Xuyên Qua Làm Nhân Vật Quần Chúng, Vô Tình Dạy Một Đám Đồ Đệ Thành Thánh Nhân - Chương 359: Đúng Sai – Được Mất

Xuyên Qua Làm Nhân Vật Quần Chúng, Vô Tình Dạy Một Đám Đồ Đệ Thành Thánh Nhân

Chương 359: Đúng Sai – Được Mất

Mùng 5 tháng Giêng, ngày cuối của lịch đăng Tết lại trùng luôn với Va-lung-tung. Sau khi xem xét lại tình hình bản thảo thì nhóm tác quyết định hôm nay thả thêm 5 chương (1+4) vào hai chương vốn có, thành 7. Chúc bà con năm mới vui vẻ và Valentine hạnh ph... yên lành! (Chúc yên lành thôi cho nó công bằng)

oOo

Nguyễn Đông Thanh thấy câu chuyện của hai người hoàn toàn ứng với những gì đã bàn với Cố Văn, cũng giải thích được hết những điểm khả nghi mà y đã đề ra ngày trước. Sau đó, gã lại đến chỗ của Lê Minh Đức, hỏi cung một phen. Quả nhiên kẻ này thời gian gần đây sống an nhàn đã quen, tự cho là chuyện mình bịa đặt thiên y vô phùng, nên kể lại hệt những gì thuyết thư tiên sinh vẫn rao giảng trên phố huyện.

Đến lúc này, chỉ chờ tìm được hầm ngầm mà cha mẹ bốn người Vương Long, Mã Hổ đã giấu bọn họ xuống thì coi như án này kết thúc.

Trong có phủ thành chủ ngầm đồng ý, ngoài có thế gia tạo thuận lợi, chẳng mấy chốc án của Lê Minh Đức đã muốn kết thúc. Thế nhưng, ngay lúc Nguyễn Đông Thanh định chọn ngày xử tội họ Lê thì đã có người quen từ thành Cổ Long đến gặp.

Chính là túi khôn của họ Lý – Lý Huyền Cơ.

Lý Huyền Cơ cung tay, cúi chào, nói:

“Lần trước gặp nhau ở Trương phủ đến nay đã có một đoạn thời gian, tiên sinh vẫn mạnh giỏi chứ?”

“Lý đại nhân khách khí. Mời ngồi.”

Nguyễn Đông Thanh tận đạo gia chủ, hai người hỏi thăm khách sáo lẫn nhau một thôi một hồi. Cuối cùng, thời gian chừng uống hết chén trà, Bích Mặc tiên sinh của chúng ta mới hỏi:

“Không biết lần này Lý đại nhân tìm tại hạ là có gì dạy bảo?”

“Dạy bảo thì không dám. Lần này Lý mỗ tuân lệnh hoàng thượng đến làm thuyết khách mà thôi.”

Lý Huyền Cơ xua tay, trên mặt giữ ý cười.

Nguyễn Đông Thanh cau mày, thầm nghĩ chuyện gần đây mình làm đủ để kinh động Trư Đế thì chỉ có hai việc. Một là bãi chức toàn bộ ngục tốt, song việc này các thế gia trong thành đã điều đình với gã, thành thử khả năng không lớn.

Như vậy, cũng chỉ còn chuyện của Lê Minh Đức mà thôi.

“Lý đại nhân nói là cái tên Bát Chỉ Anh Hùng kia?”

“Không sai.”

“Hoàng thượng hạ chỉ muốn tại hạ không truy cứu chuyện này?”

Lý Huyền Cơ thấy càng nói ngữ khí của kẻ đối diện càng lạnh lẽo, thầm cảm thấy may mắn vì kịp thời khuyên Lê Dực. Gã ho khan một tiếng, nói:

“Hạ chỉ thì không, chỉ là Trư Đế nhờ Lý mỗ đến nói chuyện được mất với tiên sinh mà thôi. Quyết định thế nào hoàng thượng không nhúng tay.”

“Vậy xin rửa tai lắng nghe.”

“Chuyện Đại Tề xâm lấn Đại Việt ba mươi mấy năm trước chắc tiên sinh cũng đã biết rồi, tại hạ tạm không nhắc đến nữa. Bây giờ chỉ nói chuyện của Lê Minh Đức.



“Thực ra chuyện kẻ này tráo trở đặt điều, triều đình sớm đã biết.”

Lý Huyền Cơ nhún vai.

Câu chuyện đầy sơ hở của Lê Minh Đức chỉ có thể lừa đời lấy tiếng với thứ dân tầng dưới chót, cả đời quanh quẩn trong một châu một huyện, ít học ít đọc. Đối với văn thần võ tướng trong triều mà nói quả thật chỉ là trò trẻ con, vừa nhìn đã bị điểm phá.

Nguyễn Đông Thanh chặc lưỡi, nói:

“Ra là triều đình dung túng, hèn gì câu chuyện vớ vẩn ấy truyền nửa đời người cũng chưa bị vạch trần.”

“Kỳ thực trong triều cũng có nỗi khổ riêng. Tiên sinh cũng đã gặp Trương lão thái sư rồi. Đây chính là quyết sách năm đó của lão thái sư.”

“Xin được thỉnh giáo.”

“Tiên sinh chắc không biết năm đó lão tiên hoàng ngự giá thân chinh, bị trúng mai phục của quân Tề đến nỗi băng hà. Tiên hoàng lúc ấy mới mười tuổi cũng vì vậy mà bị phi tần trong cung ám hại. Tuy được ứng cứu kịp thời nhưng cũng thương đến căn bản, tráng niên mất sớm, tam cung lục viện thê thiếp thành đàn lại chỉ có một hoàng tử Dực.”

Lý Huyền Cơ nói chuyện thâm cung bí sử nhà hoàng đế, thoạt nghe thì chẳng liên quan gì đến việc của Lê Minh Đức. Nguyễn Đông Thanh cũng cảm thấy khó hiểu, song cũng may tính kiên nhẫn của hắn không tính là quá tệ, thành thử không tiếp tục chen ngang lời nói của y nữa.

Họ Lý lại tiếp:

“Lúc ấy thái tử tuổi nhỏ lên ngôi, thù trong giặc ngoài. Lão tiên hoàng băng hà, lòng người bàng hoàng, châu chủ thành chủ các nơi dưới quân uy của Đại Tề rục rịch tạo phản. Cho dù nội có thái sư phò tá, ngoại có xá đệ trấn áp, song cuối cùng vẫn là ngoại lực, thủy chung không phục được người thiên hạ.

“Binh uy của Đại Tề quá lớn, muốn thắng thì cần phải có cách thu nhân tâm về một mối, quân thần đồng tâm, trăm họ sở hướng mới có thể lấy yếu thắng mạnh, chuyển bại thành thắng.”

Nguyễn Đông Thanh nghe đến đây, mày cau lại.

Gã đã lờ mờ đoán được phương pháp “quy tụ nhân tâm” mà Lý Huyền Cơ muốn nhắc tới.

Họ Lý chỉ ngừng lại trong thoáng chốc lấy hơi, rồi lại nói tiếp:

“Trương lão thái sư thấy muốn cổ vũ muôn dân, để trăm họ có đủ dũng khí đương đầu với Đại Tề thì chỉ có ‘người thật, việc thật’ mới được.

Thế là truyền kỳ về vô số anh hùng kháng Tề thuận đại thế mà sinh, kế tuôn đi khắp mọi nẻo đường. Chuyện thật có, mà nói quá chút đỉnh đương nhiên cũng không tránh được. Thái sư lại nhân đấy nói anh hùng xuất hiện cứu thế, hào kiệt ứng kiếp sinh ra đều là minh chứng khí số Đại Việt chưa tận, chính danh cho tiên hoàng bấy giờ.

“Mà quân dân Đại Việt sau đó quả thật sĩ khí như hồng, đánh tan quân Tề, nhặt lại núi sông đã đứt gãy.”

Câu chuyện của Lý Huyền Cơ có vẻ đến đây là hết.

Nguyễn Đông Thanh nghe đến đây, lại hỏi:

“Chuyện được mất khi xưa tại hạ đã tỏ tường, nhưng chuyện đã xảy ra hơn ba mươi năm, vì sao đại nhân còn ngăn cản Đông Thanh công bố chân tướng cho bàn dân thiên hạ, cho những người ngã xuống một câu trả lời thỏa đáng?”

Lý Huyền Cơ nói, ngữ khí mang vẻ khẩn khoản:

“Tiên sinh vào triều chưa lâu, chắc còn chưa biết. Hiện giờ Đại Việt ta nhìn như thành đồng vách sắt, thực ra nguy cơ tứ bề. Phía bắc các nước hãy còn rục rịch, phương đông Long Tộc nhìn chằm chằm, mặt tây lại có Sơn Man dòm ngó. Hà huống, binh mã tràn tới còn có Huyền Thiên cáng đáng, nhưng nếu là mưu kế công tâm, giết người không đao thì thật là khó bề phòng ngự. Tiên sinh thử nghĩ xem, nếu kẻ thù mượn gió bẻ măng, nói tất cả những truyền kỳ khi xưa đều là chúng ta ngụy tạo, há không khiến dân tâm dùng máu và nước mắt ngưng tụ bể tan tành hay sao?”



Lời của Lý Huyền Cơ bất giác khiến Nguyễn Đông Thanh nhớ lại chuyện ở địa cầu.

Ở đó cũng có một đám người miệng kêu là “yêu nước”, nhưng hở một chút là tìm đủ mọi cách xóa bỏ thành quả cách mạng.

Cũng có một số người ám ảnh cưỡng chế với hai chữ “lật sử”, đến độ cũng hành xử cứ như lịch sử là một thứ gì đó minh xác hoàn toàn, khuôn vàng thước ngọc.

Cứ như cái ông anh đưa sách thơ cho Nguyễn Đông Thanh mượn vẫn nói, rằng sử thực ra là một môn khoa học. Mà đã là khoa học thì phải có tinh thần sẵn sàng thách thức cái hiện có, cùng truy tìm chân lý, hoàn thiện hiểu biết chung.

Đương nhiên cũng có hơi lý tưởng hóa, nhưng chí ít, trên phương diện học thuật, gã đồng ý với quan điểm này.

Cái chuyện học thuật đấm nhau với chính trị, ổn định xã hội bóp cổ truy tìm tri thức này ở địa cầu đã làm cả Nguyễn Đông Thanh lẫn ông anh gã đau đầu, chả biết phải giải quyết sao cho phải. Không ngờ đến Huyền Hoàng giới lại lần nữa được trải nghiệm người thật việc thật.

Lý Huyền Cơ thấy gã trầm tư, mới đứng dậy vái:

“Lời hơn thua được mất tại hạ đã nói xong, cần phải về Cổ Long phục mệnh. Đương nhiên quyết định sau cùng vẫn là của tiên sinh, hoàng thượng không sẽ không can thiệp, cũng không trách tội.”

“Vậy phiền đại nhân thay Thanh tạ ơn bệ hạ khai ân.”

Nguyễn Đông Thanh mấy ngày nay cũng được Cố Văn khai khiếu, biết sở dĩ hiện giờ người ta khách khí với hắn như vậy hoàn toàn là vì biểu hiện của gã lúc luận đạo với Phật môn quá mức dọa người. Hôm nay, đến ngay cả hoàng đế cũng không trực tiếp hạ chỉ ra lệnh cho gã làm theo ý mình, chỉ sai người đến thuyết phục giải thích lại càng khẳng định suy đoán này của ông đồ.

Đối với việc này, Bích Mặc tiên sinh của chúng ta cũng dở khóc dở cười. Thế nhưng lúc đó người cho gã mượn “cửa sau” với Phật đạo đã dặn là không được tiết lộ, gã chịu ơn người ta, há lại vì cảm xúc của bản thân mà bán đứng người khác? Thành thử, cũng như với Hồng Vân, Nguyễn Đông Thanh sau khi biết chuyện cũng chỉ có thể mặt dày coi như là mình làm thật.

Lý Huyền Cơ đáp:

“Chuyện ấy đã hẳn.”

oOo

Nguyễn Đông Thanh cứ bị những chuyện được mất – đúng sai mà Lý Huyền Cơ nhắc tới quấy rầy, không tài nào hạ quyết định được. Chuyện cứ thế kéo dài thêm ba ngày.

Lê Minh Đức nằm trong ngục ngày càng càn rỡ, đám người Vương Long, Mã Hổ cũng vì sự do dự của gã mà bắt đầu nghĩ quẩn.

Cuối cùng, cực chẳng đã, Nguyễn Đông Thanh đành sử dụng biện pháp “quy tụ sức mạnh quần chúng”, gọi bốn người Hồng Đô đến vấn kế. Nếu không phải có người nhắc hiện giờ chiến tranh với Hải Thú còn đang nổ ra, có khi Bích Mặc tiên sinh còn gọi cả phân thân của hội phụ huynh cổ viện ra họp chung.

Bích Mặc tiên sinh trần thuật lại đầu đuôi sự tình, đoạn hỏi:

“Chuyện này khốn nhiễu tại hạ nhiều ngày, nghĩ mãi cũng không có cách nào ổn thỏa. Không biết mọi người thấy chúng ta phải làm thế nào?”

Lần này tính cả Hồng Đô, bốn người đều cảm thấy tiên sinh đang thử bọn họ. Đoàn người trao đổi ánh mắt, cuối cùng Cố Văn tiến lên trước một bước, nói:

“Tiên sinh, thứ cho Cố mỗ nói thẳng, ngài chẳng qua là không muốn ảnh hưởng đến trăm họ, không muốn đả phá thái bình hiện giờ mà thôi.”

Số chương còn lại hôm nay: 6 chương chính truyện.
Hãy đăng nhập để bình luận !
icon comment - bình luận