Xa Gần Cao Thấp - Chương 193: Khi em từng đến

Xa Gần Cao Thấp Chương 193: Khi em từng đến
Khi em từng đến

......

Trời lạnh đến mức nước mũi cũng sắp đông cứng, Phong Niên bước ra khỏi cổng phía Tây, đi thẳng đến quá cá nướng tại Phố ẩm thực Sướng Xuân Viên nơi các sinh viên học sinh thường tụ tập. Có một chị khoá trên được nhận vị trí giảng dạy trong ngôi trường 985 nào đó ở phía Tây trước thời hạn, thông báo tuyển dụng vẫn chưa kết thúc, đã bị một nhóm người ầm ĩ kêu mời đi ăn một bữa.

Trong đầu đầy sách nhưng trước mắt vẫn không biết đi đâu, có ý định đến công ty bất động sản lên kế hoạch, cũng có hướng đi "nghiêm túc" hơn là thi tuyển công chức. Theo sự công nhận chung của mọi người về hiện trạng "tấm bằng tốt nghiệp đang bị mất giá", nhân lúc cây vẫn còn lớn, các đàn anh đàn chị khuyên Phong Niên hãy quyết định sớm.

"Ở lại Bắc Kinh cũng không mua nổi nhà. Nếu coi như ở lại vì thế hệ sau, nghiến răng chịu đựng khổ sở mấy chục năm vì các con, mình được gì?" Có đàn anh uống say vì vừa chia tay người yêu nói, được vài cân tiền âm phủ chúng nó đốt cho à?

Nếu họ biết có người muốn mua nhà cho Phong Niên nhưng bị cô từ chối, chắc chắn sẽ một tay giơ ngón tay cái lên: "Đúng là có khí phách", trong khi tay còn lại giơ ngón út: "Tại sao phải khổ vậy Phong Niên?"

Trong bữa ăn hôm nay, Phong Niên là người ủ rũ nhất, bởi lòng cô day dứt ba câu nói của chị Tống: "Chị đã về Bắc Kinh", "Thực sự không gặp nữa sao?", "Phong Niên, đôi khi trẻ con là một phẩm chất đạo đức tốt, cũng là sự trói buộc".

Một tháng trước Phong Niên đã nói đừng gặp nhau nữa, chị hãy đi tìm trạm dừng chân tiếp theo, em cũng cho chị tự do.

Chị Tống không nói thêm lời nào, như thể đã hoàn toàn bốc hơi khỏi thế giới của Phong Niên.

Trước mắt, hơi nóng làm mờ cửa kính, những giọt nước không còn trụ vững trên làn sương loãng chỉ đành buông lơi tí tách nhỏ giọt. Phong Niên nghĩ hôm nay nếu như trời lạnh hơn thì tốt, ăn đồ nóng làm gì? Cô đáng bị cóng buốt tim gan.

Ăn đến 10 rưỡi tối, cả nhóm giải tán, đàn chị dặn dò và cảm ơn từng người một, đến lượt Phong Niên, chị sờ mái tóc xoăn của cô: "Phong Niên à, chị không cần mong đợi sau này sẽ tạo nên cống hiến chuyên môn gì đó nữa. Trong số chúng ta, chỉ có em mang trọng trách đầy mình." Đàn chị vào đại học để làm thư ký hành chính cho hiệu trưởng.

Lỗ mũi và miệng Phong Niên thở ra khói trắng, tay đút vào túi, chậm rãi bước về nhà, vừa đi vừa chửi thầm đàn chị và chị Tống - là bản thân mấy người không muốn mơ ước, mấy người hướng về thực tế, tại sao lại coi Hoài Phong Niên tôi như một cột đá bên đường?

Đối với mấy người, công việc mơ ước và tình yêu mơ ước chỉ là một bộ phim nghệ thuật tinh xảo, lời nào cũng hợp lý mạch lạc, nhưng khi thực hành thì dở dở ương ương. Chẳng lẽ ý tại ngôn thoại của ước mơ là làm một kẻ ngốc chăng?

Phong Niên nghĩ có lẽ mình quá ngốc nên hết lần này đến lần khác bị người ta giao phó những trách nhiệm nặng nề. Bước đến trước cổng Tây, Phong Niên bỗng quay người không vào nữa, kéo khăn quàng lên, rụt cổ đi về phía nhà ga, men say dâng lên não, Phong Niên lấy điện thoại ra gọi: "Được thôi, bây giờ em đến Tả Gia Trang, nếu chị có thành ý thì đến đó đợi em."

Mạnh mẽ nói xong, nước mắt cô nhanh chóng rơi xuống, để lại một đường dấu tích ẩm ướt, lau đi sẽ cảm thấy đau.

"Alo..." Phong Niên đứng bên đường nói với điện thoại: "Tống Việt Quỳnh, alo? Không phải chị muốn vẫy tay gọi tới, khua tay đuổi đi sao? Em cũng ở đây, công bằng chưa? Em không muốn nhà của chị, em chỉ muốn công bằng, được không?"

Đầu dây chị Tống không lên tiếng, nghe Phong Niên nức nở một lúc lâu: "Chị ở đây." Giọng chị Tống run rẩy: "Nếu em muốn công bằng, bây giờ chị sẽ đến trường."

"Đừng đến!" Phong Niên khóc, đầu mũi đỏ bừng: "Chị đừng đến nữa, em không chơi nổi."

Những gì Phong Niên nhẫn nhịn suốt mấy tháng qua cuối cùng cũng bộc phát: "Chị coi em là gì?" Tống Việt Quỳnh cúp điện thoại.

Đi đến bến xe, Phong Niên nhận ra mình đã mất phương hướng từ lâu, cô không muốn về ký túc xá, bèn chuyển hướng đến nhà nghỉ thuê phòng. Đêm nay hẳn sẽ là màn đêm đầy trằn trọc, chưa kịp nằm xuống đã lại có một cuộc gọi đến, là giọng nói tủi thân của Túc Hải: "Hoại Phong Niên, em đang ở ga tàu."

Ga tàu nào? Phong Niên choáng váng.

Ga Nam Bắc Kinh. Cô gái lớn nói em đến theo chị, em không muốn ở Bách Châu nữa.

Phong Niên hoàn toàn tỉnh lại: "Cái gì?"

Là thế đấy, Túc Hải nói cũng không muốn quay lại tiệm cắt tóc ở Tả Gia Trang, em, Gloria, muốn lập nghiệp nên danh ngay tại Bắc Kinh này. Hoại Phong Niên, chị có cưu mang em không? Chỉ một hoặc hai ngày thôi, đợi em tìm được nơi ở mới, em sẽ chuyển đi ngay. Còn nữa, chị có thể đi tìm việc làm thợ cắt tóc cùng em được không? Không được thì em sẽ dựng sạp trên lề đường cắt tóc cho người ta.

Phong Niên nói nhóc chờ chị. Túm lấy áo phao rồi ra ngoài, may mà là chặng đường không quá xa, bắt xe cũng không tắc đường, chưa đầy 30 phút sau đã đón được Túc Hải như đang lang thang lánh nạn - Cô gái lớn mặc dày kín mít, trên mặt có vết sẹo dài, tay xách hai chiếc vali kéo có buộc con gấu bông nhiều màu bẩn thỉu bên trên. Người đáng thương, gấu cũng khổ, ánh mắt Phong Niên đáp lên mặt Túc Hải, Túc Hải nói em đói.

Được, đến cạnh trường của chị ăn. Phong Niên kéo vali giúp Túc Hải.

Cô gái lớn yên vị chỗ ngồi, lập tức không nói gì nữa, ăn xong một bát bún, tiện thể giải quyết luôn phần của Phong Niên. Ợ xong, mới kể lại toàn bộ sự việc: "... Em bị phê bình, bị giáo dục, trong khi hắn ta không bị nhốt vào tù, họ nói là mâu thuẫn tình cảm, mẹ em đánh em, em không muốn làm ăn cùng mẹ em nữa."

Tóc của Túc Hải được búi qua loa thành một cục tròn trên đỉnh đầu, tóc mái xõa xuống, đôi môi căng mọng của cô gái lớn mấp máy, cái miệng đầy dầu mỡ mang vẻ trẻ con đầy tức giận cũng động đậy. Phong Niên nhìn mặt Túc Hải: "Có đau không?"

Không đau, em đánh hắn ta thì đau lắm, mắt sưng tấy cả lên. Cảnh sát bảo em từ sau không được đánh nhau nữa, sẽ không gả đi được đâu. Túc Hải ăn xong mới cảm thấy bứt rứt, đặt hai tay lên đầu gối: "Hoại Phong Niên... em đã gây phiền phức cho chị."

Không sao, từ bé đến lớn nhóc không gây phiền phức cho chị, chị mới không quen. Phong Niên và Túc Hải nhìn nhau, thấy bọng mắt của cô gái lớn hiện rõ khi cười, cô cũng cười.

Nhóc đến đây rồi, thật tốt, Phong Niên nói.

Phòng ốc đã sẵn có, Phong Niên nằm một bên, cô gái lớn nằm bên còn lại, ở giữa kẹp con gấu bẩn. Phong Niên hỏi mang nó đến, hẳn là nó rất quan trọng nhỉ?

"Quan trọng, là quà Tiểu Liễu tặng em năm lớp 8." Túc Hải nói trông bẩn vậy thôi, thực ra không phải đâu, do giặt chung với quần áo nên phai màu. Cô quay đầu lại, nhìn Phong Niên đang chống đầu nhìn đèn trần: "Hoại Phong Niên, chị nhanh quá, kịp thuê phòng trước cho em."

Phong Niên cười khổ: "Chị thuê cho chị, chưa kịp ngủ mà thôi." Chắc hẳn nhóc đang nghĩ chị bị ấm đầu đúng không? Gần trường như vậy mà sao không về ký túc xá, hôm nay chị không muốn về.

"Vì ở trường có chuyện gì không vui à?" Túc Hải nhìn chằm chằm tóc của Phong Niên: "Em mang theo kéo đấy, ngày mai cắt cho chị nhé."

Được. Phong Niên nhẹ nhàng nói, chỉ là chị hơi tê liệt... sợ chị ấy sẽ đến tìm chị. Phong Niên nói Tiểu Hải, nhóc bị Edison quấn mãi không bỏ, chị cũng bị chị Tống làm thế.

"Khác biệt là Edison suốt ngày xuất hiện trước mặt nhóc đúng không? Còn Tống Việt Quỳnh ở trong tim chị." Phong Niên hỏi Túc Hải có buồn chán không? Hay là bật TV lên xem nhé?

Không cần. Nói chuyện với chị không hề chán. Điện thoại của Túc Hải lại vang lên, cô vẫn bấm tắt. Hai người im lặng một lúc, Phong Niên hỏi chắc là mẹ nhóc lo lắm nhỉ?

Đôi mắt của cô gái lớn bỗng chốc đỏ lên: "Em để lại thư cho mẹ, bảo mẹ yên tâm. Với vóc dáng và khả năng đánh đấm của em, có lẽ mẹ chỉ lo em bị vào đồn cảnh sát."

Phong Niên bật cười, quay người đối diện với Túc Hải: "Nhóc không chỉ buồn vì bị mẹ đánh, chủ yếu vì mẹ không hiểu nhóc có đúng không?"

Nước mắt Túc Hải tràn ra, Phong Niên lau cho cô gái lớn, cô gái lớn né tránh tay Phong Niên, kéo chăn lên che đầu, giọng nghèn nghẹt đáp: "Hồi còn nhỏ, mẹ em bị bà nội kế bắt nạt, em đến giúp thì mẹ em nói lần sau đừng can thiệp vào chuyện của người lớn. Nhưng nếu em không can thiệp, sao mẹ em có thể chống lại bà ta?" Hoại Phong Niên, mở tiệm cắt tóc thực sự không dễ dàng, mẹ em tốt tính, đôi lúc bị khách bắt nạt mà vẫn tươi cười. Tiền kiếm tổng có ngót nghét 100 tệ. Có đáng không?

Mẹ em nói, khi làm ăn với làng trên xóm dưới, nếu tính tình nóng nảy ắt sẽ bị người ta đồn tiếng không hay, sẽ cho rằng người như con làm ăn không chân thành.

Cô gái lớn kéo chăn xuống, đôi mắt to như mắt hươu nhìn Hoại Phong Niên: "Mẹ em có thể nhẫn nhịn chịu đựng cửa hàng bị đập phá, nhưng em không thể, em không nhịn được. Hôm nay hắn có thể đập cửa tiệm nhà em, ngày mai hắn dám đập cái gì?"

Mẹ em cứ nói đã nuôi dạy em không tốt. Túc Hải nghẹn ngào, nhưng mẹ em không hỏi em chuyện ly hôn, chuyện lại kết hôn và sinh con cũng vậy, bây giờ lại ly hôn. Có phải mẹ em nghĩ em không ngoan nên mới sinh thêm Thiệu Quân Hàm?

Đây mới là vấn đề chính. Phong Niên cười: "Không phải." Trong hôn nhân, mẹ nhóc có những nỗi niềm khó nói, không phải vì nhóc không ngoan nên mới sinh thêm em trai.

Nỗi niềm khó nói gì? Túc Hải nói em không muốn lấy chồng nữa, yêu đương đã đủ đáng sợ, càng chưa kể lấy chồng sinh con.

Phong Niên không nói gì, vẫn đối mặt với Túc Hải nhưng ánh mắt đang lang thang nơi khác, cô nói, hẳn là có rất nhiều, mẹ chị không chịu ly hôn với bố chị, vừa chê trách ông ấy không góp sức cho gia đình nhỏ, vừa sợ nếu ly hôn sẽ bị người đời chỉ trỏ. Ở chỗ chị, người dân trong thị trấn thậm chí còn biết chính xác thời điểm gà nhà hàng xóm đẻ trứng, không có sự riêng tư.

Thực ra Phong Niên nghĩ đến chị Tống, cho dù đã đến tình cảnh này, cô vẫn tìm đủ loại nỗi khổ tâm thay chị Tống, nghĩ đến cả những bất lực giai đoạn hậu hôn nhân.

"Hoại Phong Niên, chị Tống thích điều gì nhất ở chị?" Câu hỏi của cô gái lớn khiến Phong Niên hoàn hồn, Phong Niên nói không thể giải thích rõ. Trước đây chị ấy nói chị giống một người bạn cùng lớp của chị ấy, sau đó chị không muốn nghĩ theo cách ấy nữa.

Chị có biết không, em nghĩ có lẽ chị ấy rất thích sự dịu dàng của chị. Túc Hải nói chị rất tốt tính, không bao giờ tức giận, cũng như không nhỏ nhen.

"Chị nhỏ nhen, cũng biết tức giận." Điện thoại của Phong Niên lại reo lên, vừa thấy là "Chị Tống", cô không nói gì, ngước mắt nhìn lên trần nhà đếm thầm 15 giây. Đếm một giây là một phân trong trái tim nhói đau. Đếm đến mười, cô nhận điện thoại: "Em sắp đi ngủ."

"Lần trước ở Thiên Đài em cũng cố chấp muốn về Bách Châu ngay lập tức, không muốn nghe chị giải thích." Chị Tống thở dài ở đầu dây bên kia: "Chúng ta chênh nhau 20 tuổi, vốn dĩ đã mang tình cảm khác người bình thường, tại sao phải áp đặt bản thân trong định kiến thế thường?"

Những định kiến thế thường gì? Phong Niên nói em hiểu rõ chính em, chúng ta thậm chí không thể thực hiện những nghi lễ thế thường. Chúng ta không thể kết hôn, cho dù có cơ hội ra nước ngoài làm thủ tục, chị cũng không thể vượt qua Chương Chương. Chị nghĩ em để bụng chuyện đó phải không? Tống Việt Quỳnh, chị sai rồi. Em không quan trọng chúng ta có thể kết hôn hay không, cũng chẳng hề đặt nặng liệu chúng ta có thể sống bên nhau mãi mãi, ngay cả khi chị chỉ có thể dành 12 ngày một năm đến gặp em.

Điều em để bụng là em chỉ là một thứ gia vị trong cuộc sống của chị, một lọ tiêu đen, bị chị cho vào máy xay tiêu. Khi cần, chị lộn ngược lại, vặn quay, và xay cho đến khi hạt tiêu đen được nghiền thành bột. Chỉ vậy thôi.

Đúng, em không oán trách, em là món quà tuyệt vời nhất của chị, em chỉ muốn nghe một câu, chỉ một câu thôi: "Hoài Phong Niên, chị không thể thay đổi cuộc sống, nhưng em không phải là một món quà, em không phải hạt tiêu, em là tình yêu của chị." Phong Niên nói em thật ngu ngốc, bị đem ra làm món quà cũng phải vui vẻ. Tống Việt Quỳnh, phép toán tinh xảo của chị quá thâm, em không đủ trình độ để hiểu.

Chị muốn tặng cho em một căn nhà vì cảm thấy áy náy, hay là muốn nhốt em trong căn nhà đó lâu hơn?

Phong Niên dụi mắt, quay lưng về phía Túc Hải đối chất với chị Tống. Một lúc sau chị Tống mới nói, hoá ra em nghĩ vậy sao?

Vậy em phải nghĩ thế nào? Phong Niên hỏi.

Phải, chị không thể kiểm soát suy nghĩ của em từ xa. Chị Tống bất lực trả lời, vậy hãy đừng gặp nhau nữa vậy, chúc em có một tương lai tươi sáng và tìm được người thực sự yêu em.

Cô cúp điện thoại, Phong Niên nhìn điện thoại bằng cặp mắt không thể tin được: "Tống..." không còn nghe thấy giọng của Tống Việt Quỳnh. Tâm can Phong Niên mất cảm giác, cô cúi đầu quay mặt vào tường một lúc, Túc Hải lật người đến cạnh hỏi: "Hoại Phong Niên?"

Chia tay thật rồi. Phong Niên lẩm bẩm, nhìn Túc Hải: "Tiểu Hải..." Những giọt nước mắt tràn ra lai láng, Phong Niên được cô gái lớn ôm vào lòng, ướt cả cổ áo Túc Hải: "Chị... chị buồn."

Em biết, em biết, cô lớn nói vậy chị cứ khóc đi, khóc ra đi.

Phong Niên bật khóc, cô lạnh lẽo, nhưng cũng ấm áp, không kêu gào bỏng họng, chỉ bụng phập phồng lên xuống, nén giọng thầm thút thít. Tay cô gái lớn đặt sau cổ Phong Niên, nhẹ nhàng nắm lấy phần chân tóc chỗ đó, bị cảnh tượng lúc này ảnh hưởng, cũng gào lên khóc thương.

Phong Niên sợ hãi, khịt mũi, "Sao vậy Tiểu Hải?"

Tình yêu khổ quá, khổ quá. Túc Hải khóc, Hoại Phong Niên, chẳng mấy khi em thấy chị được vui vẻ. Cả Tiểu Liễu nữa, bạn ấy cũng khổ. Yêu công khai không thoải mái, yêu thầm cũng chẳng khác là bao...

Phong Niên lau nước mắt: "Không, không, tình yêu cũng có nhiều chỗ rất vui."

Không vui! Chị đã biến thành hạt tiêu và sắp bị nghiền thành bột. Cô gái lớn nói lẽ ra em không nên đến, chỗ nào cũng buồn quá thể là buồn. Hoại Phong Niên, em không muốn lớn lên, em thích mãi mãi sống ở làng trong thành, lấy kìm uốn tóc và ăn chơi vui vẻ với mọi người.

Câu nói ngây thơ quả thực đã khiến Phong Niên đổi buồn làm vui, cô ôm lại cô gái lớn: "Không sao đâu, thật đấy. Ngày mai sẽ dẫn nhóc đi ăn xương dê hầm, nước lẩu đỏ hay trắng đều chén hết."

Phong Niên khóc sưng mắt, ngày hôm sau cùng cô gái lớn đi ăn xương dê hầm, cũng không quên lén lút gửi tin nhắn cho Mao Tín Hà lúc nửa đêm hôm qua, thông báo Túc Hải đang ở cùng cháu, cháu sẽ đưa em ấy trở lại Bách Châu sau khi hoàn thành công việc.

Mao Tín Hà hết lòng biết ơn, nói cô cũng đoán con bé đến tìm cháu. Sau đó chuyển 2.000 tệ, nói Tiểu Hoài dẫn cô gái lớn đi ăn chút đồ ăn ngon. Đứa trẻ này phải dỗ bằng vài bữa ăn mới được.

Túc Hải đeo găng tay gặm xương, Phong Niên nhúng và vớt thức ăn cho Túc Hải. Cô gái lớn nói điện thoại của chị lại sáng kìa, nhảy lên mấy tin nhắn rất dài, nối tiếp nhau.

"Ồ." Phong Niên lau hơi nước trên kính, đúng vậy, cô đã nhìn thấy rất nhiều tin nhắn từ chị Tống:

Phong Niên:

Nhìn chữ như gặp mặt. Dù năm nay chị rất nóng lòng muốn quay lại, nhưng cũng đã sẵn sàng tâm lý không thể gặp lại em. Qua hai năm quen biết, hơn một năm yêu nhau, khắc độ này tuy không dài trong cuộc đời chị, nhưng tuyệt đối không hề nông.

Chị tưởng rằng chuyến đi đến Thiên Đài lần trước có thể bày tỏ rõ ràng những lời nói thầm kín của chị, tiếc thay, sau nhiều năm tốt nghiệp, kỹ năng chữ viết và ngôn ngữ của chị đã giảm sút đáng kể, có vài lý do ngôn ngữ không thể diễn tả hết điều chị muốn nói, trên hết là bởi chị đã đi quá xa, chừng như quỹ đạo của chúng ta trùng nhau, trong khi thực chất nó rải rác rối ren.

Hôn nhân đối với chị đã là quá khứ, tự do tự tại, vô ưu tiền tài, lẽ ra chị có thể thoải mái tận hưởng tình yêu, nhưng có hai điều luôn khiến chị rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan: Thứ nhất, em còn quá trẻ, còn vô số khả năng trong cuộc sống. Chị tham lam, một mặt muốn cố gắng hết sức lâu dài bên em, mặt khác lại sợ lỡ dở mọi lựa chọn trong cuộc sống của em. Vậy nên chị mong muốn chúng ta hãy yêu với thái độ thoải mái hơn, hãy ở bên nhau với quan niệm "phải có đánh mất, mới có trân trọng". Chị luôn kính phục câu nói của Beauvoir rằng "tình yêu đến từ tự do", nhưng đã bỏ qua một điều, "tự do đến từ mối quan hệ bình đẳng".

Thứ hai, Chương Chương biết về mối quan hệ của chúng ta. Đứa trẻ này rất nhạy cảm, nói chuyện vài câu rồi thôi không nhắc nữa, chị đứng ngồi không yên suốt mấy tháng nay.

Có lẽ nhân sinh không cần thiết phải theo đuổi sự hoàn mỹ, nhiều người cho rằng chị thành công, lẽ ra nên hiểu thấu đáo sớm hơn từ lâu.

Ngoài ra, chị mua nhà ở Bách Châu không phải để giam giữ em, chị chỉ nghĩ có thể giúp em chút đỉnh bằng năng lực của chị, nghĩ đi nghĩ lại, một là sống và làm việc ở Bắc Kinh, hai là mua nhà giúp bố mẹ, nhất là giúp mẹ em sớm thoát khỏi khó khăn trong cuộc sống. Em là một người vô cùng ấm áp và lương thiện, em luôn có những tiếc nuối, bất mãn và trên hết là áy náy đối với mẹ em. Nếu những điều đó làm tổn thương em, xin hãy cho chị xin lỗi. Em vốn dĩ không phải chim hoàng yến cần lồng đẹp và thức ăn ngon làm mồi nhử, nhưng giữa bạn bè với nhau cũng có câu chuyện đẹp đẽ như xây tổ và giúp đỡ lẫn nhau, huống chi là hai ta? Số tiền này chị để ra riêng, nếu em cần, lúc nào cũng có thể lấy.

Phong Niên, em không phải hạt tiêu, cũng không phải bất kỳ loại gia vị nào khác. Em là một thanh kiếm nhỏ sắc bén, không đâm chết người nhưng đủ để xuyên thủng lớp ngụy trang mà chị phải nương dựa mưu sinh. Em không muốn địa vị thông thường, chỉ cần địa vị trong tình yêu. Chị tưởng đã đưa cho em, em tưởng chưa bao giờ được nhận. Chị nghĩ, có lẽ dao hợp nhất với gỗ và đá, chị không phải gỗ và đá, mà là dòng nước đã nhìn thấy điểm tận cùng.

Cảm ơn em đã cho chị một tình yêu tuyệt vời. Chị không thể khắc thuyền tìm kiếm [1], thanh kiếm của em đã chìm xuống lòng sông, đủ để chị không ngừng nghĩ về trong suốt cuộc đời còn lại. Thật tuyệt vời khi em từng đến.

Chị đã đổi vé máy bay, ngày mai sẽ về với bố mẹ. Phận làm con gái đã nhiều năm nhưng hầu như chưa bao giờ tận tâm phụng dưỡng họ, bắt đầu từ bây giờ vẫn còn kịp.

Chị không kiểm soát được lời nói trong cuộc điện thoại tối qua, mong em hiểu cho. Lời chúc của chị vẫn không thay đổi, mong em sẽ tìm được một người yêu dấu có thể ở bên em ngày đêm, không còn sầu khổ vì vấn đề thực hư địa vị. Gặp lại cũng được, không gặp lại cũng không cần buồn đau, Phong Niên.

Người yêu cũ - Tống Việt Quỳnh

Phong Niên run rẩy gọi lại cho chị Tống, đầu bên kia không ai trả lời, có lẽ chị gửi tin nhắn ngay trước khi máy bay cất cánh. Trong quán xương dê hầm, than đỏ đang cháy, hơi khói lượn lờ cùng nước dùng sục sôi, ngoài cửa sổ là con phố ồn ào, trong cửa sổ là những gương mặt chân thực.

Nhìn Túc Hải, Phong Niên ngẩn ngơ tưởng rằng đây không phải Bắc Kinh mà là Bách Châu. Tống Việt Quỳnh như nữ chính trong một cuốn tiểu thuyết mà cô đã đọc, cô khóc, cô cười, cô bực tức, thở dài nặng nề và cuối cùng đóng sách lại.

Tỉnh lại từ một giấc mơ, cô rơi vào ảo cảnh của "Trang Chu mộng hồ điệp" [2]. Phong Niên cúi đầu nhìn đĩa nước tương, cô gái lớn gắp cho cô một miếng thịt tươi: "Ăn đi Hoại Phong Niên, lúc này nó mềm nhất đấy."

Phong Niên ăn thịt dê, ấm nóng lan vào trong lòng, há miệng hà hơi, mi rơi nước mắt.

Phong Niên vẫn cố gắng ăn nhiều nhất có thể, Túc Hải qua lớp khói mù mịt phía đối diện cũng hăng hái gật đầu ăn. "Nhóc đã thấy vui hơn chưa?" Phong Niên lau nước mắt vờ như lau mồ hôi, hỏi Túc Hải.

"Vui!" Cô gái lớn nói: "Hoại Phong Niên, em sẽ mở tiệm cắt tóc, làm bà chủ, kiếm tiền ngày nào cũng đưa chị đi ăn món này." Bữa này chị trả tiền phải không?

Phong Niên muốn cười, nhưng cô nhịn lại, cười không giống cười, khóc không giống khóc.

......

[1] Câu chuyện "Khắc thuyền tìm kiếm": Ngày xưa, có một người ngồi thuyền qua sông, không cẩn thận đánh rơi chiếc kiếm bên hông, chìm xuống lòng sông rồi mất dạng. Người này vội vàng khắc lên mạn thuyền đánh dấu, tự đắc nói: "Kiếm của tôi chính là từ chỗ này mà rơi xuống nước đây." Thuyền đi mãi đi mãi, cuối cùng cũng thấy được bờ bên kia. Người nọ cuống cuồng từ chỗ mạn thuyền có vết khắc mà nhảy xuống sông tìm kiếm, nhưng không thể tìm được. [2] Câu chuyện "Trang Chu mộng hồ điệp": (Thu Giang Nguyễn Duy Cần dịch): Xưa Trang Chu chiêm bao thấy mình là bướm vui phận làm bướm, tự thấy thích chí, không còn biết có Chu nữa. Chợt tỉnh giấc, thì lại thấy mình là Chu. Không biết Chu chiêm bao là bướm, hay bướm chiêm bao là Chu? Chu và bướm ắt phải có tánh phận khác nhau. Đó gọi là Vật hóa.
Hãy đăng nhập để bình luận !
icon comment - bình luận