có quyền được biết sự thật. Người hi sinh vì nước cũng có quyền được chính danh. Hành vi của Lê Minh Đức cho dù đặt cùng người bình thường, chỉ e cũng bị xa lánh, làng trên không nhận xóm dưới không chứa. Càng huống chi là anh hùng cứu quốc thực sự. Nếu cứ để mặc, há chẳng phải khiến hào kiệt ô danh, hiệp giả lạnh lòng hay sao?”

Hồng Đô cũng nói:

“Phải đấy tiên sinh. Tiểu nữ không học nhiều biết rộng như Cố Văn, chỉ biết nói mấy lời thô thiển. Nếu tiểu nữ đổ máu, đứt tay mất chân mới được vinh hạnh gọi một tiếng anh hùng, lại bị đánh đồng cùng hạng người mua danh chuộc tiếng, dối trời qua biển như Lê Minh Đức... Như vậy tiểu nữ cho dù không muốn phản triều đình, cũng sẽ cảm thấy hi sinh vô ích, lòng nguội ý lạnh.”

Dư Tự Lực, Lã Vọng Thiên cũng nhao nhao gật đầu đồng tình.

Cố Văn thấy gã còn lưỡng lự, ngấm ngầm truyền âm:

“Chắc hẳn lúc tiên sinh ngao du thiên ngoại đã thấy cảnh tương tự, hơn nữa cách chúng ta nói cũng không hoàn mỹ. Mọi người thấy nên làm thế nào?”

“Cố lão, gia mẫu vẫn nói trên đời làm gì có người phòng trộm ngàn ngày? Lại nói... chúng ta nếu như khống chế lời nói của kẻ sĩ quá gắt, chưa chắc đã không có người mượn cớ nói chúng ta chột dạ, không dám để người thiên hạ lên tiếng.”

Lã Vọng Thiên nói.

Cố Văn cũng đồng tình, thở dài:

“Chỉ đâu mà buộc ngang trời, tay đâu mà bịt miệng người thế gian. Lã phu nhân thật là nữ trung thánh hiền. Cố mỗ bội phục.”

“Không dám. Còn phải học Cố tiên sinh nhiều.”

“Hai người muốn khen nhau thì để sau đi. Còn không lên tiếng chỉ sợ tiên sinh phật ý.”

Người truyền âm nhắc nhở hai người Cố, Lã lúc này đừng có mắc vào cái thói mèo khen mèo dài đuôi của Nho môn chính là Dư Tự Lực.

Cố Văn xấu hổ hắng giọng một cái, hóa giải không khí lúng túng quái dị hiện tại.

Cũng không thể trách y được, dù sao chân thân của Cố Văn cũng là một thiếu nữ – Cố Thi Âm. Tuy giữa nàng ta và Lã Vọng Thiên không có tình cảm nam nữ gì, thế nhưng được một mỹ nam khen ngợi, nàng ta thấy vui vẻ cũng là chuyện thường tình.

Lại nghe Cố Văn lên tiếng:

“Tiên sinh, không ai phòng trộm trăm ngày. Nếu như trăm họ thật sự tin lời gian mà bác bỏ ơn nghĩa của anh hùng đi trước thì chỉ có thể tự trách mình ngu dốt, sau này nếu có trở thành vũ khí cho chư quốc, hoặc luồn cúi khom lưng trước người ngoài cũng chẳng phải chuyện ngài có thể lo liệu.”

“Chuyện ấy thì tại hạ cũng đã nghĩ đến...”

Khi còn ở địa cầu, Nguyễn Đông Thanh nhiều lần nghe các anh khóa trên cằn nhằn quốc gia độc lập đã lâu, lại vẫn còn tư tưởng trên bảo gì dưới nghe theo hệt như thời chiến. Theo bọn họ, chỉ có thả lỏng kiểm soát, để dân chúng quen với cảnh vô số tư tưởng ý nghĩ va chạm, đấu đá, có vậy mới nâng cao được dân trí, giúp dân rèn giũa chuyện sàng lọc thông tin.



Mà lúc nói chuyện với mấy vị giáo sư lớn tuổi hơn, hắn lại nghe được một luồng ý kiến khác, rằng chính vì dân chúng giờ dân trí chưa cao, thế nên mới không thể để mặc dư luận tung bay. Hà huống thời đại in-tơ-nết phổ cập, kiến thức chỉ cách một đầu ngón tay, người dân hoặc còn lười chẳng thèm ngó, hoặc vẫn nặng bởi thiên kiến xác nhận, nói gì đến sàng lọc thông tin?

Thành thử...

Chuyện vạch trần Lê Minh Đức hay không mới khiến Nguyễn Đông Thanh đắn đo hồi lâu.

Tuy Huyền Hoàng giới thoạt nhìn thì gần giống địa cầu thời phong kiến, thế nhưng lớn thì có Thiên Cơ các, nhỏ thì có ngọc truyền âm, tin tức linh thông hơn xa thời Lê thời Nguyễn.

Dư Tự Lực chợt nói:

“Theo tiểu sinh thấy, tiên sinh cứ theo bản tâm mà làm, chuyện khác đã có triều đình lo lắng suy nghĩ. Việc trị hay thả Lê Minh Đức vốn không có cách đẹp cả đôi bên, ngài cần gì phải cầu toàn thái quá? Văn võ bá quan ăn lộc vua phải lo việc nước, há lại có thể ngồi yên mà nhìn?”

Đối sách của Dư Tự Lực thực chất chỉ gồm mười chữ:

“Chuyện gì khó, ném lên cấp trên, trung ương lo.”

Nguyễn Đông Thanh nghĩ nghĩ, cuối cùng cắn răng!

Bấy giờ, Hồng Đô mới lên tiếng:

“Tiên sinh nếu không ngại, thì tiểu nữ có một cách. Nhưng còn cần phải nhờ Lâm Cảnh Trung, Hoàng Sở Sở một phen. Lại thêm sẽ thiếu nợ thế gia sĩ tộc thành Bạch Đế.”

...

Ba ngày sau.

Dưới sự tuyên truyền không ngừng của mấy sĩ tộc lớn trong thành, chân tướng của câu chuyện Bát Chỉ Anh Hùng được vạch trần. Nho môn nghe tin người xuất thủ là Nguyễn Đông Thanh thì càng nháo nhác phối hợp, để sử gia chép lại việc này. Đến nước này, cho dù nhà đế vương có muốn nhúng tay thì kết cục đã định, chẳng thể nào làm gì được nữa.

Binh mã Ải Thị, vận lương quan năm xưa được chính danh. Vương Long, Mã Hổ, Trương Triều, Triệu Hán công lớn hơn tội, nên chỉ bị phạt làm chuyện công ích một năm. Bao nhiêu gia tài bất nghĩa Lê Minh Đức thu được đều bị xung công quỹ.

Hoàng đế Lê Dực lúc này cũng vội vàng hạ thánh chỉ, ghim Lê Minh Đức lên trụ sỉ nhục. Lại cho đặc chế một loại gông cùm mới, lấy tên là gông Minh Đức, chuyên trị kẻ lừa đời lấy tiếng, giả mạo công danh.

Mà đúng như những gì Lý Huyền Cơ nói.

Từ các nơi tiền tuyến như Hải Nha, vô số thành trấn ở châu Thụy Quy, tin đồn không ngừng theo đường sông, đường bộ tản vào Đại Việt. Có nói rằng anh hùng năm xưa đánh Tề đều là hạng mua danh chuộc tiếng, có bảo khi xưa đuổi đại Tề đi là đuổi văn hiến chi sư, để đến giờ Đại Việt nghèo nàn không được khai hóa. Có kẻ bảo anh hùng năm xưa nếu không được chút lợi lộc gì, hà tất phải hi sinh chiến đấu. Lại có kẻ ác tâm nói những người ngã xuống đều là hạng bán nước hại dân, tham lam trục lợi cả.

Lời lời tru tâm, câu câu trảm đảm.

Trong lúc lời ong tiếng ve bay loạn xà ngầu, tiếng thơm giọng thối lẫn lộn chẳng đâu vào đâu, thì lại có một dư luận mới xuất hiện quét tan hết thảy, tựa như gió thu thổi lá vàng, tổ kiến sập thông đê vỡ.

Bích Mặc tiên sinh chỉ nhắm vào Lê Minh Đức, những người còn lại đều không liên can.



Lại không biết từ đâu, “sở tác” của Nguyễn Đông Thanh liên tục bị người lôi ra. Từ “Truyền Kỳ Mạn Lục” đề cao trung, nghĩa, công lý, cho đến những mẩu chuyện thanh quan xử án như Bùi Cầm Hổ, xử hòn đá, ăn trầu đứt đuôi, Bao Thanh Thiên, ..v..v...

Từ Cổ Long thành càng có lời đồn rằng.

Khi đó Nguyễn Đông Thanh áo bào bay múa, đứng trên đầu thành, kiếm chỉ trời xanh:

“Tại hạ hôm nay trảm Minh Đức không vì hư danh, không vì tiền của, chỉ là muốn cho chư vị anh linh tuẫn quốc một công đạo, cho thế gian một mảnh trời xanh. Như có tiểu nhân lợi dụng việc này mưu đồ chính biến, vậy thì đừng trách tại hạ không khách khí.”

Nói rồi tưới rượu lên trường kiếm, vung vẩy ba thước thanh phong, một kiếm chém bay đầu Lê Minh Đức. Lập tức trên trời hào quang vạn trượng, mây lành hiển hóa trải ba trăm dặm, người trong thành Bạch Đế đều nói cho là nhân đức động trời xanh.

Chuyện Nguyễn Đông Thanh từng đánh Phật đạo, đánh Nho đạo lần nữa được người ta nhấc lên. Ai cũng cảm thấy một người đến cả Ngũ Lộ Triều Thiên cũng có thể lôi ra nhào nặn, thì cho dù là trời cao cũng há che được mắt hắn, đất dày há lại chôn vùi được lòng hắn?

Cứ thế, vô luận là vì tin đồn về Nguyễn Đông Thanh, hay vì sự e dè với người có thể đánh biến dạng đại đạo, dư luận nói anh hùng Đại Việt đều là hạng ngu xuẩn, bán nước chết yểu.

Đồng thời, trong khoảng thời gian này, châu chủ Thụy Quy Đồng Quang Vinh, Linh Vương Lý Thanh Minh và Ảnh Hoàng đồng thời ra tay, bắt được không thiếu kẻ loan tin đồn. Trong đó có kẻ muốn hàng Tề, có kẻ muốn thừa cơ kiếm chác, thậm chí lắm tên còn lên sẵn kế hoạch chôn ám chiêu trong đại trận thủ thành, chỉ chờ ngày Đại Tề xuôi nam.

Đối với những người này, Trương Hạc trước tiên sử dụng lời đồn, biến cả đám thành “đám ngu”, “trò cười của thiên hạ”, rồi mới âm thầm xử lý. Đến đây thì chuyện giang sơn lung lay của Đại Việt cũng phết lên một dấu chấm tròn.

Đương nhiên...

Ở thành Bạch Đế, nhân vật chính trong tin đồn kia – Bích Mặc tiên sinh Nguyễn Đông Thanh chính đang giơ ngón giữa về phía Cổ Long thành, mồm phun ra toàn những lời hay ý đẹp, tanh nồng mùi hàng tôm hàng cá:

“Mẹ nó! Đừng để ông bắt được thằng nào nghĩ ra chiêu này! Bằng không chắc chắn cho các người biết cái gì gọi là rider kick.”

“Lại còn vung kiếm chỉ trời xanh? Sao các người không để ta hóa thành cự nhân ánh sáng, tay bắn hào quang vỡ đầu quái thú luôn đi.”

Cố Văn nhìn ông Bích Mặc tiên sinh càng chửi càng khó hiểu, cuối cùng chỉ biết thành thật khuyên can:

“Tiên sinh bớt giận. Chẳng phải đã nói chúng ta ngầm hiểu, để triều đình mượn danh tiếng tiên sinh trấn áp phản tặc hay sao?”

Nguyễn Đông Thanh thở phì phì, xụi lơ ngồi xuống ghế. Sau chuyện lần này, vô luận là Bao Thanh Thiên, truyện cổ Việt Nam hay Truyền Kỳ Mạn Lục chỉ sợ đều bị người đời quy vào là sở tác của gã, có nhảy sông cũng chẳng rửa sạch được.

Bao Thanh Thiên thì cũng thôi. Hắn nghe Lâm Cảnh Trung kể một hai mẩu chuyện thì phát hiện phiên bản này gần như là tiểu thuyết hóa bản phim truyền hình có Kim Siêu Quần thủ vai chính, chứ không phải bản truyện chữ Thất Hiệp Ngũ Nghĩa của Thạch Ngọc Côn. Đương nhiên, điều đầu tiên Bích Mặc tiên sinh của chúng ta thắc mắc là cô hàng xóm làm cách nào xem được phim hay có kịch bản để mà chuyển thể thành tiểu thuyết, định bụng lúc nào có dịp phải hỏi cho rõ. Song, nếu dẹp chuyện này qua một bên thì coi như Hồng Vân không có công lao, cũng có khổ lao vậy. Ngoại trừ việc quy hết mọi chuyện cho gã ra.

Nhưng còn Truyền Kỳ Mạn Lục thì quả thật khiến Nguyễn Đông Thanh đầy đầu toàn nghi vấn...

Tuy đúng là ngày trước gã có mượn vài mẩu chuyện của cụ Nguyễn Dữ dạy trẻ, nhưng trước là có chú thích tác giả tác quyền rõ ràng, sau là cũng không viết bản đầy đủ. Thành thử, bản hoàn chỉnh của Truyền Kỳ Mạn Lục thì hắn chịu chẳng hiểu chuyện gì xảy ra, vì sao lại xuất hiện ở Huyền Hoàng giới, hơn nữa bị chụp lên đầu mình.

Đêm qua hắn còn mơ thấy cụ Nguyễn Dữ đội mồ dậy, bóp cổ thằng hậu bối bố láo bố toét mượn danh cụ lừa đời lấy tiếng đây.

Số chương còn lại hôm nay: 5 chương chính truyện.
Hãy đăng nhập để bình luận !
icon comment - bình luận