Xa Gần Cao Thấp - Chương 59: Đều sẽ ổn thôi

Xa Gần Cao Thấp Chương 59: Đều sẽ ổn thôi
Ngày 30 tháng 12 âm lịch, Du Nhậm sưởi ấm và đọc sách bên đống lửa trong nhà ông bà ngoại ở Du Trang. Du Văn Chiêu nhìn khuôn mặt càng ngày càng trưởng thành của cháu gái, sờ mái tóc hoa râm của mình: "Hừm, giống ai không biết?"

Hồ Trạch Phân nói đứa trẻ biết chọn nét, chỉ lấy chiếc mũi là niềm tự hào duy nhất trên khuôn mặt bố và thừa hưởng tất cả những gì xinh đẹp nhất của mẹ.

Nhắc đến bố của đứa trẻ, trong lòng hai ông bà già vẫn ôm một hy vọng mờ nhạt: dù đã ly hôn, Nhậm Tụng Hồng vẫn đến nhà thăm họ vào dịp Tết Nguyên đán hàng năm, đó chính là biết làm người, biết xử thế. Du Văn Chiêu nghĩ, đúng là đàn ông khác phụ nữ, lại còn rộng lượng hơn nhiều.

Ông từng khuyên Du Hiểu Mẫn rằng hôn nhân không còn nhưng bổn phận còn đó, mỗi dịp lễ tết con cũng nên đưa Du Nhậm về thăm bố mẹ Nhậm Tụng Hồng. Du Hiểu Mẫn lập tức thẳng lưng, mở to mắt: "Thăm cái gì mà thăm? Con bé họ Du, không phải họ Nhậm, nhà hắn ta không thiếu con cháu. Vợ hắn tên Liêu Hoa, sinh cho hắn một đứa con trai, gia đình ba người nhà họ êm ấm hạnh phúc, chúng ta đến đó dí vào mông lạnh à?"

Du Văn Chiêu không còn nhắc tới chuyện này nữa, ông chuyển tầm nhìn sang Du Hiểu Mẫn, người về nhà ăn tối đêm giao thừa: "Bây giờ dù sao con cũng là phó viện trưởng, nói là độc thân nghe cũng không hay, có một số việc khó làm." Nghĩa là đang thúc giục kết hôn. Để nhấn mạnh từ ngữ cho có sức nặng hơn, ông còn hỏi Du Nhậm: "Thái Thái, cháu nói có phải không?"

Đứa cháu gái điềm đạm về nhà chỉ nói vài câu khiến Du Văn Chiêu rất hài lòng, liên tục thầm cảm thán "con gái mười tám thay đổi", không ồn ào như mẹ con bé, cũng không thích la cà cả ngày bên ngoài, tuy con bé chọn khối khoa học xã hội nhưng vẫn đứng top1 trong lần kiểm tra giữa kỳ. Chỉ tiếc rằng đã bị hỏng mắt, phải đeo một cặp kính.

Nghe vậy, Du Nhậm ngẩng đầu lên khỏi cuốn tiểu thuyết: "Ông, tại sao nói độc thân lại không hay? Tại sao độc thân lại làm việc khó? Tại sao mẹ cháu phải tìm bố dượng cho cháu mới có thể tiếp tục làm phó viện trưởng? Vậy hà cớ gì lại để mẹ cháu làm phó viện trưởng? Trong bệnh viện của mẹ cháu có rất nhiều nam giới, chọn họ ngay từ đầu chẳng phải xong chuyện sao?"

Đứa cháu mở miệng ra vẫn giống Du Hiểu Mẫn. Người mẹ phó viện trưởng đắc chí bóc sô cô la, thân thiết đút cho con gái: "Con gái mẹ nói đúng."

Du Nhậm do dự một lát, sau đó há miệng cắn miếng sô cô la. Cô vẫn chưa làm hoà với Du Hiểu Mẫn sau cuộc chia tay với Mão Sinh, miệng không nói gì nhưng trên mặt vẫn viết rõ hai chữ khó xử, cuốn sổ tính toán trong lòng vẫn lật thành tiếng "soạt soạt". Được mẹ lấy lòng như thế này, Du Nhậm không làm mẹ mất mặt.

"Ấy, cháu đúng là không hiểu chuyện." Du Văn Chiêu nghĩ thôi vậy, tranh luận chuyện nam nữ với một đứa nhóc làm gì? Ông tiếp tục hối thúc Du Hiểu Mẫn: "Kiểu gì thì kiểu, trong nhà vẫn phải có đàn ông chứ?" Câu nói cũ rích lặp đi lặp lại quá nhiều khiến Du Hiểu Mẫn ù tai, vừa dài mặt xuống, Du Nhậm đã giúp cô cãi lại: "Ông, tại sao trong nhà phải có đàn ông? Ông không vừa ý vì không có đàn ông nào đánh mẹ cháu hay đánh cháu à? Ông chê nhà cháu bao nhiêu năm qua quá yên bình vì không có ai ngoại tình à?"

Du Văn Chiêu đứng dậy, tức giận liếc hai mẹ con rồi đi ra ngoài hút thuốc. Hồ Trạch Phân lén phì cười: "Cháu gái à, cái miệng đúng là."



"Nói gì cũng được, chỉ cần không chọc tức con bé là được." Du Hiểu Mẫn chăm chú nhìn con gái: "Dạo này con ở nhà ông bà đọc tiểu thuyết cả ngày à?"

"Con đi thăm Du Quyên." Nói xong, khuỷu tay Du Nhậm bị Hồ Trạch Phân vỗ nhẹ: "Đứa trẻ này... sắp đến Tết tới nơi." Bà sợ vận rủi tìm đến.

Dạo này Du Nhậm cũng đến thăm Du Quyên, vốn dĩ khi còn nhỏ rất sợ đến phía sau núi nhưng càng lớn càng dũng cảm hơn, tự xách theo hoa quả và nước ngọt đến tìm mộ của Du Quyên. Bia mộ thấp và bé như thế, Du Quyên dần bị mọi người lãng quên. Nếu bây giờ Du Quyên vẫn còn sống, chắc chắn sẽ cao hơn Du Nhậm một cái đầu. Một trong những điều tốt đẹp hiếm hoi mà Hồ Mộc Chi từng làm là kiên quyết dựng mộ cho Du Quyên với lý do sợ sau này sẽ không tìm được.

Việc tốt thì đã có, nhưng chẳng thấy bọn họ thường xuyên đến thăm. Có chiếc bình đựng tro cốt chôn dưới ngôi mộ nhỏ của Du Quyên, bên trên mọc đầy cây ngải cứu đã héo khô và muôn loại bụi gai không biết tên là gì. Du Nhậm từng thử nhổ ra vài lần nhưng không tài nào nhổ được, thế nên chỉ đổ nước Sprite và đặt trái cây lên mộ Du Quyên, nán lại cùng người bạn thuở nhỏ của mình một lúc trước khi về nhà.

Trong nhà Du Khai Minh phía chéo đối diện, Du Cẩm đã trở nên xa lạ với Du Nhậm từ lâu và không còn muốn nói chuyện nữa. Thằng con trai nhà đó thực sự rất ồn ào, gào khóc suốt ngày. Tiếng khóc càng to, nước mắt càng nhiều, Du Khai Minh và Hồ Mộc Chi càng tự hào, chỉ ước tiếng khóc đó có thể vang rộng khắp mười dặm tám trấn.

Du Nhậm chỉ nhớ Du Quyên - người ra đi đã lâu, cô không cho rằng đó là vận rủi.

Bên ngoài truyền đến tiếng trò chuyện thân thiết. Vừa nghe thấy, Du Hiểu Mẫn nhíu mày ngồi yên không đứng dậy. Du Nhậm cũng nhận ra đó chính là giọng nói của cha cô, Nhậm Tụng Hồng.

Du Nhậm gấp sách lại, đứng dậy, nhìn thấy cặp bố vợ và con rể cũ Du Văn Chiêu và Nhậm Tụng Hồng đang trò chuyện khách sáo, hiện là cha con trên danh nghĩa.

"Ôi, con bận thì cứ gọi điện thoại là được."

"Bố, dù bận đến mấy, sao con có thể quên đến thăm bố mẹ được?"

Thấy sắc mặt của vợ cũ, Nhậm Tụng Hồng ngừng nói chuyện, lễ phép nhận tách trà do Hồ Trạch Phân rót cho, khom lưng cúi đầu mỉm cười nhìn Du Nhậm. Có những tấc mỡ rung rinh trên khuôn mặt hồng hào của ông, giang sơn trên đầu trống nửa thửa đất, bụng cũng béo hơn một vòng: "Thái Thái?"

"Bố." Du Nhậm chào.

"Bài kiểm tra cuối kỳ lần này của con thế nào? Dạo này công việc ổn thoả chứ?" Nếu Nhậm Tụng Hồng đứng giữa đám đông, giọng điệu của ông khi nói chuyện với con gái không hề giống người xuống quê tán ngẫu với dân làng, cũng chẳng thể giống một người cha sẵn sàng lắng nghe tâm sự riêng tư của con cái, mà vô thức giống như đang xuống kiểm tra các bộ phận cấp dưới: "Tiến độ công việc của bảo vệ X năm nay thế nào? Các mục tiêu kiểm tra của thẩm định X đã hoàn thành hay chưa? Năm tới sẽ là năm quan trọng nhất cho thành phố chúng ta hoàn toàn chuyển đổi cơ cấu kinh tế..."

Nhậm Tụng Hồng không đợi Du Nhậm trả lời, ông nói luôn câu tiếp theo: "Năm tới sẽ là năm quan trọng nhất trong chặng đường cuộc đời của con..." Du Nhậm nhẫn nhịn nghe tiếp vì 2.000 tệ tiền lì xì. Cuối cùng nhận lấy bao phong bì đỏ, cảm nhận độ dày bằng cảm giác đầu ngón tay, thấy không tệ, Du Nhậm mới khẽ cười: "Đúng ạ thưa bố."

Du Hiểu Mẫn đảo mắt nhìn Du Nhậm tỏ ý không còn gì để nói, chỉ vài nghìn tệ đã bán rẻ nụ cười, bà đây chu cấp cơm ăn, áo mặc, sách vở học hành, hàng ngày giặt giũ làm việc nhà cho con bé mà chẳng thấy con bé nể mặt chút nào.

Nhậm Tụng Hồng ngồi một lúc rồi rời đi với lý do vẫn còn việc phải làm, vợ chồng Hồ Trạch Phân có chút thất vọng, ra sức ra hiệu bằng mắt bảo Du Hiểu Mẫn lịch sự mời người ta ở lại ăn cơm. Nhưng trông Nhậm Tụng Hồng hình như đúng là có việc bận thật, trước khi đi chỉ xách những món đặc sản địa phương miền núi được bố mẹ vợ cũ chuẩn bị sẵn và chào Du Nhậm: "Thái Thái, có chuyện gì nhớ tìm bố nhé."

Vậy nghĩa là nếu không có chuyện thì đừng tìm bố. Du Nhậm đồng ý, chưa bao lâu sau đã nằm xuống chiếc ghế bành của bà ngoại đếm lì xì: "Quái lạ, 3.000, năm nay lạm phát à."

"Mẹ nói cho con biết, Thái Thái, số tiền này là để tiết kiệm cho con học đại học." Nắm chặt kinh tế không chịu buông tay, Du Hiểu Mẫn chỉ sợ Du Nhậm sẽ bỏ trốn vì Hắc Mão Sinh hay Hồng Mão Sinh không biết chui từ đâu ra, nếu thế sẽ phải tịch thu lì xì của Du Nhậm.

Không ngờ con gái đã mọc đủ lông đủ cánh, Du Nhậm nói ngay trước mặt ông bà: "Một tháng mẹ chỉ cho con bấy nhiêu thôi, con muốn đi cắt kính cũng phải mất hai tháng".



Vẻ mặt Du Hiểu Mẫn khó chịu: "Tại mẹ trì hoãn à? Là tự con không muốn về nhà, không muốn gặp mẹ, sao mẹ biết con bị cận?" Cô không nói gì về Bạch Mão Sinh, nhưng Du Nhậm chẳng những phản đối mà còn chỉ trích ngược lại, nói cô đối xử không tốt với con. Du Hiểu Mẫn đưa tay lại gần: "Đưa đây!"

"Không đưa!" Du Nhậm nói: "Con tự mình kiếm, con có quyền quyết định."

Du Hiểu Mẫn tức giận: "Đồ vô ơn."

"Thôi đi, con là đang hẹp hòi đấy. Nhậm Tụng Hồng làm người rất chí công vô tư, hằng năm đến thăm bố mẹ đều mang quà. Còn con thì sao? Đến cả tiền lì xì cậu ấy đưa cho Thái Thái mà con cũng không tha, nếu con thiếu tiền thì để bố cho!" Du Văn Chiêu cảm thấy cô con gái sao Văn Khúc nhà ông không hề biết cách đối nhân xử thế, lại còn thường nơm nớp lo sợ thay cô - Nếu một ngày nào đó con bé gả đi, cái mặt già của mình biết giấu vào đâu đây?

"Đúng, đúng, con hẹp hòi, còn các người đều rộng lượng!" Đúng như dự đoán, Du Hiểu Mẫn lại xảy ra bất hoà với gia đình vào 29 Tết, sau đó ra ngoài đi lang thang. Du Nhậm giấu tiền vào túi trong áo phao, thuyết phục ông bà: "Mẹ cháu tính tình trẻ con, qua vài năm nữa mẹ cháu sẽ hiểu chuyện hơn thôi. Hơn nữa, bố cháu cũng không phải đến chỉ để thăm ông bà." Cô chọc vào chỗ đau của ông bà: "Ông ấy có một lãnh đạo già điều chuyển đến tỉnh, quê của người ta chính là huyện Tùng Dương chúng ta." Cô xem tin tức từ nhỏ, nghe vị lãnh đạo này nói suốt từ đài truyền hình cấp huyện, cấp thành phố đến đài tin tức tỉnh, lại còn là khách quen.

Cô vừa mở miệng đã khiến mặt ông bà khó xử, hai người lớn tuổi nhìn nhau, một người đi vào bếp, một người lại ra ngoài hút thuốc.

3.000 tệ trong tay Du Nhậm là một cơn mưa kịp thời, cô đã nghĩ nên tiêu như thế nào từ lâu: Phải thay chiếc cặp sách trông vừa ngu vừa xấu của bé Viên Liễu, đôi giày bông vừa quê mùa vừa không đảm bảo an toàn cũng phải được thay thành giày thể thao, quần áo mới cho trẻ em cũng phải hàng trăm tệ. Tính đến đây, 700-800 tệ đã biến mất. Trong số tiền còn lại, cô muốn mua bộ tác phẩm toàn tập của vài nhà văn, còn lại 2.000 tệ sẽ gửi định kỳ - cô muốn tự mình ra nước ngoài du lịch sau khi lên đại học.

Cô nghĩ đến Hoài Phong Niên, thôi, bỏ ra 200 tệ mua cho bạn ấy vài bộ sách vậy.

Cô lại nghĩ đến Mão Sinh, nếu mua cho Mão Sinh, nên mua gì đây? Mão Sinh cần một bộ trang phục Tiểu Sinh hoàn chỉnh, nhưng Mão Sinh không cần trang phục do Du Nhậm tặng nữa. Trái tim Du Nhậm tê tái, sắc mặt đột nhiên tối sầm, trận cãi vã ban nãy ở nhà chẳng qua chỉ là chuyện lông gà vỏ tỏi trong cuộc sống, chúng giống như cành khô cứng ngắc trên mộ Du Quyên, cũng giống như những nhánh cỏ xuân mềm mại, che phủ vết thương trong lòng Du Nhậm.

Hoặc có thể nói đó không phải vết thương, đó là nấm mồ nỗi lòng của cô gái.

Trong trường Số 8, ngoại hình của Du Nhậm vẫn như trước, thành tích xuất sắc, khi thực sự không nhìn nổi Hà Điền Điền diễu võ dương oai, cô đã tham gia cuộc thi diễn thuyết tiếng Anh cấp tỉnh và giành giải nhất nhóm học sinh cấp 3. Trong mắt phụ huynh và thầy cô, Du Nhậm lại "ngoan" như ban đầu, họ dần dần an tâm đối với cô.

Chỉ có Hoài Phong Niên mới nhìn ra: "Du Nhậm, cậu không có hứng thú với những thứ đó, cậu quá buồn chán."

Không còn Mão Sinh, Du Nhậm buồn chán chỉ biết bạt mạng tìm kiếm khung xương của chính mình trong điểm số, qua đánh giá của mọi người và các hoạt động chói mắt, sau đó bí mật ghép chúng lại với nhau.

Nếu nói với người khác, họ sẽ không tin: Sao một đứa trẻ mười mấy tuổi lại chịu tổn thương tinh thần sâu sắc đến như vậy? Họ cho rằng thanh mai trúc mã nếu thành đôi thì là lương duyên trời ban, nếu không thì là chuyện nhân gian thường tình. Trẻ con ấy mà, câu nói thích năm xưa sao mà giữ lời được?

Chính vì là trẻ con nên trong trái tim thuần khiết và đôi mắt trong sáng của cô chỉ có thể chứa đựng một thế giới nhỏ, cô dùng sự chân thành lau sạch và tưới tắm nó bằng tấm chân tình cho đến khi thế giới nhỏ biến thành thế giới rộng lớn. Mão Sinh từng là thế giới rộng lớn của Du Nhậm, giờ đây thế giới đã sụp đổ, Du Nhậm phải bò ra khỏi đống đổ nát và xây dựng lại như thể chưa có chuyện gì xảy ra. Người xem xung quanh vỗ tay hoan hô, Du Nhậm chỉ biết đơn độc nghiến răng nghiến lợi kiềm chế khuôn mặt năm mười bảy tuổi. Khuôn mặt nói rằng ngươi không được khóc, tự tôn nói rằng ngươi không được khóc, nhưng vết thương nói rằng đôi khi ngươi cũng nên khóc.

Thực ra Du Nhậm hôm nào cũng âm thầm khóc khi nhìn lên trần nhà vào lúc nửa đêm, hễ về nhà là lại mở Q lên và khóc khi thấy số tuần tin nhắn của Mão Sinh càng ngày càng xa hơn. Mão Sinh không biết rằng Du Nhậm mít ướt nhiều hơn cả cô.

Có nên gọi cho Mão Sinh không?

Du Nhậm vẫn rất nhớ Mão Sinh, không biết Mão Sinh hiện tại hay Mão Sinh quá khứ, chỉ cần đó là Mão Sinh là được. Cô bấm số của Mão Sinh khi xung quanh không có ai, nhưng khi âm thanh đường dây bận vang lên, tay của Du Nhậm tê dại, cô cúp máy.



Du Nhậm lập tức có chút hy vọng: Liệu Mão Sinh có gọi lại khi nhìn thấy cuộc gọi nhỡ không?

Đợi nửa tiếng vẫn không thấy gì, Du Nhậm ngồi ngơ ngác trên ghế bành nhìn điện thoại. Mão Sinh từng nôn nóng chờ đợi cô không còn thuộc về cô nữa. Du Nhậm cười cay đắng, bước thẳng ra khỏi nhà hít thở không khí. Có vài người háo hức không chờ được đã đốt pháo trước, thế là có những người không chịu tụt lại phía sau cũng hô hào hưởng ứng. Tiếng pháo không ngớt ở Du Trang lập tức trở thành một bản giao hưởng rộn ràng.

Du Nhậm tập trung xem pháo hoa náo nhiệt, bị sặc bởi khói pháo, cô đứng trước cửa lau nước mắt. Năm mới thật là tốt, có lý do để khóc, mình phải vui lên - gần đây cô thường tự động viên mình - đúng, phải vui lên.

Vừa cúp điện thoại của Ấn Tú gọi từ Bách Châu, Mão Sinh nhìn chằm chằm dòng tin nhắn nhắc nhở trên điện thoại di động, cắn môi: "Hả?"

"Mão Sinh, mau đến dọn bát đĩa đi." Triệu Lan gọi con, sau đó ra lệnh cho sư tỷ mới vội đến hôm nay: "Chị mau đi thay quần áo đi, sao cứ đứng đó thế?". ngôn tình hoàn

Bầu trời của tỉnh lỵ chẳng mấy chốc đã sáng bừng bởi pháo hoa. Trên ban công, Mão Sinh và sư phụ một trái một phải kẹp Triệu Lan vào giữa, gia đình ba người chen chúc ngẩng đầu nhìn ngắm khung cảnh tráng lệ trên bầu trời. Vương Lê mỉm cười, Triệu Lan thở dài, Mão Sinh cau mày, có chút muốn khóc.

Mão Sinh bị mẹ đánh: "Sao mặt ngắn tũn thế kia? Chỉ là Tết nhất cách xa nhau vài ngày thôi mà."

Ngổn ngang trăm mối tơ lòng, ngay cả Mão Sinh đang liễu ám hoa minh* cũng không thể hiểu được, cô nhìn sư phụ, hai mắt ngấn lệ. Vương Lê lập tức hiểu ra, cô cười ôm cả Mão Sinh vào lòng: "Không sao đâu, mọi chuyện sẽ ổn thôi."

"Vâng."

"Vâng."

Hai mẹ con đồng thanh đáp.

*Liễu ám hoa minh: Trong hai câu thơ "Sơn trùng thủy phục nghi vô lộ. Liễu ám hoa minh hựu nhất thôn". Ý là: Núi cùng, nước tận, tưởng là không còn đường đi. Qua rặng liễu tối, đến khóm hoa tươi lại có một thôn làng. Ngụ ý rằng: Khi trước mắt nhìn thấy tình huống không còn đường tiến nữa, đột nhiên xuất hiện chuyển biến và hy vọng mới tốt đẹp hơn.
Hãy đăng nhập để bình luận !
icon comment - bình luận