Xa Gần Cao Thấp - Chương 75: Ai cũng bắt nạt

Xa Gần Cao Thấp Chương 75: Ai cũng bắt nạt
Ai cũng bắt nạt

......

Trong kỳ nghỉ hè cuối cùng của năm cấp 3, tuần nào Du Nhậm cũng đưa Viên Liễu ra ngoài chơi một lần, nếu không tiện ra khỏi thành phố, họ sẽ đến thăm các viện bảo tàng hoặc chơi đã đời tại công viên giải trí và sở thú địa phương.

Lớn lên dưới sự dạy dỗ bỗ bã của Viên Huệ Phương, Viên Liễu gần như chưa bao giờ đến những nơi này, nhưng bây giờ thì khác, được đi khám phá thế giới cùng Du Nhậm, bé Viên Liễu ngày nào cũng tươi cười hạnh phúc.

Hôm đó đưa con về nhà, Viên Huệ Phương có hỏi đứa trẻ ở trường Số 8 thi vào đâu, Du Nhậm nói là Đại học Phúc Đán, Thượng Hải.

"Vào Phu Đản* học nuôi gà, ấp trứng gà sao?" Túc Hải đang cúi đầu cặm cụi đánh chén dưa hấu ngẩng đầu tò mò nhìn Du Nhậm, hôm nay Hoại Phong Niên không đến, Túc Hải tức giận.

*Phu Đản (孵蛋): ấp trứng, nghe giống Phúc Đán

"Đó là một trường đại học nổi tiếng! Ấp cái gì mà trứng." Viên Huệ Phương nhìn Du Nhậm với ánh mắt ngưỡng mộ, quay sang khuyến khích Viên Liễu: "Học tập theo chị Tiểu Du, Tiểu Liễu của chúng ta cũng vào Phúc Đán nhé?" Ánh mắt Viên Liễu chợt sáng bừng, gật đầu lia lịa.

Viên Huệ Phương cũng tò mò tại sao cô bé tóc xoăn đó không đến, sợ là do thi không tốt: "Bạn cùng lớp của cháu đâu? Sao không thấy đến?"

Du Nhậm nói bạn ấy đã trúng tuyển Đại học Nhân Dân, nhưng đã chọn học lại vì không thích. Viên Huệ Phương trố mắt ngạc nhiên, vỗ đùi: "Hay là muốn thi vào Thanh Hoa và Bắc Đại! Đến cả Đại học Nhân dân mà cũng không thích?"

Du Nhậm mơ hồ gật đầu, thực ra không phải Hoài Phong Niên không thích, bạn ấy đã bị 100.000 tệ tiền học lại dụ dỗ đến một trường trung học tìm nhân tài như người khát cầu nước.

"100.000 tệ đấy." Hôm đó Hoài Phong Niên lăn lộn vui sướng sau khi biết tin: "Du Nhậm, cậu muốn ăn gì? Muốn đi đâu chơi? Mình đãi!"

Du Nhậm nói mình cũng nhận được vài vạn tệ tiền thưởng dành cho tân sinh viên đại học xuất sắc, suy cho cùng, cô vẫn tiếc cho Hoài Phong Niên: "Cậu quyết định không đến Bắc Kinh thật sao? Năm sau đề thi sẽ được cải cách, kết quả khó nói."

"Kẻ mạnh cứ việc mạnh, gió mát vẫn thoáng qua đồi." Hoài Phong Niên rất tự tin, trong đợt thi đại học lần này, chấn động trời đất mà rằng, cô đã thu hẹp khoảng cách giữa mình và Du Nhậm xuống dưới 20 điểm.

Hoài Phong Niên đã năm mồm bảy miệng tranh cãi với bố mẹ về chuyện học lại, Hoài Tương Long hỏi Đại học Nhân dân thì có gì kém? Đừng nói như rồng leo, làm như mèo mửa. Cho dù đó không phải chuyên ngành con thích, nhưng với tuổi của con, 20 tuổi tốt nghiệp đại học, học xong thạc sĩ cũng chỉ mới 23, cầm tấm bằng ra ngoài chẳng phải có hàng hà sa số cơ hội kiếm tiền sao?

Tống Hội Hương thì đang nghĩ không biết nên tiêu 100.000 tệ đó như thế nào, bà muốn mua bảo hiểm cho mình. Hoài Phong Niên không đồng ý, Tống Hội Hương nói sẽ giữ hộ Hoài Phong Niên, nhưng con gái vẫn từ chối: "Đây là tiền con kiếm được, con để dành sau này đi học dùng dần."

Là bần nông căn chính miêu hồng đời thứ ba, Hoài Phong Niên cảm thấy bố mình quá bảo thủ: "Ông ấy ở trong trường quá lâu, suy nghĩ quá đơn giản, quá lý tưởng hoá." Như cô đã nói với Du Nhậm, dù có chọn chuyên ngành nào đi chăng nữa, cũng rất hiếm xảy ra khả năng có thể kiếm được chừng ấy tiền trong một năm, và cũng thấy mẹ mình quá hùng hổ doạ người: "Bà ấy nghĩ cái gì của mình cũng phải là của bà ấy."

Thấy Hoài Phong Niên đã quyết chí, hôm qua sau khi ăn một bữa với bạn thân, Du Nhậm tiễn Hoài Phong Niên đến trường học lại. Hành lý và sách vở của Hoài Phong Niên được bê y nguyên từ trường Số 8 đến trường mới. Du Nhậm giúp cô ổn định chỗ ở trong ký túc xá, đoạn hai người dạo quanh trường mới một lúc, cuối cùng, Hoài Phong Niên đứng trước cổng trường tiễn Du Nhậm ra về: "Du Nhậm, cậu có nghĩ mình ngốc lắm không?"

Nói thật, Du Nhậm nghĩ sự lựa chọn của Hoài Phong Niên hơi thiển cận. Không thể so sánh giữa học lại một năm cấp ba và lên đại học mở mang tầm mắt, quả cân ở giữa chỉ nặng 100.000 tệ mà thôi.

100.000 tệ đối với Hoài Phong Niên là số tiền sinh hoạt mấy năm, cũng có thể là thu nhập của bố mẹ cô trong hai năm. Những đầu ngón tay Hoài Phong Niên vuốt mái tóc Mandela mới cắt, đẩy kính lên: "Đối với mình, số tiền này có nghĩa là dám ngẩng mặt mà sống. Du Nhậm, tuy bố mẹ mình không ly hôn, trong khi bố mẹ cậu thì có, nhưng cậu không hiểu ngửa tay xin tiền bố mẹ là cảm giác như thế nào."



Chi phí sinh hoạt chỉ tốn đâu đó hai trăm tệ mỗi tháng, nhưng Tống Hội Hương luôn tỏ thái độ với sắc mặt chưa bao giờ dịu dàng hoà nhã. Hoài Tương Long thì đôi khi dúi tiền cho cô rất tích cực, nhưng không thường xuyên.

Hoài Phong Niên sợ nghèo lắm rồi, cô không muốn vào đại học sống quẫn bách qua ngày mà không có chỗ dựa như thế, chứ đừng nói đến đi du lịch mở mang tầm mắt. Quả đúng thế, những cách như xin học bổng và vay vốn có thể giúp cô khắc phục khó khăn, nhưng nếu muốn bước vào con đường đại học dễ dàng hơn, cớ gì phải khoác thêm gắng nặng tâm lý?

"Vậy cậu đừng keo kiệt với bản thân, phải ăn uống đàng hoàng." Tóc Xoăn đã ăn bao nhiêu mì gói suốt ba năm trung học, cô để ý hết.

"Chà, trường học nói mình được miễn tiền ăn và ở, chắc chắn sẽ có thịt." Hoài Phong Niên cười nói: "Nếu hôm nào đó cậu tới, mình sẽ cho cậu thử." Cô nhìn Du Nhậm, bỗng cảm thấy muốn khóc: "Chậc, đúng là, nhiều lúc thức dậy, mình tưởng vẫn đang ở trong ký túc xá..." Thậm chí còn kêu lên trong mơ hồ: "Du Nhậm, cậu dậy chưa?" Mở mắt ra, chỉ thấy cánh quạt trần cũ trong quán hoành thánh đang quay vòng.

Những tưởng còn quá sớm để nói lời chia tay, nhưng hoá ra còn nhanh hơn tưởng tượng. Du Nhậm có một tháng nghỉ hè, trong khi Hoài Phong Niên lại quay về căn ngục luyện đề đại học gian nan. Bộ tác phẩm kinh điển được Du Nhậm tặng cũng được mang đến trường học lại, Hoài Phong Niên ngượng ngùng cười: "Mình phải giết thời gian nhờ bộ sách bìa cứng đó."

Trong giây phút lưu luyến tiếp theo, Du Nhậm ôm lấy Hoài Phong Niên, nước mắt Hoài Phong Niên trào ra tức thì - bố mẹ không đồng ý với quyết định của cô, chỉ có Du Nhậm đến đưa cô đi học lại.

"Nếu cậu học chán, hãy xem tập câu hỏi sai của mình." Du Nhậm soạn những điểm kiến thức dễ nhầm lẫn và những câu hỏi làm sai thành nhiều tập vở, lần này cô mang đến cho Hoài Phong Niên: "Coi như đây là lời nhắc nhở bản thân, luyện đề nhiều chẳng ích gì, còn phải lật ngược tư duy của mình lúc đó và nghĩ về ý định ra đề." Du Nhậm cũng khóc, cô lau nước mắt: "Nếu bố mẹ cậu đến ép cậu đi học đại học thì sao?"

"Không ép được." Hoài Phong Niên trấn an ngược Du Nhậm: "Mình đã giấu thẻ cất tiền." Nháy mắt với Du Nhậm, Hoài Phong Niên nói: "Bọn họ tuyệt đối sẽ không ngờ được." Cô lại gãi đầu: "Trong cuốn 'Quân chủ Luận' mà mình đưa cậu có kẹp tấm thẻ đó... à, ừm, không phải tặng cậu đâu, phiền cậu giữ nó hộ mình một năm. Thật đấy, mình cất ở đâu cũng không yên tâm bằng ở cậu." Cuối cùng cô đã nói ra điều bản thân phải kìm nén cả ngày trời trước lúc tạm biệt.

"Cậu điên à Hoài Phong Niên?"Du Nhậm giật mình trước hành động chém trước tâu sau của Hoài Phong Niên: "Cậu không sợ mình sẽ làm mất sao?"

"Du Nhậm của chúng ta rất quý trọng sách vở, mất gì cũng được, chỉ sách là không." Hoài Phong Niên làm động tác khẩn cầu Du Nhậm: "Xin cậu hãy giúp mình việc này, mình không thể giấu nó trong quán hoành thánh, ở nhà không an toàn, kể cả để trên người mình cũng không yên tâm. Cậu không cần trả lãi cho mình đâu, hahaha."

Đó là lý do Du Nhậm thay đổi vị trí cuốn sách và thẻ mà Hoài Phong Niên đưa cho những năm lần, cuối cùng áp dụng bước đi táo bạo, chỉ đặt lên ngăn trên cùng của giá sách trong cuốn "Chính trị học" do chính cô tự tay viết, tuy vào phòng là nhìn thấy ngay, nhưng Du Hiểu Mẫn không có hứng thú với loại sách này, cũng không thường xuyên lau bụi. Để cẩn thận hơn, cô còn dán kín trang sách ba lần bằng băng dính, như thế sẽ không sợ thẻ tuột ra khỏi sách.

Hoài Phong Niên ngốc, Du Nhậm biết phải chăng mình cũng là một kẻ ngốc. Cô đến Thượng Hải không phải vì tương đỏ đậm dầu, cũng không phải vì mưa sa mùa mận của Giang Nam, chỉ là cô muốn đặt dấu chấm cho ước hẹn trong lòng. Điều ngốc nghếch hơn ở cô là rằng, cô thầm mong cái kết này sẽ giống như cổ thụ đâm chồi mới. Du Nhậm vẫn ôm hy vọng.

Ăn xong dưa hấu ở nhà Viên Huệ Phương, cô tạm biệt Viên Liễu: "Tiểu Liễu, bài tập lớp 4 chị mua cho em đều đi kèm đáp án chi tiết. Em tự làm đề và đối chiếu đáp án nhé? Những câu không hiểu thì khoanh tròn lại, ngẫm nghĩ trước, khi nào thực sự không nghĩ ra, lần sau chị sẽ đến dạy em."

Nghe vậy, nhóc Túc Hải nghiêm túc nhướng mày: "Lớp bốn? Tiểu Liễu, học kỳ tới chúng ta mới lớp ba mà?"

Du Nhậm giải thích cho bạn nhỏ: "Tiểu Liễu đã quen học trước một năm." Đây cũng là nguyên nhân quan trọng giúp Du Nhậm tiến bộ vững chắc trong học tập. Cô tự đánh giá mình không phải người thông minh xuất sắc, mà hoàn toàn dựa vào thói quen học tập kiên trì. Nếu có thể xuất phát trước lệnh một chặng nhỏ theo cách hợp lý ngoài quy định, vậy tại sao không chạy?

Túc Hải bắt chước dáng vẻ bà cụ non của Hoài Phong Niên, lắc đầu: "Cầm đèn chạy trước ô tô." Túc Hải vẫn quan tâm Hoại Phong Niên: "Học lại là gì? Hoại Phong Niên bị đúp lớp à?"

"Không phải bị đúp, là học lại một năm lớp 12, năm sau thi vào một trường đại học tốt hơn." Viên Liễu vốn đã biết rất nhiều, nghiêm túc giải thích cho Túc Hải.

Bạn nhỏ ngước khuôn mặt đã béo lên một vòng, chớp đôi mắt to, mascara dùng trộm bị mồ hôi ướt nhoè: "Ồ, vẫn là bị đúp." Thở dài: "Dậm chân tại chỗ."

Du Nhậm bị đứa nhỏ chọc cười, đổ thêm dầu vào lửa: "Hôm kia Hoài Phong Niên lại cắt tóc, lên trường với mái tóc húi cua."



"Hả?" Bàn tay bụ bẫm của Túc Hải lau trán, sửng sốt một lát rồi tức giận gào lên: "Nuốt lời, nuốt lời!" Hoại Phong Niên từng nói: "Được, được rồi, không cắt nữa." Những lời vô tình lừa trẻ con đều được Túc Hải nhớ rất kỹ, cô bé ném vỏ dưa đi, vẩy nước trái cây trên tay, giận dữ, giọng chói tai hơn một chút: "Sao không nghe lời thế nhỉ!"

Mẹ nói không đẻ thêm em bé nữa nhưng giờ bụng to quá phải tạm đóng cửa quán. Cha dượng nói từ nay về sau con là con một trong nhà, nhưng sao ông ấy lại vui vẻ vừa ca vừa nhảy quanh bụng mẹ?

Túc Hải muốn ăn burger nhưng mẹ cô nói không thể đi lại và không thể rời giường, đợi em trai hoặc em gái chào đời sẽ mua cho cô sau. Túc Hải lấy làm lạ, sao đứa trẻ chưa chào đời lại có sức hấp dẫn mạnh đến mức khiến cả nhà dần dần phớt lờ cô.

Thế là trong kỳ nghỉ hè, Túc Hải làm hai trang bài tập rồi vứt bút đi chơi, lẻn vào tiệm cắt tóc tự cắt, uốn, gội và sấy khô bộ tóc giả mẫu, hoặc đi tìm Viên Liễu cùng đi chơi xích đu trong công viên. Tiểu Liễu là một tên mọt sách, vừa chơi vừa ngâm thơ, nói rằng chị Du Nhậm sẽ kiểm tra.

Viên Liễu đọc: "Rượu ngon Lan Lăng thơm hương uất kim, đựng trong chén ngọc sáng màu hổ phách."

Túc Hải đạp xuống đất, bay cao lên trời theo nhịp xích đu, cất cao giọng: "Hương uất kim! màu hổ phách!"

Viên Liễu đọc thêm: "Ví thử gia chủ biết mời say khách, non nước đâu là chẳng là cố hương."

Túc Hải reo hò như người hát "Oh yeah oh yeah" trong Phượng Hoàng Truyền Kỳ: "Gia chủ! Cố hương!"

Khả năng văn học của Viên Liễu đang được tích lũy dần dần, khả năng cảm nhịp rap của Túc Hải cũng ngày một tăng lên. Nhưng vui vẻ hát xong, Túc Hải vẫn cảm thấy cô đơn. Ngôi nhà bảy tầng của cô rất ít người lên tầng thượng, Túc Hải lén lút lên tầng cao nhất, nằm bò trên tầng sân thượng phóng tầm mắt ra xa, có thể nhìn thấy hoàng hôn màu đỏ cam và những tòa cao tầng màu xám. Hoạ chăng đôi khi có thể nhìn thấy Hoại Phong Niên?

Chị nhà người ta mỗi khi rảnh đều đến thăm Viên Liễu, Hoại Phong Niên thì bị đúp, không đến thăm mình. Túc Hải bĩu môi nhìn Du Nhậm, tuy chị ấy để tóc mái bằng, không cao bằng Hoại Phong Niên, nhưng chị ấy đúng là một người chị tốt.

Túc Hải móc ra một hộp thạch vải to từ trong túi đựng trước váy liền thân ra: "Cho chị." Đây là sự kính trọng và khen thưởng cho một người chị tốt.

Du Nhậm nhận lấy: "Cảm ơn Tiểu Hải nhé." Cô sờ lọn bím tóc mượt mà của Túc Hải, đó là kiểu tóc được Mao Tín Hà bụng to nằm trên giường tết theo yêu cầu của con gái. Đứa trẻ này tuy không để tâm chuyện học hành như đứa ba, chỉ thích ăn, chơi và làm đẹp, nhưng lại rất ngây thơ đáng yêu.

Nhìn quanh mắt cô bé đen ngòm lại vì hỗn hợp mồ hôi và mascara, Du Nhậm nắm tay Túc Hải: "Nào, để chị rửa mặt cho em."

Đến trước bồn rửa, Du Nhậm lau vết mực trên mặt Túc Hải: "Nhắm mắt lại nào." Cô nhẹ nhàng nói, Túc Hải ngoan ngoãn nhắm mắt lại, cho chị gái mới giúp lau sạch mascara, mặt và tay đều được rửa sạch sẽ.

Xong xuôi, Túc Hải mở mắt ra, đôi mắt lanh lợi sáng lấp lánh dưới hai mí sâu, Du Nhậm nhìn nhóc Túc Hải đầy ngưỡng mộ: "Tiểu Hải thật dễ thương!" Quay đầu sang, thấy khuôn mặt đỏ rất sạch sẽ mới ban nãy của đứa ba cũng dính đầy nước dưa hấu, lại còn có hai giọt chảy xuống cằm.

"Hả?" Du Nhậm cười, nhìn Viên Liễu đang yên lặng xếp hàng chờ đợi: "Tiểu Liễu cũng ăn xong rồi sao? Nào, chị cũng rửa cho em."

Viên Liễu chen Túc Hải về phía sau, ngẩng đầu nhìn Du Nhậm, đôi mắt vui vẻ cong lên: "Chị, em tự rửa được." Nói xong, cô bé chật vật nhón chân, nhoài người về phía trước. Bồn rửa trong nhà Viên Huệ Phương xây cho người thuê nhà, cao đến mức trẻ con phải dẫm lên một chiếc ghế đẩu nhỏ mới vặn vòi được. Viên Liễu nhón chân run lẩy ba lẩy bẩy, bỗng được chị Du Nhậm bế lên: "Không sao."

Sắc mặt Du Nhậm đã đỏ bừng - Tiểu Liễu lại cao lên và nặng thêm. Cô nín thở: "Ơ, bên trái vẫn còn, ơ, bên phải vẫn còn, á!" Không nhịn được nữa, cô đặt đứa trẻ xuống, lau mặt cho Viên Liễu. Phát hiện bím tóc của Tiểu Liễu bị lệch, Du Nhậm tháo dây chun cho Tiểu Liễu: "Chị buộc lại cho."

Khi Du Nhậm sửa lại tóc cho Viên Liễu, cô không nhìn thấy Viên Liễu ra vẻ đắc ý hếch cằm nhìn Túc Hải. Túc Hải ngây người, nhưng không động tí là gào khóc như hồi còn học mẫu giáo, mắt cô bé đỏ hoe, thở phì phò: "Được - được thôi!" Mấy người đó, ai cũng bắt nạt mình.

......
Hãy đăng nhập để bình luận !
icon comment - bình luận