Xa Gần Cao Thấp - Chương 6

Xa Gần Cao Thấp Chương 6
Không tránh khỏi cuộc sống

......

Mỗi khi Du Hiểu Mẫn phải trực ca đêm, buổi chiều tan học Du Nhậm sẽ đến ăn trong căn tin bệnh viện trung tâm. Khi mẹ đi kiểm tra phòng hoặc có giờ làm, Du Nhậm sẽ làm bài tập về nhà và ôn bài trong văn phòng.

Thực ra làm bài tập không tốn bao nhiêu thời gian, Du Nhậm dựng cuốn sách giáo khoa tiếng Anh thật to lên rồi nghiên cứu các tác phẩm kinh điển, trong đó thường kẹp cuốn "Mặt trăng và đồng sáu xu" hoặc "Huyền thoại về những anh hùng dải ngân hà".

Sở thích đọc sách của cô khá đa dạng, trừ những cuốn tiểu thuyết lãng mạn không rõ nguồn gốc hay tác phẩm khai sáng giới tính tuổi trẻ thuê từ hiệu sách nhỏ trước cổng trường trung học Nhân tài, còn lại cô không từ chối bất cứ thể loại gì.

Mỗi tuần Du Hiểu Mẫn đưa cô 20 tệ tiền ăn sáng, cô sẽ dùng số tiền đó mua sách và thuê sách, nhiều lần Du Nhậm kêu rằng không đủ tiền và phải chịu đói vào buổi sáng. Nhưng cũng với 20 tệ mỗi tuần, Bạch Mão Sinh gặp nỗi phiền muộn y chang, chỉ có điều Bạch Mão Sinh tiêu hết tiền vào đồ ăn vặt: "Không đủ ăn."

Đôi khi các y tá khoa sản phụ đi qua văn phòng của Du Hiểu Mẫn thấy Du Nhậm đang "học bài", ai cũng khen ngợi: "Tiểu Thái Thái thật là chăm chỉ."

Du Nhậm xấu hổ rời mắt khỏi cuốn sách: "Chị/cô khen em/cháu quá."

Mặc dù Du Hiểu Mẫn có nói: "Làm gì có chuyện con bé học? Chẳng biết có đang để tâm hay không." Nhưng về cơ bản cô cũng yên tâm với điểm số của Du Nhậm. Sở dĩ nói "về cơ bản" là vì kết quả kiểm tra tiếng Trung và toán hàng tháng của Du Nhậm đều nằm trong top 3 toàn khoá, mỗi tội môn tiếng Anh có chật vật đến mấy cũng chỉ đứng thứ mười mấy trong lớp.

Du Hiểu Mẫn biết đây là món nợ mà con gái cô phải trả - làm sao một đứa trẻ một thời học trong trường tiểu học làng có thể sánh với một đứa trẻ luôn ngâm mình trong lớp học thêm mỗi cuối tuần? Du Hiểu Mẫn quyết định sẽ dành chút thời gian bổ trợ tiếng Anh cho Du Nhậm.

Hôm nay Du Nhậm đang bí mật đọc sách cảm thấy có chút tinh thần bất an, vì hồi chiều giáo viên dạy toán mang tờ kiểm tra đến tìm cô Trương chủ nhiệm, cuối cùng Du Nhậm và Bạch Mão Sinh lần lượt bị gọi lên văn phòng nói chuyện.

Nguyên nhân rất đơn giản, do không thể cưỡng lại ánh mắt đáng thương của Bạch Mão Sinh, Du Nhậm đã cho Bạch Mão Sinh chép bài trắc nghiệm toán. Sau đó lại không nỡ nhìn thấy bộ dạng Bạch Mão Sinh khổ sở suy nghĩ nhìn câu hỏi tự luận với đôi mắt đờ đẫn, Du Nhậm thúc cùi chỏ, để lộ đề kiểm tra cho bạn mình xem.

Cô bé đạt 99 điểm bị giáo viên từng bước thuyết phục: "Du Nhậm, xét về thành tích của em trong lớp, thầy tin rằng em đã tự mình làm bài kiểm tra. Nhưng em phải thành thật, có phải em đưa bài cho Bạch Mão Sinh chép không?" Giáo viên dạy toán trên lớp rất nghiêm khắc, phấn phủ trắng mái đầu, cứ hễ gầm lên cả cả lớp run bần bật. Thành tích giảng dạy môn toán của ông quanh năm thuộc hàng tốt nhất thành phố, là giáo viên được nhiều phụ huynh đánh nhau sứt đầu mẻ trán tranh suất muốn gửi đến nhà dạy kèm.

Du Nhậm và Bạch Mão Sinh đã ghi nhớ đạo đức và chính nghĩa giang hồ ngay cái hôm "núi non gặp suối chảy" trong quán bánh hoành thánh: "Không, thưa thầy. Em và Bạch Mão Sinh ai làm bài người nấy."

Giáo viên dạy toán và cô Trương nhìn nhau: "Thầy cô không muốn em nói dối. Hơn nữa, em có biết em đang làm hại Bạch Mão Sinh không? Đừng cho rằng thầy cô là đứa trẻ ba tuổi, bằng chứng rõ ràng đến vậy mà vẫn muốn phủ nhận?"

Với bài kiểm tra bày ra trước mặt, Du Nhậm phát hiện Bạch Mão Sinh chỉ được 86 điểm, nhìn kỹ hơn mới thấy tên ngốc này đã chép nhầm chép nhọt lũy thừa bậc 4 của tất cả các câu tích phân thành lũy thừa bậc 2, tự ý viết thiếu một đến hai dòng trong quá trình giải phương trình bất đẳng thức nhưng kết quả vẫn giống của Du Nhậm. Chưa hết, tại chỗ trống của tờ giấy kiểm tra, Bạch Mão Sinh còn vẽ một hình người nhỏ xoã ống tay áo.

Giáo viên dạy toán gõ lên bài kiểm tra: "Nhìn đây! Đáp án câu hỏi trắc nghiệm của Bạch Mão Sinh giống hệt của em, kết quả câu tự luận cũng giống nhau. Nhất là câu tự luận cuối cùng, trong cả lớp chỉ có hai kết quả giống hệt nhau. Nói là 'chỉ có hai', em xem, cũng chỉ có em và Bạch Mão Sinh. Bằng chứng sao chép rõ ràng thế này mà em vẫn cứng đầu? Thầy ghét nhất những học sinh nói dối không chịu thừa nhận!" Giáo viên dạy toán nghiêm túc đẩy gọng kính: "Em nói đi, Bạch Mão Sinh đã thừa nhận."

Tim Du Nhậm đột nhiên đập mạnh, cô không thể tin được, quay đầu lại nhìn Bạch Mão Sinh vừa bước tới một bước, tên ngốc đến cả chép bài cũng chép sai và không quên vẽ bậy lại đang khóc lóc trong góc tường, lắc đầu để chứng minh mình không bán đứng Du Nhậm.

Hai người không học hai tiết cuối cùng, bị phạt đứng trong văn phòng, nhân lúc giáo viên ra ngoài đi vệ sinh, Bạch Mão Sinh thì thầm: "Mình nói là mình chép bài cậu, nhưng cô giáo không tin, nhất quyết nói chúng mình thông đồng."

Du Nhậm dựa vào tường cười thành tiếng: "Mình biết." Trường Nhân tài với mệnh danh thực hiện quản lý trường nghiêm ngặt rất nghiêm khắc với học sinh. Đối mặt với sự thật phũ phàng, Bạch Mão Sinh đã nhận sai, Du Nhậm chỉ đành ngầm thừa nhận sự thật. Hình phạt là mỗi người viết một bản kiểm điểm và Bạch Mão Sinh bị phạt đứng đọc sách buổi sáng trong một tuần. Nhưng Du Nhậm biết chuyện này có lẽ vẫn chưa kết thúc.

Khi một đêm bận rộn vừa đi đến hồi kết, điện thoại trên bàn làm việc của Du Hiểu Mẫn reo lên. Cô cầm cốc nước nhận điện thoại, nghe xong vài câu đã nặng nề đặt cốc nước xuống bàn, vẻ mặt vừa nhũn nhặn vừa xấu hổ, chốc chốc lại nói: "Cảm ơn cô giáo, tôi sẽ dạy dỗ đứa trẻ này thật tốt."

"Hả? Con bé lại còn đọc sách không liên quan đến bài học trong tiết học? Tôi sẽ quản con bé thật tốt. Vâng, vâng, cô nói..."

"Hả? Con bé lại còn nhận thư tình?... Vâng, vâng, cô giáo nói đúng. Tôi đã ly hôn với bố con bé, đúng là mọi ngày tôi chưa để ý những chi tiết này. Cô giáo nhắc nhở đúng..."

"Hả? Lần này kiểm tra môn tiếng Anh chỉ đứng thứ 30 trong lớp? Xếp hạng cả năm tụt xuống dưới 100 à?"

Nghe liên tiếp những "thành tích" lần này của con gái, Du Hiểu Mẫn hoàn toàn choáng váng, khuôn mặt cô như bị bôi một lớp nước xanh. Cúp điện thoại, thẫn thờ trước bức tường một lúc, ngay sau đó, ánh mắt sáng quắc ấy bao trùm Du Nhậm.

Du Hiểu Mẫn là bác sĩ trong khoa sản phụ, bệnh nhân là phụ nữ già, trung niên hay trẻ tuổi đủ cả, cùng người nhà và bạn bè bệnh nhân, ánh mắt nhìn người của cô có thể nhìn thấu xương cốt tất cả.

Có người phụ nữ đến tái khám nói đây là lần đầu mình mang thai, vẻ mặt của Du Hiểu Mẫn vẫn như thường lệ: "Phải không? Tôi thấy cô đã phá thai ít nhất bốn đến năm lần. Cổ tử cung đã bị thương thành ra thế này, không thể nạo phá nữa, cô biết chưa? Phá nữa là không đẻ được đâu."

Có cô gái đương độ tuổi kết hôn đến muốn nghe tư vấn vá màng trinh, bị Du Hiểu Mẫn tức giận: "Tôi đã nói rồi, phẫu thuật kiểu này chỉ là khâu những phần rách lại thôi, cái đó của cô đã sớm chỉ còn lại một ít mẩu vụn, khâu lại làm gì? Không thể khâu được, cô biết chưa? Về nhà lựa lời mà nói, đừng có ý định này nữa."

"Cái gì? Cô lại còn mang thai? Vậy sao không khám thai mà còn yêu cầu vá cái gì? Càng không làm được."

Có cặp nam nữ tranh cãi ở hành lang bệnh viện về chi phí phá thai, Du Hiểu Mẫn dài mặt ra, gầm lên: "Thứ nhất, nếu đứa trẻ không được sinh ra thì ai biết có phải con của bạn nam không? Thứ hai, một người đàn ông tranh cãi với chị về chi phí phá thai thì chị còn cần anh ta làm gì? Thứ ba, không được đến phòng khám nhỏ, nếu xảy ra chuyện sẽ không ai gánh vác nổi hậu quả."

Có người phụ nữ nằm trên giường còn chưa kịp tan thuốc mê đã khóc vì bé gái mới sinh, Du Hiểu Mẫn càng cục cằn hơn: "Khóc cái gì mà khóc? Đẻ con gái là mong ước của bao nhiêu người, đừng tự mình hủy hoại cơ thể mình."

Chỉ bằng một cái miệng đã đắc tội người ta, Du Hiểu Mẫn với tài phẫu thuật nổi trội đã trở thành bác sĩ chủ nhiệm. Hơn nữa, trong mắt của những nhân viên luân chuyển của khoa sản bệnh viện này, Du Hiểu Mẫn không bị cám dỗ bởi tiền bạc của giám đốc Phủ Điềm càng có địa vị ổn định trong khoa hơn.

Nhưng, ánh mắt của Du Hiểu Mẫn lúc này lại khiến Du Nhậm có chút bối rối, hai mẹ con nhìn nhau một lúc, Du Hiểu Mẫn nói: "Ngủ trên giường nghỉ của mẹ đi, ngày mai nói chuyện sau."

Khi Du Nhậm thu dọn sách vở, cuốn sách giáo khoa tiếng Anh dày đến kinh ngạc kẹp cuốn "Huyền thoại về những anh hùng dải ngân hà" đã thu hút sự chú ý của mẹ. Du Hiểu Mẫn hỏi: "Bên trong là cái gì?" Không cho Du Nhậm trả lời, cô cầm cuốn sách giáo khoa đi, lật cuốn "Huyền thoại về những anh hùng dải ngân hà" mượn được có kèm theo phiếu đặt cọc, tiền đặt cọc là 20 tệ.

"Có phải tiếng Anh rất khó đối với con không?" Du Hiểu Mẫn thản nhiên hỏi.

"Vâng... có rất nhiều từ vựng con không biết trong phần đọc hiểu, chưa học đến. Phần chữa lỗi... phần chữa lỗi sai, con không tìm ra chỗ nào sai." Du Nhậm cúi đầu nhìn góc tường.

"Bạch Mão Sinh là bạn cùng bàn của con? Học hí kịch phải không?" Mẹ lại hỏi.

"Vâng... hồi tiểu học bạn ấy cũng học trong trường tiểu học thành phố. Thực ra bạn ấy có thành tích học tập tốt, chỉ yếu hơn trong môn toán." Du Nhậm nói tốt cho Bạch Mão Sinh: "Bạn ấy học Việt kịch từ nhỏ."

Du Hiểu Mẫn nhìn chằm chằm cuốn sách trên tay, lật thêm vài trang nữa trông rất thản nhiên, nhưng trong thâm tâm đang nghĩ không biết nên giao tiếp với con thế nào. Cô biết rõ nội tâm của những đứa trẻ lớn lên trong gia đình có bố mẹ ly hôn mỏng manh và nhạy cảm hơn những đứa trẻ khác rất nhiều, Thái Thái từ nhỏ đã không lớn lên bên mẹ, giờ đây hai mẹ cùng nhau chung sống, không chỉ đứa trẻ phải học cách thích nghi, cả chính cô cũng vậy.

"Thế này đi, trước mắt mẹ sẽ giữ cuốn sách này, còn con phải tự lập kế hoạch học tiếng Anh. Nếu kỳ kiểm tra tiếng Anh tháng sau cũng lọt vào top 3 như môn toán, mẹ sẽ trả lại cho con cuốn này." Du Hiểu Mẫn thấy ánh mắt Du Nhậm có ánh sáng lóe lên, cô cất sách vào ngăn kéo: "Có biết cách lập kế hoạch thế nào không?"

"Là viết kế hoạch mỗi ngày phải thuộc bao nhiêu từ vựng trong sách và làm bao nhiêu đề luyện." Du Nhậm nói.

Nhưng cô nghe tiếng Du Hiểu Mẫn bất lực nói: "Chết tiệt, con mà đi làm quan cũng không thể bằng bố, đến kế hoạch cũng không biết lập thì học hành làm cái gì." Du Hiểu Mẫn đóng cửa phòng làm việc, lúc này giọng nói càng lớn hơn: "Đi hỏi những bạn học giỏi tiếng Anh nhất lớp xem họ học thế nào, họ dùng tài liệu gì và đi học những lớp nào? Hãy hỏi giáo viên tiếng Anh xem mình phải cải thiện những chỗ nào? Bảo giáo viên cho lời khuyên, không được giấu dốt, biết chưa? Học hành là gì, là trước hết phải ngẩng đầu nhìn môi trường xung quanh và học hỏi từ những điểm mạnh của người khác. Đến khi ta cao siêu hơn môi trường xung quanh, hẵng nhìn sang những người đứng cao hơn."

Du Hiểu Mẫn nhìn cô con gái tưởng chừng như điềm đạm nhưng thực ra đã trở nên lầm lì ít nói, thở dài: "Con à, đừng nghĩ mình học giỏi dưới quê là có thể kiêu căng tự phụ. Môi trường quanh ta đã thay đổi, Thái Thái, con cần chủ động giao tiếp với mọi người. Giáo viên chủ nhiệm nói con hầu như không nói chuyện gì trong lớp, chỉ có một người bạn là Bạch Mão Sinh."

"Hôm nào đó rảnh rỗi, hãy gọi bạn con đến nhà chơi và ăn cơm." Du Hiểu Mẫn thấy Du Nhậm vui vẻ ngẩng đầu lên, trong lòng cô cũng bất giác mềm nhũn: "Cô giáo Trương nói vốn dĩ lần này cuộc bầu cử cán bộ lớp con có điều chỉnh, muốn đề cử con làm lớp phó học tập, vậy mà con lại cãi nhau với giáo viên? Ngày mai mau đi xin lỗi."

"Con không muốn làm lớp phó học tập." Du Nhậm từng là đại đội trưởng của trường tiểu học trong làng, khi đến trường Nhân tài, cô không còn "quyền cao chức trọng" nữa. Tuy ban đầu có hụt hẫng nhưng dần dần cô thấy thoải mái hơn rất nhiều, ít nhất ngoài việc tham gia dọn dẹp khu vực vệ sinh công cộng và luân phiên trực nhật, cô không cần phụ trách báo cáo thành tích lớp, cứ thế cô cũng vui.

"Tại sao?"

"Lớp phó học tập không có quyền gì, chỉ là đếm xem vở bài tập đã thu đủ chưa. Nếu làm thì con muốn làm lớp trưởng." Du Nhậm không phục.

Lần này Du Hiểu Mẫn thực sự đã cười: "Chết tiệt, đúng là giống của thằng bố, chỉ biết mê làm quan. Có bản lĩnh thì cứ làm đi, giỏi lắm mới làm được lớp trưởng."

"Làm lớp trưởng rất tốt... quản nhiều việc. Quyền lực không phân lớn nhỏ, tất cả đều vì phục vụ cả lớp." Du Nhậm phát hiện chỉ có lớp trưởng mới có quyền đại diện vào thư viện trường mượn sách trong góc sách cho lớp. Tả Hạc Minh là lớp trưởng, cậu ta thực sự rất không có mắt nhìn, toàn mượn về mấy thứ vớ vẩn.

Lúc đó Du Nhậm vẫn chưa rõ ràng ý thức được tính cạnh tranh của mình, chỉ biết quan tâm đến đặc quyền mượn sách mà thôi.

Ngày hôm sau, cuối cùng cũng đợi được Bạch Mão Sinh vào lớp sau khi bị phạt đứng một tiết đọc sách buổi sáng, Du Nhậm kể chuyện này cho cô bạn cùng bàn vẫn đang sưng mắt vì bị mẹ Triệu Lan và sư phụ Vương Lê đánh đòn. Thỏ trắng lau chóp mũi: "Được đấy Du Nhậm, mình ủng hộ cậu, mình bỏ phiếu cho cậu."

Bạch Mão Sinh kéo tay áo, để lộ cánh tay trắng nõn và mịn màng: "Hôm qua mình hát sai vài đoạn trong 'Chuồn Chuồn Ngọc': Thuở trước người ta gọi thi sĩ phong lưu, bây giờ lại chê kẻ đeo mũi bò."

Bạch Mão Sinh nhìn bạn mình đang lắc đầu: "Du Nhậm của chúng ta cũng vậy, không thể tránh khỏi cuộc chạy đua trong cuộc sống. À—" Bạch Mão Sinh đang nói thì lấy ra một thanh sô cô la trong cặp sách đưa cho Du Nhậm: "Lưu Mậu Nhiên ở lớp bên cạnh cho mình hai thanh, chia cho cậu một nửa nè."

"Cậu không bán đứng mình, mình sẽ ghi nhớ mãi ân tình này, chúng ta là..." Bạch Mão Sinh kéo dài giọng điệu, đến cả những sợi tóc rối trên trán cũng nhập tâm hát kịch: "Suối chảy gặp núi non."

"Bạch Mão Sinh! Đang nói gì đấy? Đứng lên!" Giáo viên toán tức giận mắng cô bé.

Bạch Mão Sinh ấm ức mếu máo, quẹt chóp mũi rồi lại đứng lên. Lần này cô bé không khóc, chớp mắt nhìn Du Nhậm không dám hé môi nửa lời, chỉ dám lén lút ngước mắt nhìn cô.

......
Hãy đăng nhập để bình luận !
icon comment - bình luận