Phúc Nữ Nhà Nông - Chương 345: Sả đầu đen

Phúc Nữ Nhà Nông Chương 345: Sả đầu đen
Tiền thị ăn khỏe uống khỏe liên tục trong nửa tháng, bởi vì gần đây ăn nhiều, khẩu vị tốt, nên khuôn mặt và bả vai gầy gò của bà đã dần đầy đặn hơn, sắc mặt cũng trở nên hồng nhuận, nhìn như trẻ ra mười tuổi vậy, trông xấp xỉ như Lưu thị.

Không, không nên nói là trẻ ra mười tuổi, vì tuổi của bà vốn dĩ phải như thế, lúc trước bà trông già nua chẳng qua là vì sức khỏe không tốt.

Có lẽ là do hiệu quả của thuốc, cũng có lẽ là do cơ thể của bà đã được phục hồi, giờ bà không còn dễ bị đói bụng như trước nữa.

Đến tối, bà cũng chỉ ăn một cái bánh nướng áp chảo, một bát mì.

Không chỉ Chu lão đầu, ngay cả mấy huynh đệ Chu đại lang cũng âm thầm thở phào nhẹ nhõm, gần đây mẹ già một người ăn bằng ba người, thằng nhóc choai choai còn có thể ăn nghèo ông già*, càng đừng nói với mức độ ăn uống như của mẹ.

* Ý nói trẻ con đang tuổi lớn ăn rất nhiều, cha mẹ tốn kém.

Thấy cuối cùng bà đã trở lại như bình thường, bọn họ đều rất vui.

Bởi vì trước đó đã nhắc đến Mãn Bảo, nên bọn họ đều cảm thấy nhất định là do thần tiên làm sức khỏe của mẹ khôi phục hoàn toàn, tự nhiên cũng không cần ăn nhiều để cung cấp nhiệt lượng cho cơ thể gì đó nữa.

Buổi tối, Chu lão đầu còn cố ý hỏi Tiền thị lần nữa, "Khỏe thật rồi hả?"

Tiền thị bùi ngùi: "Khỏe thật rồi."

Chu lão đầu liền vỗ đùi nói: "Được, ngày mai tôi với bà lên núi bái Thiên Tôn lão gia, nhân tiện mua ít thịt về chúc mừng."

Tiền thị không từ chối, bây giờ là bọn họ mang ơn đội nghĩa với Thiên Tôn lão gia.

Chu lão đầu lại rất kích động, trái tim treo lơ lửng hoàn toàn buông xuống, ông trằn trọc khó ngủ, không kìm được hỏi: "Mãn Bảo nhà chúng ta thật sự là tiên tử chuyển thế hả?"

"Trong mộng Thiên Tôn lão gia đã nói như vậy, Thủ Thanh quan chủ cũng nói như thế."

"Vậy là thật rồi, mà bà nói xem, vì sao Thiên Tôn lão gia lại không phù hộ cha mẹ nàng nhỉ?"

Tiền thị trầm mặc một lúc rồi nói: "Đó là nhân họa, là tai họa bất ngờ. Nhị lang vừa thông minh vừa lương thiện, ông cảm thấy cuộc sống của hắn có thể kém được sao? Nhưng Thiên Tôn lão gia nhiều việc như vậy, cũng không thể luôn để ý mãi một hai người, mà cái tai bay vạ gió này nói đến là đến.."

Chu lão đầu cảm thấy bà nói có lý, "Nghe nói một ngày trên trời bằng một năm dưới hạ giới, bà thấy mấy năm đầu Mãn Bảo nhà ta khổ như vậy, liệu có phải là vì mấy ngày hôm trước Thiên Tôn lão gia đang rất bận nên không có thời gian nhìn Mãn Bảo nhà chúng ta, còn hai ngày nay nhớ ra nên ngó nhìn, cho nên mấy năm nay Mãn Bảo nhà chúng ta mới suôn sẻ như thế?"

Tiền thị: ".. Có lẽ vậy."

Chu lão đầu chép miệng, bò dậy từ trên giường, nói: "Không được, tôi phải dập đầu với Thiên Tôn lão gia, để ông ấy ngày nào cũng nhớ liếc nhìn Mãn Bảo một cái mới được, như vậy thì không phải là năm nào Mãn Bảo cũng được suôn sẻ sao?"



Tiền thị bất đắc dĩ nhìn ông đứng dậy, sờ soạng trong bóng tối thắp đèn dầu, sau đó châm hương dập đầu với Thiên Tôn lão gia.

Tiền thị chỉ đành bò dậy dập đầu cầu nguyện với ông.

Trên đời này có Thiên Tôn lão gia không?

Tiền thị không biết.

Nhưng muốn hỏi bà trên đời này có thần tiên hay không, tất nhiên Tiền thị sẽ không chút do dự mà nói có!

Thiên Tôn lão gia chưa chắc đã là thần tiên giúp đỡ bọn họ, nhưng kính sợ thần tiên thì sẽ không bao giờ sai.

Hai vợ chồng nửa đêm xuống giường bái thần tiên, mà Mãn Bảo ở cách một bức tường cuối cùng cũng chờ được tích phân ghi lại của con chim đuôi xanh kia.

Lúc ấy Mãn Bảo vẫn còn chưa ngủ, đang học tập y thuật với thầy Mạc ở trong phòng dạy học, kết quả bỗng nhiên nghe thấy tiếng ting, bé bèn nhấn chọn tạm dừng học tập, ra ngoài nhìn thử, sau đó thấy tích phân vốn đang có 30.000 của bé bỗng có nhiều thêm một số 0.

Thấy Mãn Bảo sửng sốt, Khoa Khoa giải thích cho bé: "Con chim đuôi xanh kia đã nghiên cứu ra đề mục rồi, tên là sả đầu đen, còn được gọi là chim bói cá, tích phân ghi lại là 320.000."

Mãn Bảo òa một tiếng, hỏi: "Đắt vậy hả, vì sao con chim này lại đắt hơn chim sẻ nhiều như vậy? Ta cảm thấy chim sẻ ăn ngon hơn mà."

"Căn cứ vào luận văn viện nghiên cứu phát biểu mới đây, nó có giá trị từng này tích phân."

Mãn Bảo như suy tư gì, "Nếu chúng ta còn có thể bắt được nó, vậy có thể bán nó cho tiến sĩ D không? Chúng ta không cần 300.000, chỉ cần 210.000 là được."

Giọng vừa mới dứt, hòm thư bỗng nhiên kêu ting ting, tiến sĩ D vẫn luôn biến mất bỗng online liên hệ với bé.

"Xin lỗi bạn, từ sau khi tôi nhận được vật mục tiêu liền vào trong phòng thí nghiệm làm nghiên cứu, cho nên không thấy email của bạn. Câu hỏi lần trước của bạn tôi đã bảo một nghiên cứu sinh phía dưới đi tìm hiểu rồi, căn cứ theo tài liệu lịch sử, muốn tăng gia sản xuất lúa mạch vụ đông dưới điều kiện nguyên thủy thì phải cải tiến từ các phương diện.."

Mãn Bảo vốn đang định trở lại học nhìn thấy email này thì tinh thần lập tức rung lên, lập tức vứt chương trình học ra sau để nghiêm túc đọc email tiến sĩ D gửi tới.

Nói là email, không bằng nói đây là một bài luận văn dài viết cực kỳ tỉ mỉ.

Theo lời tiến sĩ D nói, nàng ấy đã giao câu hỏi của Mãn Bảo như một bài tập cho một người nghiên cứu sinh, đây là luận văn đối phương viết xong trong một tháng.

Tất cả các phương diện như canh tác, gieo giống, làm cỏ, khử trùng, bón phân để nâng cao sản lượng lúa mạch dưới điều kiện nguyên thủy đều được trình bày rõ ràng.

Những phương pháp liệt kê trong này đều đã cố gắng lấy dữ liệu nguyên thủy nhất, nhưng Mãn Bảo vẫn nhìn ra được, ở trên này vẫn có rất nhiều thứ thôn Thất Lí bọn họ không có.

Thứ mà Mãn Bảo chú ý nhất là, bên trên còn đề cập đến việc cải tiến nông cụ*.



* Nông cụ: Vật dụng (dụng cụ, đồ dùng) được người nông dân sử dụng để sản xuất nông nghiệp theo phương pháp thủ công, truyền thống.

Mãn Bảo tốn rất nhiều thời gian để đọc xong một phần ba luận văn, đọc đến đoạn cải tiến nông cụ, bèn chăm chú nhìn bức vẽ nông cụ kia.

Khoa Khoa nhắc nhở bé, "Ký chủ, giờ đã qua thời gian ngủ của ngươi 15 phút rồi, nếu ngươi còn không ngủ, thì tỷ lệ đi muộn ngày mai của ngươi là 25%."

Lúc này Mãn Bảo mới nằm xuống giường, hỏi: "Khoa Khoa, ngươi có thể in email này ra giúp ta không? In chữ vào giấy, như vậy thì ta có thể đọc cả ở bên ngoài."

Khoa Khoa nói: "Có thể, cần ta in hết toàn bộ, hay chỉ cần in phần luận văn thôi?"

"Chỉ cần in phần luận văn là được."

Mãn Bảo gửi mail cảm ơn cho tiến sĩ D, sau đó thỏa mãn ôm chăn đi ngủ.

Tuy rằng năm nay đã gieo trồng lúa mạch vụ đông rồi, nhưng còn có năm sau mà, quan trọng nhất là, bên trên có rất nhiều biện pháp đề cao sản lượng không chỉ áp dụng với lúa mạch vụ đông, mà còn áp dụng cho thời điểm khác nữa.

Đặc biệt là phương pháp dưỡng độ phì của đất.

Mãn Bảo đã nghe cha già nhắc không chỉ một lần, sở dĩ trong thôn không trồng lúa mạch vụ đông, một nguyên nhân rất lớn là do độ màu mỡ của đất không đủ để chịu được một năm hai mùa trồng trọt.

Email vừa nãy có một đoạn rất dài dạy bọn họ nên dưỡng độ phì cho đất như thế nào.

Chẳng qua muốn áp dụng tất cả trên ruộng nhà họ thì hơi khó, nhưng nhà Bạch Thiện Bảo và Bạch nhị lang thì hẳn là được, nhà bọn họ không chỉ có tiền, mà còn có ruộng và nhân công.

Tốt nhất là có thể thuyết phục nhà bọn họ thử trước một lần.

Bởi vì có ý tưởng này, ngày hôm sau Mãn Bảo vẫn thức dậy đúng giờ, sau đó cầm quyển sách Khoa Khoa đã in ra.

Đúng vậy, cái bài luận văn rất dài kia đã được in thành một quyển sách, cũng không quá mỏng, chừng 60 trang.

Vì để thêm tác dụng ngụy trang, Khoa Khoa còn giúp bé làm một cái bìa màu xanh lam, vô cùng phù hợp với đặc điểm bìa sách ở thời đại này.

Đương nhiên, cũng trừ hai điểm tích phân của Mãn Bảo.

Bây giờ bé đã là phú bà, hơn nữa ngày nào cũng có điểm thu vào, nên đã chẳng còn để ý đến hai điểm tích phân.

Bé vô cùng hài lòng với quyển sách có thể quang minh chính đại lấy ra này, có cái bìa như vậy, ngay cả lúc đi học bé cũng có thể để trên bàn, Trang tiên sinh sẽ không cảm thấy có vấn đề gì.
Hãy đăng nhập để bình luận !
icon comment - bình luận